(Baonghean) - Trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Y tế giai đoạn 2010 - 2015 có 138 cá nhân điển hình tiên tiến được tôn vinh. Đó là những bác sỹ, chị hộ sinh hay anh điều dưỡng, dù ở vị trí, cương vị nào họ cũng luôn ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp với tâm niệm: Tất cả vì sức khỏe người bệnh.
Bà đỡ “mát tay”
Luôn nhẹ nhàng, thân tình với người bệnh, nữ hộ sinh Hoàng Thị Hà đã có gần 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên). Người dân trong vùng gọi chị bằng một cái tên trìu mến “bà đỡ mát tay”…
10 năm trước, Trạm Y tế xã Hưng Tiến còn thiếu thốn đủ bề, nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế; vẫn còn những trường hợp khi mang thai sản phụ không đến trạm khám thai, tư vấn… Không quản ngại khó khăn, chị Hà đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể đến tận gia đình vận động sản phụ đến cơ sở y tế để được chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé.
Chị luôn tìm tòi, học tập tích luỹ thêm kiến thức chuyên môn; học hỏi kinh nghiệm của những người có nhiều năm công tác, nhờ đó chị đã xử lý thành công nhiều ca sinh khó. Có những trường hợp sau sinh, sản phụ bị băng huyết, trường hợp trẻ bị ngạt, chị áp dụng các thủ thuật sơ cứu ban đầu như thông đường thở, ủ ấm cho trẻ bằng phương pháp da kề da… Do làm tốt việc sơ cứu ban đầu, hầu hết các trường hợp đó được chuyển lên tuyến trên an toàn.
Chồng là bộ đội biên phòng, thường xuyên đi công tác xa, một mình chị chăm sóc bố mẹ già, lại một nách nuôi hai con nhỏ nên chị phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ. Với suy nghĩ giản dị: Mình cũng là phụ nữ, cũng từng trải qua những tháng ngày “mang nặng đẻ đau” bởi vậy cần đồng cảm với chị em trong những lúc vượt cạn, có sự động viên ân cần và cố gắng không để xảy ra bất kỳ sai sót nào làm ảnh hưởng đến sức khoẻ sản phụ. Niềm vui khi “mẹ tròn con vuông” của mỗi gia đình chính là hạnh phúc lớn lao của người nữ hộ sinh. Gần 20 năm gắn bó với nghề, chị đã trở thành “mẹ nuôi” của không ít những đứa trẻ, là ân nhân của không ít gia đình.
Chị luôn bám sát địa bàn, khu dân cư và tìm hiểu thực tế từng hộ dân để hoàn thành nhiệm vụ vận động, tuyên truyền mọi người tích cực tham gia phòng bệnh. Nhờ đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ trên địa bàn xã Hưng Tiến giảm còn 10%; không có trường hợp sinh con thứ 3…
Người trẻ yêu nghề
Trong số 138 cá nhân được ngành Y tế Nghệ An tuyên dương, khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015 có anh Phạm Văn Đồng – điều dưỡng viên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Vừa mới tròn 3 năm tuổi nghề; là người trẻ nhưng không đồng nghĩa là “non” khi anh không thua kém bất cứ ai về lòng yêu nghề, tận tụy vì người bệnh…
Những tháng ngày đang là sinh viên của Đại học Y Thái Nguyên, Đồng không ngừng học tập, tìm tòi, nghiên cứu. Đồng tâm tình: Ngành Y là chữa bệnh cứu người, một sai sót dù nhỏ nhất đôi khi sẽ phải trả giá quá đắt. Điều đó buộc sinh viên trường y phải luôn nỗ lực học tập, tìm tòi, nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau trong chăm sóc, khám, chữa bệnh…”. Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân điều dưỡng, Phạm Văn Đồng tiếp tục học tiếp 2 năm kỹ thuật viên gây mê tại Bệnh viện 91 của Quân khu 1, sau đó anh mới quyết định về quê. Đến tháng 4/2012, anh vào công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh.
