(Baonghean) - Lâu nay, cứ thấy nói nhiều thứ ở ta phát triển một cách vô tội vạ, vô tổ chức, dẫn đến cái gì thừa vẫn thừa, cái thiếu vẫn thiếu...
Nhưng thật ra không phải thế, ít nhất là về mặt chủ trương, chính sách. Gần như thứ gì cũng nằm trong quy hoạch. Đến nỗi, hôm 16/9 vừa rồi, khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Luật quy hoạch, ông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã phải thốt lên: Chúng ta đã rất sai lầm khi có quá nhiều quy hoạch, thậm chí có cả quy hoạch cá tra, quy hoạch cá rô phi…
Dĩ nhiên, để phát triển một cách bài bản, có trình tự, có lớp lang, có hệ thống bảo đảm yếu tố hài hòa và bền vững, thì nhất thiết phải có quy hoạch.
Cái khác nhau cơ bản ở đây là quy hoạch để phát triển một cách khoa học và đúng hướng, hay là quy hoạch để giữ chỗ, để tạo ra cơ chế xin-cho rồi liên tục phá vỡ quy hoạch gây nên nhiều hệ lụy xấu.
Nhớ lại bài học cay đắng về quy hoạch ngành mía đường đã để lại hậu quả đến nay vẫn chưa giải quyết được hết; hay như lạm phát cảng nước sâu đang để lại gánh nặng cho một số địa phương.
Có một số lĩnh vực đưa vào quy hoạch nhưng rồi không phát triển được nghiễm nhiên thành “quy tập”. Một yếu tố nữa khiến cho việc quy hoạch ở ta nhiều nhưng không hiệu quả - đó là mỗi ngành, mỗi địa phương lại có một quy hoạch riêng của mình, dẫn đến tình trạng quá nhiều quy hoạch với chất lượng thấp, vừa chồng chéo lại vừa chia cắt, cục bộ, thiếu liên kết mâu thuẫn gây lãng phí nguồn lực vừa gây khó khăn cho phát triển; nhất là phát triển một cách méo mó.
Có thể thấy rất rõ thực trạng ấy trong việc quy hoạch phát triển đô thị ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Đường hẹp, người đông, tắc nghẽn giao thông và lẽ ra phải tập trung mở rộng ra phía ngoại ô và tuyệt nhiên không được xây chung cư cao tầng làm gia tăng mật độ dân số một cách cơ học.
Đã có quy hoạch, đã có lệnh cấm xây nhà cao tầng trong nội đô, nhưng rồi các chung cư vẫn mọc lên ngày một nhiều và cái sau lại cao hơn cái trước.
Ngay cả nơi thiêng liêng cao quý nhất như khu vực Ba Đình ở thủ đô tưởng như bất khả xâm phạm mà rồi người ta vẫn ngang nhiên phá vỡ quy hoạch để mọc lên một cái nhà cao tầng uy hiếp an ninh cũng như làm tổn hại đến chốn thiêng liêng bậc nhất cả nước. Rồi thì sân gôn, ngành thép…
Nói ra như vậy để thấy quy hoạch ở ta thời gian qua có hay không, không mấy quan trọng, vì luôn tiềm tàng khả năng phá vỡ quy hoạch theo ý muốn chủ quan của một ai đó. Và quy hoạch trở thành một thứ quyền lực hoặc là một đặc ân để ban phát.
Thế nên cần phải điều chỉnh lại quy hoạch. Lĩnh vực nào, việc nào quan trọng, có tầm ảnh hưởng rộng lớn cả quốc gia thì nên xem xét, sắp xếp vào quy hoạch.
Còn những thứ bình thường khác thì hãy để cho cuộc sống, hãy để cho thị trường quyết định và tất cả sẽ phải phát triển theo đúng nhu cầu đòi hỏi của thị trường chứ không thể tuân theo mệnh lệnh hành chính của quy hoạch. Tóm lại, cần quy hoạch lại quy hoạch thông qua Luật Quy hoạch.
Duy Hương