22293350_29112020.jpgẢnh minh họa.

P.V: Thưa bà, chúng ta vừa tổng kết Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Với tư cách là Phó trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh, xin bà cho biết mục đích của chiến lược này là gì?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030”, với mục đích quán triệt về nhận thức trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình và công tác gia đình. Điều này được xác định là động lực của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xây dựng gia đình theo các tiêu chí: ít con, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, tiếp thu có chọn lọc những giá trị phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc ổn định, củng cố, phát triển gia đình và công tác gia đình, đặc biệt ở cấp cơ sở và cộng đồng dân cư.

Tiểu phẩm tham dự Hội thi CBL "Gia đình hạnh phúc" tỉnh Nghệ An năm 2020. Ảnh: Đức Anh

P.V: Xét về mặt thời gian, quá trình thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đã hoàn thành. Vậy, bà có thể nêu rõ những kết quả nổi bật mà Nghệ An đạt được.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh:Qua gần 10 năm triển khai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chiến lược và công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức về công tác gia đình được nâng lên đáng kể, được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách, quy định cụ thể, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Các chương trình, đề án về gia đình được tổ chức thực hiện lồng ghép với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Nhiều địa phương, đơn vị đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động công tác gia đình ở cơ sở. Công tác giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được quan tâm. Mô hình gia đình ít con ngày càng được nhân rộng; công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em và bảo vệ người người cao tuổi ngày càng được lan tỏa.

Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới được quan tâm thường xuyên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, dòng họ, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng tăng lên, đã xây dựng được nhiều mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, dòng họ văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Nghệ An chuẩn mực về đạo đức, phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập…

Nhiều địa phương, đơn vị đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động công tác gia đình ở cơ sở. Ảnh: Đức Anh

P.V: Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy thời gian gần đây vấn đề hôn nhân và hạnh phúc gia đình đang có nhiều vấn đề còn băn khoăn. Chẳng hạn như số lượng các vụ ly hôn gia tăng; hiện tượng phụ nữ bỏ chồng, con xuất cảnh sang nước ngoài lấy chồng... Suy nghĩ của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Gia đình là một tế bào của xã hội, nên chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tác động của đời sống xã hội. Hay nói cách khác, những biến động trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Có lúc, có nơi tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra, có những vụ việc hết sức nghiêm trọng; mô hình gia đình truyền thống có nguy cơ bị mai một. Sự xuống cấp về đạo đức, lối sống cũng đang có biểu hiện gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trẻ ly hôn tăng, dẫn đến hệ quả đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, không được chăm sóc tăng theo cấp số nhân...

Có thể nói, đây là thực trạng đáng báo động, rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác gia đình, chúng tôi luôn nỗ lực trong việc tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan và các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình...

P.V: Trở lại với Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2012 - 2020 ở Nghệ An, bà có thể phân tích rõ hơn về những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Là cơ quan thường trực, hơn ai hết, chúng tôi nhận rõ những khó khăn, bất cập trong thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam ở Nghệ An. Trước tiên, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự quan tâm và nhận rõ tầm quan trọng của công tác gia đình. Do vậy, kết quả đạt được chưa đồng đều, chưa có chiều sâu và hiệu quả chưa cao. Thứ nữa, chưa có nhiều công trình nghiên cứu toàn diện về công tác gia đình ở Nghệ An, các kết quả nghiên cứu, tìm hướng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới chưa được áp dụng. 

Những hạn chế trong thực hiện công tác gia đình còn chậm khắc phục; việc đánh giá, công nhận danh hiệu Gia đình Văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Một số phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại ở vùng sâu, vùng xa kéo theo sự tồn tại về tính gia trưởng, trọng nam, khinh nữ, vấn nạn tảo hôn, sinh nhiều con. Tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống và các loại tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em đang ảnh hưởng đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Các mối quan hệ trong gia đình, cộng đồng, xã hội ít nhiều bị biến đổi.

P.V: Vậy, những khó khăn, bất cập ấy bắt nguồn từ những nguyên nhân nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Trước hết, về mặt khách quan, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, có 11/21 huyện, thị miền núi, 115/480 xã miền núi cao đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 15,3%. Nơi đây vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu trong nếp sống của một số cộng đồng dân cư. Cùng với đó, sự bùng nổ thông tin, nhất là mạng xã hội và sự xâm nhập nhiều loại văn hóa phẩm độc hại, thông tin xấu, độc đã ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

Về mặt chủ quan, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác gia đình của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa rõ nét; chưa xác định được công tác xây dựng gia đình là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Việc giáo dục gia đình, cung cấp kiến thức làm cha, làm mẹ, giáo dục trước và sau kết hôn, các kỹ năng ứng xử trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế, lãng quên việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, nhất là đối với trẻ em và người cao tuổi. Việc xử lý vi phạm về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em chưa nghiêm…

P.V: Bà có thể chia sẻ thông tin về các vấn đề trọng tâm cần thực hiện khi chúng ta tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam trong giai đoạn mới?

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao giải Nhất tại Hội thi CLB "Gia đình hạnh phúc" tỉnh Nghệ An cho huyện Con Cuông và Hưng Nguyên. Ảnh: Đức Anh

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Để tiếp tục phát huy những hiệu quả, khắc phục những hạn chế, bất cập, theo chúng tôi việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải gắn liền với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; sự phối hợp của các ban, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chiến lược công tác gia đình trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu và hoạt động trong công tác gia đình.

Thêm nữa, cần có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp đối với công tác gia đình; đầu tư các công trình nghiên cứu trọng điểm, toàn diện về công tác gia đình ở Nghệ An để áp dụng vào thực tiễn và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới. Đồng thời, tăng cường giáo dục giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam để nuôi dưỡng nhân cách và góp phần bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi. Muốn vậy, cần tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp, phát động nhiều phong trào, chương trình, hội thi về công tác gia đình gắn với các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình. Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, vận động toàn thể nhân dân tham gia hưởng ứng; kịp thời ngăn chặn, xử lý các sai phạm về công tác gia đình, xóa bỏ dần những phong tục, tập quán lạc hậu và các loại tệ nạn xã hội…

P.V: Xin cảm ơn bà!