(Baonghean) - Đang lướt facebook, bạn nhảy vào gửi một tấm hình cả gia đình đang "thân ai nấy lo" ôm điện thoại lướt web cùng câu "Hến ơi, mở ra". Tôi chưa kịp hiểu mô tê gì bạn lại tiếp "Thời đại công nghệ lợi hại thật, riết rồi biến mình thành những người câm luôn, câm như hến vậy đó". Tôi gửi cái icon cười trừ. Đúng thế thật, có lẽ đến một lúc nào đó, chúng ta lại cần đến câu thần chú kia để bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng " tiếng người" cũng nên.
Mới đây, một bức ảnh "họp gia đình" được đăng tải trên mạng khiến cư dân mạng giật mình nhìn lại chính gia đình mình. Mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau nhưng trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại thông minh, không ai nói với ai một câu gì, mọi người cứ cắm cúi làm công việc của mình trên thế giới ảo.
Giật mình, tôi nhìn lại gia đình tôi, chồng ngồi một góc ôm máy tính làm việc, bố nằm xem ti vi, tôi ngồi lướt web ở máy tính bàn, còn thằng con trai gần bốn tuổi xem Kid studio trên điện thoại. Có đầy đủ thành viên ở nhà nhưng không hề có một tiếng nói chuyện, tất cả những âm thanh được phát ra từ chiếc tivi mà bố đang xem, thỉnh thoảng là tiếng tằng hắng của bố.
Chúng ta không thể phủ nhận việc muốn tìm hiểu, cập nhật thông tin, trao đổi này nọ là chính đáng, nhưng cũng vì vậy mà hình ảnh những gia đình trẻ, trong thời đại công nghệ số cứ như đang mất đi chất keo gắn kết là những cuộc chuyện trò cùng nhau. Thêm vào đó, nhiều thói quen sinh hoạt trong gia đình cũng thay đổi, như ngủ muộn hơn, ít giao tiếp hơn.
Tôi có cô bạn thân, có hôm nhắn tin kể lể, bảo rằng cô với chồng con đi uống cà phê mà hay lắm. Ra quán cà phê, câu đầu tiên hỏi bồi bàn là mật khẩu wifi của quán. Gọi đồ uống xong, mỗi người nhanh chóng đăng nhập rồi chúi mặt vào màn hình điện thoại, vừa lướt vừa uống, đến khi ly nước cạn, ngồi thêm chút xíu để "viết cho xong status" rồi đứng dậy tính tiền ra về. Không ai nói với nhau một câu gì, ai làm việc đó. Bạn bảo, ngày xưa mỗi lần đi uống cà phê cùng nhau là một dịp để trò chuyện hăng say, giờ công nghệ phát triển, điện thoại nâng cấp liên tục, lại có nhiều cái mới, cái hay nên "nó hấp dẫn hơn cả nói chuyện với mình".
Điện thoại thông minh, thời đại công nghệ số, thế giới phẳng, nó giúp chúng ta kết nối với những người ở xa ta về mặt địa lý một cách nhanh chóng, nhưng cũng chính nó đẩy những thành viên sống cùng một nhà khoảng cách với nhau, mà bức tường ngăn cản chúng ta không ai khác chính là chiếc điện thoại của chính mình. Chúng ta say mê khám phá nó và lãng quên người ngồi bên cạnh; lãng quên những cuộc nói chuyện, bàn tán, và rồi dẫn đến việc hạn chế sự quan tâm, chia sẻ cùng nhau. Thời đại công nghệ số, những cuộc giận hờn, cãi vã, làm lành, thậm chí là đoán cảm giác của nhau thông qua những gì chúng ta viết lên status. Riết rồi câu xin lỗi cũng khó nói thành lời, cứ nhờ bàn phím, gõ cho xong. Có thể, điều đó làm chúng ta dần dần đánh mất cảm xúc thật của chính mình.
Nhưng, nói cho cùng chúng ta cũng không thể đổ hết tội lỗi lên cái điện thoại, bởi nó chẳng có lỗi lầm nào hết. Mà thủ phạm gây ra tình trạng tình cảm gia đình ngày càng nhạt dần đi chính là chúng ta, những người sử dụng thiết bị công nghệ vô cùng thông minh kia. Bạn đang cười và chối bay biến điều đó ư, bạn đang cố đổ lỗi do cái điện thoại của bạn cám dỗ quá, thế giới sau cái cổng wifi ấy hấp dẫn quá. Hấp dẫn tới mức không một ai từ chối nó được.
Nhìn lại mình, tôi cũng đang cầm điện thoại trên tay và đang chat chít trên facebook đây sao? Thằng nhóc con lâu lâu lại phá lên cười khi cái clip mà nó đang xem có đoạn gay cấn. Tôi khựng lại sau tiếng cười của con, rồi nghĩ, tại sao nụ cười kia không phải được bật lên nhờ việc tôi chơi đùa cùng nó, kiểu như cù lét chẳng hạn. Tôi cắm sạc pin vào điện thoại, tắt máy tính, tôi tính đi sang phòng bên hỏi chồng một câu vớ vẩn nào đó, đại loại như "vì sao con bò tót lại thành bò điên khi thấy chiếc khăn màu đỏ?", hoặc tôi sẽ phi ngay lên sofa và chọc cho nhóc con của tôi cười. Tôi sẽ bảo "con chơi điện thoại ít thôi, hư mắt đấy, chơi trò nặn đất sét với mẹ này". Có lẽ khi nghe đến vậy nó sẽ thích lắm. Bởi nhiều khi con chủ động rủ chơi, tôi cứ lấy cớ bận từ chối bằng cách đưa cho con cái điện thoại. Có lẽ, từ nay tôi sẽ gật đầu ngay khi được mời mà không cần suy nghĩ nữa.
Nam Giao