(Baonghean) - Tối hôm trước, ả Nhiêu có coi truyền hình trực tiếp lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Truông Bồn không?

- Răng lại không, cả xóm xúm lại coi cùng nhau rất khí thế!
- Ả thấy ra răng?
- Đẹp, hoành tráng và rất xúc động, rất thiêng liêng. Rất xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các o thanh niên xung phong anh Chắt ạ!
- Tui là đàn ông mà cũng không kìm được nước mắt. Cảm phục và thấy thương những người đã ngã xuống đang được vinh danh và cả…

- Cả ai nữa, anh Chắt?
- Cả những người chưa được nhiều người biết đến, chưa được tôn vinh nữa, ả Nhiêu ạ. Cho dù sự hy sinh của họ cũng cao cả, cũng oanh liệt không kém ai.
- Anh Chắt nói vậy hẳn là có chuyện chi uẩn khúc?
- Nói uẩn khúc thì có phần hơi bi lụy. Nhưng đúng là trong lòng đang có chuyện không vui... Thà không biết thì thôi. Chứ đã biết rồi thì cứ thấy áy náy trong ruột, trong gan.

- Chuyện chi mà khiến anh Chắt phải mất ăn, mất ngủ rứa, nói mau tui biết với?
- À, chuyện là hôm trước đọc báo thấy người ta nói tối ngày mồng 5 tháng 2 năm 1967, một đợt pháo kích tọa độ dội xuống đội hình thanh niên xung phong đang hối hả san lấp hố bom phía Bắc cầu Cấm cướp đi sinh mạng của 15 cán bộ, chiến sỹ đang độ thanh xuân. Thế nhưng từ đó đến nay, không một tấm bia nào được dựng lên nơi họ đã hy sinh, dù sự kiện này không kém phần bi tráng so với một số sự kiện khác...

- Ừ thì hồi đó mưa bom, bão đạn chuyện hy sinh, mất mát là không thể tránh khỏi. Rồi sau sau chiến tranh là bao việc bộn bề... nên cũng có những sơ suất... Tui thì nghĩ là lịch sử không bỏ quên ai cả anh Nhiêu ạ, mà chỉ do thời gian và cả sự xao lãng của con người làm khuất lấp đi thôi.

- Thế nên, tui mới thấy áy náy trong người và cứ nghĩ là trước đến giờ không biết thì thôi, nay đã có người biết, có người nhắc đến thì các cơ quan, ban ngành liên quan nên tìm hiểu cho rõ ngọn nguồn câu chuyện, để mà có cách ứng xử cho phù hợp... Đừng để bất cứ ai còn sống hay đã khuất phải tủi phận.
- Anh Nhiêu nói phải, kể ra trong bù đắp mất mát chiến tranh, thì đừng để ai phải tủi phận!

 Tri Kỷ