(Baonghean) - Hồi bé, mình thích nhất là nghe mẹ kể chuyện. Nào “Tấm Cám”, “Trí khôn của ta đây”, “Sọ Dừa”, “Tích Chu”,…khi vốn liếng của mẹ bị mình “khai thác” cạn kiệt thì mẹ đành chuyển sang đọc các cuốn truyện cổ tích. Có những truyện mình đặc biệt yêu thích, không chỉ bắt mẹ đọc đi đọc lại mà còn bắt chước làm theo nhân vật chính của truyện. 
 
Mình nhớ lần mẹ đọc cho nghe truyện “Hansel và Gretel”, kể về hai anh em nhà nọ vì ham bánh kẹo mà mắc lừa bà phù thuỷ ăn thịt người, mình vừa sợ lại vừa thích vì trẻ con đứa nào chẳng thích đồ ngọt! Đến đoạn tả về ngôi nhà bánh kẹo ngon lành của bà phù thuỷ, mình đang ngồi há hốc miệng ra mơ mộng thì mẹ bảo: “Bim nhà ta ham ăn bánh kẹo thế này, lỡ may bị bà phù thuỷ bắt đi thì sao?”. Mình sợ quá khóc oà lên, mẹ liền đặt cuốn truyện xuống, dỗ dành và dặn mình: “Hansel và Gretel nghe lời người lạ nên mới rơi vào tay bà phù thuỷ, Bim nhà mình nhớ đừng nhận đồ gì của người lạ đưa cho, dù là bánh kẹo ngon, Bim biết chưa?”. Mình ngoan ngoãn gật đầu, từ đó về sau lúc nào cũng đinh ninh không bao giờ nhận quà của người lạ.
 
Mãi đến tận sau này lớn lên, nghĩ lại vẫn thấy những câu chuyện, đồ chơi dành cho thiếu nhi không thể nào thiếu đi ý nghĩa, mục đích giáo dục. Có thể là giáo dục về thể chất, nhanh mắt, rèn trí nhớ,…nhưng cũng có cả các loại hình giải trí mang ý nghĩa giáo dục về trí tuệ, tâm hồn. Đó là những câu chuyện cổ tích dạy cho trẻ em biết phân biệt cái thiện - cái ác, cái tốt - cái xấu, những đạo lý sống đơn giản nhưng thiết yếu đối với mỗi con người ngay từ khi mới manh nha hình thành nhân cách. Ngay cả truyện tranh - loại sách được cho là mang ý nghĩa giải trí đơn thuần - cũng hoàn toàn có thể truyền tải những thông điệp giáo dục nhân văn và có sức lan toả, ảnh hưởng lớn đến trẻ nhỏ. Ví dụ như bộ truyện tranh về chú mèo máy Doraemon - dạy cho các em về bổn phận hiếu kính với cha mẹ, ý nghĩa của tình bạn và tinh thần sống vì cộng đồng. 
 
Đáng buồn là thị trường đồ chơi, giải trí cho trẻ em ngày nay đang có những hạt sạn, lỗ hổng lớn, mà nguyên nhân chính là do sự chểnh mảng, thiếu trách nhiệm của người lớn chúng ta. Dạo một vòng quanh các nhà sách hiện nay, không khó để tìm ra những đầu sách không những không đem lại giá trị giáo dục mà còn tiềm ẩn những mối nguy tiềm tàng, gieo vào tâm thức non nớt của trẻ nhỏ những suy nghĩ cực đoan. Hoặc mới đây nhất, các phương tiện truyền thông đưa tin về những món đồ chơi kể chuyện, với nội dung liên quan đến tự tử, giết chóc - hoàn toàn không phù hợp với trẻ em. Không hiểu những nhà sản xuất đồ chơi nghĩ gì khi đem đến cho các em những nội dung giải trí vô nghĩa, vô bổ nhưng không hề vô hại ấy? Và không hiểu, các bậc phụ huynh nghĩ gì khi bỏ tiền ra mua cho con em mình những món đồ chơi như thế, hay bản thân họ thậm chí còn không biết con mình đang chơi gì, xem gì, nghe gì?
 
Trẻ em như một tờ giấy trắng, và còn là một tờ giấy trắng hết sức chân thật, hết sức nhiệt thành. Có nghĩa là các em sẽ lưu lại tất cả những gì mà mình được tiếp xúc, tiếp cận, làm hành trang đi theo các em rất lâu về sau trên con đường hình thành nhân cách, tri thức. Nếu chúng ta cứ viết mãi, viết hoài lên tờ giấy đó những dòng chữ vô nghĩa, vô bổ và thậm chí là độc hại, dần dà tờ giấy tinh khôi ấy sẽ bị ăn mòn, đục khoét lúc nào không hay…
 
Hải Triều