Là một sinh viên mới ra trường, hàng ngày lại phải đối diện với những nỗi đau của cả bệnh nhân và người nhà, áp lực công việc, trách nhiệm nặng nề nhưng chưa bao giờ Đồng coi đó là khó khăn. Khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 700 giường bệnh đi vào hoạt động, với chức năng là bệnh viện hạng 1 nên được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân vùng Bắc Trung bộ và nước bạn Lào, cùng đó, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cũng được đầu tư công nghệ lọc máu liên tục. Đồng cùng 2 đồng nghiệp khác tại khoa là những người được tin tưởng cử đi học để tiếp cận kỹ thuật mới này. Dù làm việc theo ca, sau 1 ca 12 tiếng đồng hồ sẽ được nghỉ 1 ngày nhưng bất cứ khi nào có bệnh nhân cần lọc máu, anh đều có mặt để thực hiện nhiệm vụ của mình, bởi Đồng ý thức rõ: “Lọc máu cần đảm bảo tính liên tục và thời gian dài, những trường hợp được chỉ định lọc máu có nghĩa là tình trạng bệnh cực nặng như ngộ độc, suy gan, sốc nhiễm khuẩn, nếu không kịp thời lọc máu thì khả năng sống sót rất ít”.
Nhận xét về đồng nghiệp, bác sỹ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa cho hay: “Tuy mới về công tác tại khoa hơn 3 năm nhưng Đồng đã khẳng định được năng lực chuyên môn nghiệp vụ cũng như khả năng tiếp cận những tiến bộ y học mới. Dù chỉ hơn 3 năm công tác nhưng Đồng xứng đáng là tấm gương điển hình để người khác học tập, noi theo.
“Mẹ hiền” ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Trách nhiệm với bệnh nhân, tâm huyết với nghề đã thôi thúc bác sỹ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An miệt mài với những nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực tiễn. Dẫu công việc chuyên môn thường xuyên bận rộn nhưng hàng năm anh đều có đề tài khoa học báo cáo và ứng dụng trong khám và điều trị… Đáng chú ý như đề tài “Đánh giá hiệu quả và các yếu tố liên quan điều trị ARV ở bệnh nhi HIV tại phòng khám ngoại trú Nghệ An, Bệnh viện Nhi Nghệ An đã được báo cáo tại Hội nghị nhi khoa năm 2011; "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và xét nghiệm điều trị bệnh nhân sốt mò tại Bệnh viện Nhi Nghệ An 2010-2012".
Một số căn bệnh nguy hiểm như: viêm não Nhật Bản B, nhiễm trùng huyết, uốn ván sơ sinh… trước đây người bệnh chỉ có thể “cầu cứu” ở tuyến Trung ương. Thế nhưng, bác sỹ Sơn đã miệt mài nghiên cứu và tham gia xây dựng phác đồ điều trị, đến nay, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An đã cứu sống nhiều bệnh nhi mắc các căn bệnh hiểm nghèo này. Mặc dù ngày ngày tiếp xúc với hàng chục lượt bệnh nhân nhưng ông vẫn nhớ như in những ca bệnh khó, những bệnh nhân nghèo được ông chăm sóc khỏi bệnh. Ông kể cho tôi nghe hàng chục trường hợp bệnh nhân, mà mỗi trường hợp là những trăn trở, đau đáu của người bác sỹ ấy với mong muốn giành lấy sự sống cho họ. Đó là câu chuyện của em Nguyễn Thị Quỳnh quê ở Nghi Hoà (Nghi Lộc), một trong những bệnh nhi đầu tiên được chữa khỏi bệnh uốn ván sơ sinh, nay là sinh viên đại học; hay em nhỏ quê ở Hạnh Lâm (Thanh Chương), mắc bệnh viêm não, được chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm này, không phải chuyển tuyến trên; hay một bệnh nhân quê Con Cuông mắc bệnh sốt mò đã được chữa khỏi. Nhiều bệnh nhân được ông cứu chữa hàng chục năm về trước vẫn thường thăm hỏi, liên lạc với ông bằng sự biết ơn chân thành. Với người bác sỹ tận tuỵ ấy, đó là niềm hạnh phúc lớn lao không gì sánh được và là động lực để ông ngày càng gắn bó hơn với nghề thầy thuốc – nghề nhiều vất vả nhưng cao quý.
Nam - Nguyệt