(Baonghean) - Hồi bé, chủ đề “nóng” nhất đối với tụi mình những ngày đầu tiên đi học trở lại sau khi nghỉ Tết bao giờ cũng là “Tết này được lì xì bao nhiêu?”. Tiền mừng tuổi rủng rỉnh trong túi, đứa nào đứa nấy ngồi phưỡn bụng trong quán sữa chua trước cổng trường, thi nhau gọi hết cốc này đến cốc khác chỉ để chứng tỏ mức độ “giàu có” của mình. Phân định thắng thua thế nào thì chưa rõ, chỉ biết ngày hôm sau đến lớp, đứa nào đứa nấy viêm họng, nói không ra hơi. 
 
Nhưng đấy chỉ là “động tác giả” để ra oai với thiên hạ thế thôi, sự thật là ngay sau khi nghỉ Tết xong thì tiền mừng tuổi của bọn mình đều được thu về một mối, ấy chính là cái ví của mẹ. Đối với những đứa ngoan cố như ông anh trai mình, câu trả lời là “biện pháp cưỡng chế”. Mà kể ra, cái đồ ham chơi ấy giữ nhiều tiền để mà làm gì, khi sớm muộn cũng bị nướng vào quán game hay mấy trò tương tự. Riêng mình, rất khôn ngoan, ngay khi hết Tết đã tự giác ngồi tính toán, lập bảng thống kê con số chính xác tình hình “thu nhập” và giao nộp cả văn tự lẫn hiện vật cho mẹ. Để tuyên dương tinh thần tự giác của mình, mẹ bao giờ cũng cho mình phần lẻ dôi ra và thành thật mà nói, chừng đó đã là quá đủ đối với một đứa nhóc cấp một, cấp hai. Có lẽ như thế lại thoải mái hơn nhiều so với việc ôm khư khư một đống tiền trong khi nhu cầu của bạn chỉ bằng cái móng tay. Và chẳng chóng thì chày, sự háo hức xen lẫn chút gì băn khoăn ấy sẽ bị tính đãng trí, ham vui của tuổi nhỏ bỏ quên ở đâu đó. Trong một quán truyện, một quán game, một món đồ chơi đắt tiền,…
 
Giờ thì mình đã qua cái tuổi được nhận tiền lì xì ngày Tết từ lâu và ngậm ngùi chấp nhận sự thật là chính mình phải bỏ tiền túi ra mừng tuổi các em, các cháu. Những ngày cuối Tết, mình và mấy đứa bạn hẹn nhau ở quán cà phê, chẳng ai dặn ai mà đều đồng thanh than vãn về cái ví lép kẹp sau mấy ngày Tết. Một đứa lên tiếng: “Bất công quá đi mất. Hồi còn bé, chúng mình chẳng bao giờ được giữ tiền mừng tuổi cho riêng mình. Còn bọn trẻ bây giờ thì sao?”. Như để chứng minh cho lời mình nói, nó hất hàm ra hiệu cho bọn mình nhìn khắp một vòng trong quán. Chỉ toàn… trẻ con! Ừm, cũng không mức ấy, nhưng thực sự đối tượng khách của quán cà phê trong những ngày này có sự “trẻ hoá” rõ rệt.
 
Theo hiểu biết của mình thì các em, các cháu vẫn thường hay ngồi ăn vặt ở các quán cóc, quán vỉa hè chứ mấy khi lui đến các quán cà phê như thế này? Một đứa bạn khác nói gần như thì thầm: “Hôm trước mình ngồi ở một quán pub - cà phê, tức là quán mà bán cả đồ uống có cồn, đụng mặt một nhóm học sinh tiểu học, giật hết cả mình, cứ tưởng vào nhầm quán. Thậm chí có nhiều nhóm học sinh còn đánh bài ăn tiền trong quán, lớn tiếng cãi cọ, sát phạt không khác gì sới bạc. Chủ quán nhắc nhở, được một lát lại đâu vào đấy, có đứa bạo mồm còn cãi lại, bảo là đánh cho vui, tiền mừng tuổi không tiêu nó phí…”.
 
Mình nghe xong mà nẫu cả ruột. Nhìn những khuôn mặt vẫn chưa hết nét trẻ thơ, những bàn tay bé thản nhiên rút tiền ra khỏi ví một cách thành thạo và nhẹ bẫng như không, thấy có cái gì trong mình đang vụn vỡ, đang khóc than. Ký ức về một thưở nâng niu trên tay chiếc phong bao lì xì đỏ chói, cảm giác hồi hộp lúc mở phong bao và rút ra tờ tiền mới phẳng phiu, cảm giác thoả mãn và có chút gì trang nghiêm, kính cẩn khi đếm tập tiền lì xì ngày Tết. Và điều mình nhớ nhất, day dứt nhất, ấy là khi nhìn thấy nét mặt có phần khắc khổ, mệt mỏi hơn của bố, của mẹ sau mỗi bận chi tiêu ngày Tết.
 
Sẽ có ý nghĩa hơn nhiều lắm nếu giữ lại cho mình một chút gì tượng trưng thôi, phần còn lại, có bao giờ ta nghĩ để “mừng tuổi” cho ông bà, bố mẹ, cho những vất vả tảo tần quanh năm suốt tháng nay lại chất chồng thêm? Người lớn lì xì trẻ con để cầu chúc cho chúng thêm một tuổi mới may mắn, khoẻ mạnh hơn, nhưng trẻ con chỉ thực sự lớn lên khi đón nhận lời chúc ấy bằng lòng biết ơn và mong muốn được hồi đáp. Sống đúng với lứa tuổi và có trách nhiệm với những gì mà những người thân yêu xung quanh dành tặng, để những phong bao lì xì ngày Tết thực sự mang đến niềm vui cho tất cả mọi người.
 
Hải Triều