(Baonghean)- Hết Hóa, Lý, Ngoại ngữ trắc nghiệm rồi, chừ đến lượt Toán, thậm chí mấy bữa ni còn có cả ý kiến trắc nghiệm Văn! Không khéo mai mốt đây họ trắc nghiệm luôn cả môn… chém gió! 

- Chi mà ngoài nớ mọi người ồn ào náo nhiệt rứa bác Dung?

- Mấy cụ bán củi về hưu đang cãi nhau với mấy chị bán rau đương nhiệm về phương án thi năm nay!

- Bộ Giáo lại khoe “bài” mới à bác?

- À vụ ni không liên quan bộ Giáo, chuyện là bên Ban quản lý chợ huyện chuẩn bị tổ chức cuộc thi “rau khỏe, rau đẹp”. Úi chà, tinh thần tiểu thương phấn chấn náo nức lắm.

- Vui rứa còn chuyện chi mà cãi nhau?

- Thì bên chợ nói chọn hình thức thi trắc nghiệm còn bên tiểu thương đòi thi luận. Đang hăng, chưa ai chịu ai. Cả chuyện giải thưởng nữa, bên thí sinh nằng nặc đòi bổ sung thêm danh hiệu “Hoa hậu rau muống”!

- Ôi, rau muống thì khó kiểm soát “nét đẹp tự nhiên” lắm. Không khéo lại dính “đô-ping” như chơi. Mà răng chầu ni cấy chi cũng cứ đua nhau trắc nghiệm rứa bác hè?

- Chú mi hay chưa nạ, cho rảnh rang chơ mần chi nữa! Phát đề cho thí sinh xong chuyển sang giai đoạn ngồi chờ máy chấm. Chấm đúng thì “đồng chí người” nhận bằng khen, chấm sai thì mời “đồng chí máy” lên kiểm điểm rút kinh nghiệm! Hết Hóa, Lý, Ngoại ngữ trắc nghiệm rồi, chừ đến lượt Toán, thậm chí mấy bữa ni còn có cả ý kiến trắc nghiệm Văn! Không khéo mai mốt đây họ trắc nghiệm luôn cả môn… chém gió!

images1687415_images.jpgẢnh minh hoạ

- Chả dám giấu dốt với bác, thú thực em vẫn chưa hiểu về 2 chữ trắc nghiệm!

- Trắc nghiệm là một phương tiện kiểm tra, đánh giá về kiến thức hoặc để thu thập thông tin. Theo nghĩa chữ Hán, trắc có nghĩa là đo lường, nghiệm là suy xét, chứng thực. Trắc nghiệm xuất hiện từ thế kỷ 19, do một nhà khoa học người Mỹ nghĩ ra nhằm thử đánh giá trí thông minh của con người trước khi nhà tâm lý học người Pháp soạn ra bộ giáo án trắc nghiệm.

- Rứa đường ống dẫn thủy điện Sông Bung 2 vỡ òa ngày 13 tháng 8 vừa rồi có trắc nghiệm cấy chi không bác?

- Phải chờ cơ quan chức năng kết luận, cấm có hồ đồ!

- Chờ cho cơ quan chức năng kết luận thì biết đến khi mô. Theo em phải có tinh thần khẩn trương như tỉnh Hậu Giang ấy, cho người ra tận nhà riêng ngoài Hà Nội để tìm ông họ Trịnh về kiểm điểm trước khi cơ quan chức năng tung phương án “bắt Pokemon”!

- Ngày 13 là hạn triệu tập, ngày 12 còn ra tìm cấy chi nữa chú?

- Thì chắc họ làm bài thi trắc nghiệm ấy mà!

- Trắc nghiệm cấy chi?

- Thì câu hỏi đặt ra “Đồng chí Trịnh giờ phiêu bạt nơi đâu?”, cùng với 4 phương án lựa chọn là: đáp án A, ở nhà chờ Hậu Giang đến đón; đáp án B, đi nước ngoài chữa bệnh gút; đáp án C, đã trở lại Hậu Giang chuẩn bị trình diện; đáp án D, đã được bố trí đi nhận chức vụ mới cao hơn.

- Và các bác ở Hậu Giang chọn sai đáp án?

- Nói chính xác là các bác ấy đã lựa chọn đáp án... sai!

- Ý chú là biết chắc chắn ông Trịnh vắng nhà nhưng vẫn đến?

- Ý em thì là vậy, chứ bà con còn bóng gió kiểu như “biết chắc chắn ông Trịnh vắng nhà nên mới đến”!

- Theo chú sự việc đồng chí họ Trịnh ấy sẽ đi đến đâu?

- Em có thể trả lời theo hình thức trắc nghiệm không?

- Ok, kính mời!

- Có thể gói gọn trong 4 câu thành ngữ chứ?

- Cụ thể?

- A, Ba chìm bảy nổi, B, Bặt vô âm tín; C, Xuất đầu lộ diện; D, Tức nước vỡ bờ.

- Không ai giang tay để có câu thành ngữ “Đầu xuôi đuôi lọt” với đồng chí họ Trịnh này?

- Không bao giờ!

- Vì sao?

- “Qua cầu rút ván” mà!

Dung & Dăng

TIN LIÊN QUAN