(Baonghean) - Trong 5 năm (2010-2015), ngành Y tế Nghệ An đã không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước rộng khắp ở các đơn vị trong toàn ngành. Phong trào thực sự tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cũng như hành động trong đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh nhà.
5 năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã triển khai phong trào thi đua yêu nước bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị. Phong trào thực sự tạo động lực mạnh mẽ, không khí thi đua sôi nổi, động viên sự nỗ lực, tinh thần phấn đấu của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tiêu biểu là các phong trào: “Học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đặc biệt là phong trào “Thực hiện Đề án nâng cao y đức và thực hiện Quy tắc ứng xử, Quy chế dân chủ cơ sở; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ sở khám, chữa bệnh”... Với cách làm cụ thể như: Tại hội nghị cán bộ công chức đầu năm quán triệt các nội dung và phát động phong trào, tổ chức cho 100% các khoa, phòng và từng cá nhân trong các cơ sở khám, chữa bệnh ký cam kết thi đua không vi phạm y đức. Kiện toàn đường dây nóng thường trực 24/24 tại các đơn vị của Sở Y tế; mở hòm thư góp ý của người bệnh, lấy ý kiến khảo sát sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân trong thời gian điều trị. Đưa tiêu chuẩn y đức làm tiêu chuẩn chính để bình xét thi đua tháng, quý, năm. Các đơn vị đã niêm yết nội dung nơi công cộng để mọi người quan tâm thực hiện. Phong trào thực sự tác động lớn đến ý thức trách nhiệm của mọi người về thái độ cư xử giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp và giữa cán bộ y tế với người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hàng tháng đoàn kiểm tra y đức của Sở mở thùng thư góp ý, thăm dò ý kiến người bệnh, người nhà người bệnh nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời đối với cán bộ y tế sai phạm trong vấn đề y đức.
Qua thực hiện phong trào đã có 10 cá nhân và 8 tập thể được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Năm 2014, ngành đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Nâng cao y đức trong các cơ sở khám, chữa bệnh”, UBND tỉnh tặng Bằng khen và tuyên dương 53 cá nhân đạt danh hiệu “Gương sáng y đức” trong toàn ngành. Sở Y tế được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba; cá nhân đồng chí Nguyễn Hồng Tân, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp được tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 5 cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp y tế.
Thực hiện Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo miền Tây, tính đến năm 2014, Sở Y tế đã quyên góp, ủng hộ được hơn 782 triệu đồng, trong đó: mua các tủ thuốc cho y tế thôn bản, bàn ghế học sinh tiểu học và THCS trị giá hàng trăm triệu đồng; xây dựng, sửa chữa 2 nhà trị giá 100 triệu đồng, tặng sổ tiết kiệm cho 10 hộ nghèo (mỗi sổ 10 triệu đồng) và 10 con bò giống cho 10 hộ, trị giá trên 10 triệu đồng/con. Hỗ trợ gạo, chăn ấm, tiền và trao tặng 40 suất quà trị giá 20 triệu đồng cho bà con nghèo và gia đình chính sách; tổ chức khám, cấp phát thuốc cho bà con nhân dân xã Yên Tĩnh (Tương Dương) trị giá 30 triệu đồng; trao 50 tủ thuốc và dụng cụ cấp cứu cho ngư dân bám biển tại huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu do Bộ Y tế phát động và được báo Gia đình và Xã hội tài trợ chương trình "Cùng ngư dân bám biển" với tổng trị giá 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các phong trào như: “Xanh, sạch, đẹp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Nói không với thuốc lá”, “Giỏi việc nước đảm việc nhà”… thực sự có sức lan tỏa rộng trong đội ngũ CBCNV, gắn kết các tổ chức đoàn thể cùng tham gia.
Công tác khám, chữa bệnh (KCB) nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các đơn vị đã chủ động tìm hướng đi thích hợp, trang thiết bị được tăng cường đầu tư. Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng phát triển, triển khai nhiều kỹ thuật cao như: Phẫu thuật nội soi (ở hầu hết các chuyên khoa bệnh viện tuyến tỉnh, đa số bệnh viện tuyến huyện), phẫu thuật sọ não, thần kinh - cột sống, thay khớp, phẫu thuật ung thư, can thiệp mạch, đặt sten mạch vành, phẫu thuật phaco, Lasik và các kỹ thuật về cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh... Nổi bật nhất là đã mổ tim hở, ghép thận thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, ghép tuỷ ở Bệnh viện Ung bướu... Đến năm 2014, toàn tỉnh có 42 bệnh viện, với 7.152 giường bệnh, đạt 23,8 giường bệnh/vạn dân, gồm: 6.115 giường bệnh công, đạt 20,3 giường bệnh công/vạn dân; 1.037 giường bệnh tư nhân (3,5 giường bệnh tư nhân/vạn dân) và 362 cơ sở hành nghề y tư nhân trên địa bàn (23 phòng khám đa khoa; 339 phòng khám bệnh chuyên khoa và các loại hình khác).
Đặc biệt, trong năm 2014, ngành Y tế đã khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở mới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh và khởi công xây dựng giai đoạn 2. Tại địa điểm mới, Bệnh viện có điều kiện phát triển chuyên môn toàn diện và đầy đủ, có điều kiện nâng cao chất lượng điều trị, triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật mới phục vụ nhân dân Nghệ An nói riêng và vùng Bắc Trung bộ nói chung.
Bên cạnh đó, ngành chỉ đạo thực hiện tốt công tác y tế dự phòng. Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngành Y tế đã tích cực chủ động các biện pháp phòng bệnh, tổ chức tốt công tác giám sát dịch tễ, kiểm dịch y tế quốc tế và có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch cụ thể. Do đó, trong 5 năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới và một số địa phương trong nước diễn biến hết sức phức tạp, nhưng trên địa bàn tỉnh nhà không có dịch bệnh lớn xảy ra, các vụ dịch bệnh nhỏ đều được kiểm soát và khống chế dập tắt kịp thời. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được duy trì, triển khai đồng bộ và hiệu quả như: Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng luôn đạt trên 95%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi tính đến năm 2014 còn 18,3%. Tỷ lệ sinh liên tục giảm nhanh, đưa tỷ lệ phát triển dân số xuống ở mức ổn định: 1,08% (mức giảm sinh trung bình hàng năm 0,4 - 0,5%)...
Ghi nhận những nỗ lực của các tập thể, cán bộ trong toàn ngành, thời gian qua, Đảng và Nhà nước, Bộ, tỉnh, ngành đã tặng nhiều danh hiệu thi đua: Sở Y tế Nghệ An đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 2 thầy thuốc được trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, 118 bác sỹ, dược sỹ được trao tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”, 53 cán bộ y tế được ngành suy tôn là gương sáng y đức; ngoài ra còn có rất nhiều thầy thuốc được nhận huân chương của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và của UBND tỉnh Nghệ An.
Trong những năm tiếp theo, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân còn rất nặng nề, nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp, điều này đòi hỏi công tác thi đua trong ngành Y tế thời gian tới phải có sự đổi mới nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó chú trọng triển khai sâu rộng, đồng bộ các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB, tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Nghệ An từ nay đến năm 2020; bổ sung, sửa đổi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong lĩnh vực y tế; Xây dựng trung tâm y tế kỹ thuật cao khu vực Bắc Trung bộ tại TP. Vinh, tạo sự đồng thuận, huy động sức mạnh tập thể cán bộ, nhân viên trong ngành; không ngừng phát triển chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt quy tắc ứng xử, giao tiếp trong bệnh viện... góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh nhà.
BSCK II Bùi Đình Long
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An