(Baonghean) - Tại cuộc gặp gỡ báo chí đầu Xuân Ất Mùi 2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: “Những thông tin xấu, độc hại nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn, giải quyết, thì sẽ tác động rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, gây tâm lý hoài nghi trong xã hội”.
Thực tế cho thấy, có không ít các trang mạng xã hội đang đứng trước những “đòn” tấn công của kẻ xấu. Những thông tin tiêu cực không rõ nguồn gốc, thiếu sự kiểm chứng, không có người đứng ra chịu trách nhiệm, nhưng lại được tung ra thành diễn đàn trao đổi, bình phẩm, nhận xét, được một số người cố ý hoặc vô ý tải lại, chia sẻ, theo dõi... không thể nói là không để lại ảnh hưởng tiêu cực. Không ít kẻ luôn rình rập và chờ đợi những kẽ hở, những hạn chế, yếu kém, những hình ảnh hoặc thông tin về khuyết điểm riêng lẻ để “cập nhật”, “phản ánh” từng giờ, từng ngày. Cùng với các thông tin bịa đặt, chúng quy kết thành bản chất của chế độ xã hội hoặc qua đó tỏ thái độ dè bỉu, đưa ra cái nhìn ác cảm, dùng những lời lẽ bình phẩm đưa đẩy để xô lệch tình cảm, cảm xúc theo những xu hướng tâm lý tiêu cực với cái nhìn phiến diện, chủ quan, áp đặt. Không ít tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đã lợi dụng những thế mạnh của “thế giới ảo”, tạo dựng những “thanh thế ảo” dưới những chiêu bài “phò chính trừ tà”, từ đó đưa ra những lời lẽ và nhận định thiếu tính xây dựng, tạo áp lực lên dư luận của cộng đồng mạng, âm mưu dẫn dắt tâm lý cộng đồng đi theo những chiều hướng xấu mà chúng đã “bài binh bố trận” hết sức trí trá, xảo quyệt.
Cùng với đó, có không ít những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ về lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo địa phương, nhất là với những vị lãnh đạo đang trong độ tuổi quy hoạch, thường xuất hiện trên mạng xã hội hoặc “trôi nổi” trong dư luận trước khi diễn ra đại hội. Không còn là chuyện lạ nếu tham gia mạng xã hội và một ngày nào đó tự dưng xuất hiện một hoặc một số địa chỉ cá nhân rất “trời ơi đất hỡi” trên mạng, đăng tải vô số thông tin về đời tư, về tài sản riêng, về các mối quan hệ quyền lực của một vị lãnh đạo nào đó, được kể lể, dẫn dắt đầy kịch tính, hấp dẫn... Nhưng rất lạ là có những thành viên các trang mạng xã hội là những người có chức vụ, có danh tiếng, có trí tuệ, có học hàm, học vị, có uy tín, có ảnh hưởng, có thành viên là cán bộ, đảng viên đương chức hoặc về hưu,... vẫn vào xem và bày tỏ thái độ “like” (thích) đối với các thông tin này, thậm chí có người còn nhấn nút “share” (chia sẻ, tải thông tin về trang của mình). Vô hình trung, bản thân các thành viên này đã làm cái việc tăng phần xác nhận những nguồn tin đó là sự thật. Việc làm này chẳng khác nào “nối giáo cho giặc”.
Rõ ràng, trước những sức ép tấn công trên trận địa thông tin, nếu mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân không tự đề cao và nâng cao tinh thần cảnh giác, không tỉnh táo và nâng cao bản lĩnh để đủ nhận biết thật - giả, nhận biết ý đồ thâm độc của kẻ xấu, thì rất dễ bị lợi dụng để tự mình trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho kẻ xấu “gieo trỉa” và nhân rộng thông tin xấu. Vì vậy, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức đối với việc ngăn ngừa và phòng chống sự xâm nhập của thông tin xấu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cùng với đó, trong nội dung sinh hoạt tư tưởng, các tổ chức cơ sở đảng cần chú trọng công tác định hướng về nhận thức, thái độ và hành động đúng đắn đối với mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước những thông tin xấu trên các trang mạng xã hội cũng như trong dư luận xã hội. Cán bộ và đảng viên phải không ngừng rèn luyện về bản lĩnh, lập trường, đồng thời không ngừng học tập nâng cao nhận thức về chính trị, tự hoàn thiện mình để mỗi người tự làm công tác tư tưởng cho chính mình, tránh tình trạng tự diễn biến, bị lợi dụng “nối giáo cho giặc”.
Đức Dương