(Baonghean) - Những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, nông nghiệp nước ta rơi vào cảnh đình đốn. Trong hoàn cảnh đó, người nông dân đã “xé rào” để có khoán mới, để xác lập vị trí kinh tế hộ nông dân và đó thực sự là điểm bùng phát đưa nông nghiệp nước ta - trong đó có tỉnh Nghệ An, bước lên một trình độ phát triển mới cao hơn nhiều so với thời gian mấy chục năm trước đó.
Hơn 30 năm sau "xé rào", nông nghiệp nước ta đứng trước những đòi hỏi mới, thậm chí là rất mới nếu như muốn tiếp tục phát triển lên một trình độ mới, một tầm cao mới. Những đòi hỏi mới ấy là: Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải đủ sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước, thị trường khu vực, thị trường châu lục và thị trường toàn cầu. Đi liền với đó, nông nghiệp Việt Nam phải tự nâng mình lên một tính chất mới: nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn.
Những đòi hỏi khách quan này, chỉ có thể đáp ứng được khi nhà nông Việt Nam vượt qua được các rào cản về tâm lý, thói quen của người sản xuất nhỏ, về thực trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay. Nói cách khác, đã đến lúc kinh tế hộ nông dân trong nông nghiệp vốn là điểm bùng phát đưa nền nông nghiệp phát triển lại trở thành điểm nghẽn cho chính sự phát triển. Điều đó có nghĩa là đã đến lúc phải tiếp tục “xé rào” – xé rào lần thứ hai.
“Xé rào” lần thứ hai, thực chất là tổ chức nền nông nghiệp nước ta. Đưa nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa lớn. Đưa nông nghiệp Việt Nam từ một nền nông nghiệp dựa trên nền tảng thủ công - kinh nghiệm lên một nền nông nghiệp dựa nên nền tảng kỹ thuật hiện đại với công nghệ cao.
"Xé rào" lần thứ hai là việc làm tất yếu khi tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng giai cấp nông dân hiện đại.
Để "xé rào" lần thứ hai thành công, nhất thiết phải có sự lãnh đạo của Đảng mới đem lại yếu tố tự giác - cả nhận thức và hành động cho hàng chục triệu hộ nông dân. Hy vọng rằng, Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng sẽ có những quyết sách cho sự đột phá này.
Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, phải có sự ra tay của Nhà nước. Và chỉ có sự ra tay của Nhà nước mới tạo ra được tính tổ chức của cả quá trình vượt qua cái cũ để đến được với một trình độ tổ chức sản xuất mới cho nông nghiệp. Nhà nước đã có Luật Hợp tác xã năm 2012. Song luật cần được cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và các giải pháp cụ thể chứ không thể để luật tự nó phát huy tác dụng. Nhà nước phải thực sự tạo ra được cú hích để khởi động với xung lực mạnh mẽ quá trình này.
Cùng với Đảng và Nhà nước, thì các tổ chức chính trị - xã hội, hay xã hội nghề nghiệp như Hội Nông dân, Hội Doanh nghiệp - Liên minh Hợp tác xã, các tổ chức khoa học... phải tích cực vào cuộc theo một chương trình và kế hoạch thống nhất với cách làm có phân công, có hợp tác.
Tất cả mọi vấn đề cụ thể: Lối ra cho nông sản Việt Nam? Làm sao thoát khỏi tình cảnh được mùa rớt giá? Làm thế nào để nâng cao được thu nhập cho nông dân?... đều chỉ có thể tìm được lời giải cơ bản khi nông nghiệp nước ta "xé rào" lần hai thành công!
Trương Công Anh