(Baonghean) - Xuân chưa tàn nhưng Tết Nguyên đán đã hết. Hết Tết nhưng chưa hết chuyện. Vì lẽ có quá nhiều chuyện cần bàn, cần nói xung quanh việc ăn Tết, nghỉ Tết ở ta.
Nhìn lại thì thấy, kỳ nghỉ Tết kéo dài mất nhiều hơn được. Trước hết, có thể nói kỳ nghỉ Tết đồng thời là một cuộc di dân khổng lồ với hàng chục, hàng trăm nghìn người cùng ào ạt trở về cố hương trước Tết và quay trở lại nơi sinh sống, làm việc sau Tết. Một lượng tiền khổng lồ đã bay vèo theo bánh phương tiện quay trên đường bộ, đường không. Cuộc “di dân” này diễn ra không hề êm ả một chút nào mà khá hỗn độn vì các loại phương tiện khó lòng mà đáp ứng nổi ngay một lúc với số người đông đảo như vậy cùng di chuyển trong một thời gian ngắn. Thế nên chuyện tranh giành, giẫm đạp nhau lên xe, lên tàu rồi các phương tiện chạy như tên lửa cướp khách của nhau rồi nhồi nhét khách như nêm cối… Kết cục là tai nạn tăng cao hơn ngày thường và số người thương vong (vốn đã cao tới mức nổi tiếng thế giới) cũng cao hơn ngày thường. Theo thống kê của các cơ quan chức năng thì trong 9 ngày nghỉ Tết đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông, làm chết 317 người, bị thương 509 người. So với tết năm ngoái, giảm 40 vụ, tăng 35 người chết, giảm 82 người bị thương.
9 ngày nghỉ nghĩa là ngần đó ngày cả nước chơi không, không làm ra đồng xu, cắc bạc nào nhưng ăn tiêu thì khủng khiếp. Bia rượu chảy như suối. Tính bình quân mỗi nhà đón Tết tiêu tốn ít nhất là vài lít rượu phục vụ cho việc cúng và ăn nhậu, chưa kể bia. Tính xem cả nước có bao nhiêu hộ nhân lên với chừng đó rượu thì ra ngay số tiền. Một số tiền, chắc chắn là không nhỏ, có lẽ là bằng tổng thu nhập trong một năm của một, hai tỉnh nghèo. Sau ăn nhậu thả dàn hậu quả là sức khỏe giảm sút và tai nạn gia tăng. Nhân cách cũng vì rượu bia mà sa sút không ít và khiến con người trở nên hung hăng hơn. Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong những ngày nghỉ tết này đã có hơn 6.000 người phải nhập viện do tai nạn đánh nhau, ngày cao nhất với 900 trường hợp và 11 người tử vong.
Vậy là ngày Tết ở ta, bên cạnh nỗi lo về tai nạn giao thông gia tăng, giờ đây lại thêm một nỗi lo về tai nạn do... đánh nhau. Ngoại trừ số người chết thì số người nhập viện do tai nạn giao thông chỉ hơn 500 người, còn số người nhập viện do đánh nhau lại gấp hơn 10 lần. Đây mới thật sự là tai họa đồng thời là thảm họa nhân cách. Vì việc đánh nhau là do con người chủ động gây ra cho nhau và cho chính mình. Điều buồn hơn cả là những hành vi bạo lực đó lại gia tăng trong những ngày Tết, là những ngày, theo phong tục mà người Việt ta quan niệm là phải cư xử với nhau một cách hài hòa nhất, thân thiện nhất. Đến hai bên giao chiến mà ngày Tết cũng ngừng đánh nhau để ăn Tết trong hòa bình, yên ấm. Vậy mà ngay trong đêm giao thừa và mồng Một Tết là những thời khắc thiêng liêng nhất trong năm đối với bất cứ ai mà cũng có tới hơn 800 ca chấn thương do đánh nhau phải nhập viện... Còn có điều tệ hại nào bằng nữa đây? Nguyên nhân của sự tệ hại đó, không thể nằm ngoài lý do rượu chè vô độ.
Cùng với ăn nhậu thả dàn là vàng mã đốt suốt mấy ngày đêm trong dịp Tết. Chưa kể sau Tết là các lễ hội đình đám. Số tiền cũng phải lên con số trăm tỷ, nghìn tỷ. Rồi nạn cờ bạc cũng theo nồng độ vui xuân mà tăng cao và kéo dài thâu đêm suốt sáng. Món này thì không ai có thể liệt kê được là cả nước tiêu tốn hết bao nhiêu tiền vì không thể thống kê được. Hệ lụy của những ngày nghỉ Tết kéo dài không dừng lại ở 9 ngày đó mà còn dây dưa sang những ngày khác. Đó là sau hơn một tuần ăn chơi thả dàn, di chuyển liên tục, ngày trở lại làm việc hiệu suất không thể cao được vì quá mệt mỏi, rã rời. Để trở lại với không khí làm việc bình thường chắc cũng phải mất thêm một tuần nữa.
Thế là trọn nửa tháng, cả nước ăn chơi, làm việc chẳng đâu vào đâu cả. Sự lãng phí đó thật không biết bao nhiêu mà kể và cũng thật khó mà thống kê cho hết. Bên cạnh đó, dịp Tết còn làm nảy sinh một số tệ nạn khác như là nhân dịp Tết để đi đút lót, hối lộ dưới dạng quà Tết. Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng ai dám bảo đảm là chuyện đó không xảy ra. Còn với không ít người lao động nghèo, tích cóp cả năm, sau một chuyến về quê ăn Tết là coi như trắng tay. Ra giêng “làm lại từ đầu”. Và rút cục là nghèo vẫn hoàn nghèo. Chưa kể có không ít việc phải đình lại do ăn Tết.
Tóm lại là, hàng nghìn tỷ đồng đội nón ra đi, hàng trăm người lìa đời, hàng nghìn người nhập viện và cả nước ngừng làm việc gần chục ngày chỉ vì ăn Tết. Kèm theo hậu quả xã hội không nhỏ và kéo dài mãi về sau. Vậy ăn Tết như thế có vui không? Và có nên ăn Tết kiểu như thế nữa không? Có lẽ vì thế mà mấy năm trở lại đây, có một số người rụt rè lên tiếng đề nghị là nên nghỉ Tết ít ngày hơn và nếu được thì nhập vào với Tết Tây như người Nhật Bản đã từng làm để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của toàn dân. Bởi nghỉ Tết dài quá lãng phí, tốn kém và làm đình trệ tất cả mọi công việc. Trong khi kinh tế nước nhà còn khó khăn, túi tiền của dân còn eo hẹp. Số tiền tiêu Tết hằng năm nếu để dành để đầu tư chắc sẽ sinh lợi rất nhiều. Dĩ nhiên, những đề đạt, kiến nghị đó đã bị phản bác mạnh mẽ hoặc chìm đi trong sự thờ ơ của mọi người. Có lẽ đã đến lúc nhìn nhận lại những đề xuất đó một cách nghiêm túc để mà sửa đổi. Để có những cái Tết vui tươi, an toàn và tiết kiệm hơn.
Bụt Sơn