(Baonghean) - Bố mình là bác sỹ ngoại khoa - thường xuyên phải phẫu thuật, quen với dao, kéo, kim tiêm… Từ khi còn bé tí, mình thường vênh mặt “hù doạ” khi bị bắt nạt hay giành đồ chơi ở trường mẫu giáo: “Có muốn tớ mách bố để bố đến tiêm các cậu đau ơi là đau không?”. Trẻ con đứa nào chẳng sợ bác sỹ tiêm, nên đứa nào đứa nấy im re, nhìn mình bằng vẻ nể sợ.
Ấy thế nhưng chính mình lại cực kỳ sợ tiêm, sợ nhìn thấy máu. Hồi học tiểu học, có lần cả trường đi tiêm nhắc lại mũi phòng sởi ở trạm y tế phường. Cả lớp chẳng ai khóc, ngoại trừ mình. Kết quả, mình bị bạn bè xúm vào trêu chọc: “Con bác sỹ mà lại sợ tiêm, tưởng thế nào!”. Mình tức phát khóc, về mách bố, bố xoa đầu bảo: “Ai bảo con bác sỹ là không được sợ tiêm? Chẳng ai lại thích những thứ làm mình đau, kể cả bác sỹ. Nhưng sợ mấy thì sợ, có những thứ mình vẫn phải làm và quan trọng là cuối cùng mình có làm được hay không”. Mình nguôi nguôi được một tí thì bố đế thêm một câu: “Hay là bố tiêm thêm cho con vài mũi nữa, đảm bảo sau này hết sợ luôn!”. Mình tái mặt, lại khóc oà lên, báo hại bị cả nhà cười cho một phen thối mặt thối mũi!
Lên cấp hai, thực hành môn sinh vật phải mổ cá và thí nghiệm trên hệ thần kinh của ếch. Nhìn con vật đang sống sờ sờ giãy dụa trước mắt, tay mình run lên bần bật. Mấy đứa bạn cùng nhóm thực hành vốn dĩ đặt hết hy vọng vào mình, vì mình “là con bác sỹ cơ mà”, sốt ruột giục mình mổ nhanh để kịp tiết học. Mình mếu máo, nhắm mắt nhắm mũi xỉa con dao vào bụng cá. Vừa thấy máu trào ra đỏ cả đôi găng tay, mặt mình chuyển sang màu xanh lè, hoa mày chóng mặt rồi thấy một màu đen thui. Tỉnh dậy thấy nằm trong phòng y tế trường, một bên là bố đang cầm tay mình, hỏi giọng nửa lo nửa buồn cười: “May quá con tỉnh rồi, nhanh nhanh dậy mổ nốt để con cá còn hoá kiếp!”. Mấy đứa bạn mình lấp ló ở cửa nhìn vào, tay bê khay đựng con cá nằm ngáp ngáp, mình hoảng quá hét toáng lên: “Không mổ, không mổ, hu hu…”.
Nói chung, giai thoại về mình và chuyện kim tiêm, dao kéo suốt thời đi học nhiều đến mức cả bố và mẹ đều đi đến kết luận: sau này mình học ngành gì, làm nghề gì cũng được, miễn đừng làm bác sỹ. Nguyên văn lời bố mình: “Con mà làm bác sỹ, đang phẫu thuật lăn đùng ra ngất xỉu thì chính bệnh nhân phải bật dậy khỏi bàn mổ, lay bác sỹ tỉnh lại mất thôi!”. Mình đỏ bừng mặt, cãi lại: “Bố không sợ, không hiểu được đâu. Có phải ai cũng như bố, nhìn thấy máu, thấy kim tiêm mà vẫn tỉnh bơ…”. Bố nhìn mình bằng vẻ đăm chiêu, trầm giọng xuống: “Sao lại không sợ? Vốn dĩ bác sỹ và người bệnh cũng bình đẳng với nhau, cũng là con người. Bác sỹ nào phải đấng thánh thần, có quyền năng siêu nhiên gì đâu con? Khi chạm vào máu thịt của người bệnh, làm sao không khỏi rùng mình khi nghĩ thứ mình đang chạm vào, đang cắt xẻ cũng tương tự như máu thịt của bản thân.
Đó là nỗi sợ hãi rất sơ khai, rất nguyên thuỷ của loài người. Đau đớn, bệnh tật là những gì tự nhiên của tạo hoá mà chúng ta không thể nào chống lại được. Dù biết trước như thế nhưng làm sao có thể không yếu đuối, run sợ? Ngoài nỗi sợ đó ra, còn một nỗi sợ khác mà người bác sỹ phải đối mặt. Ấy là liệu mình có thể làm tròn trách nhiệm, có thể cứu chữa được cho người bệnh hay không? Đó không chỉ là áp lực đến từ người bệnh và gia đình, mà còn là áp lực từ chính bản thân người thầy thuốc. Chứng kiến những hơi thở, nhịp tim yếu ớt cuối cùng của một con người, đó là cảm giác bất lực khi thấy hy vọng và những điều tốt đẹp vuột khỏi tầm với của mình. Đó là những gì mà người bác sỹ phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt, là nỗi sợ hãi và cũng là động lực thôi thúc họ phải cố gắng hơn nữa, để níu giữ hy vọng ở lại trên thế gian này. Bố có sợ không à? Có chứ, bố luôn luôn lo sợ. Nhưng thú nhận nỗi sợ hãi của mình chưa bao giờ là điều đáng hổ thẹn. Dũng cảm không có nghĩa là làm những việc khó khăn, nguy hiểm mà không sợ hãi, không hoài nghi. Dũng cảm là vượt lên trên cả sự yếu đuối, cả nỗi sợ hãi rất hiển nhiên, rất con người đó, để làm những điều đúng đắn mà trái tim mình mách bảo. Thế nên, con của bố, con đã sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ hãi của mình hay chưa?”
Hải Triều