(Baonghean) - “Tính đến nay, tôi đã gắn bó với Việt Nam được 11 năm rồi. Từng sinh sống, học tập và làm việc ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên dải đất hình chữ S, nhưng có lẽ Nghệ An vẫn là nơi tôi dành nhiều tình cảm nhất, bởi tình người nơi đây thật đẹp đẽ xiết bao...”
Lập thân bằng nghĩa vụ quân sự và học tiếng Việt
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả ở trung tâm Seoul (Hàn Quốc), tuy là con út và lại là con trai duy nhất nhưng trong mắt người thân, từ bé tôi đã tỏ ra là một người mạnh mẽ và tự lập. Những năm tháng mười tám, đôi mươi, khi đang theo học chuyên ngành Du lịch tại một trường danh tiếng của Hàn Quốc thì tôi quyết định bảo lưu, lên đường nhập ngũ để hoàn thành nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Phải nói rằng, 21 tháng nghĩa vụ quân sự đã làm tôi thay đổi rất nhiều. Từ việc ăn, ngủ, tập luyện cho tới vấn đề nhỏ nhất là vệ sinh hàng ngày, lính nghĩa vụ đều phải tuân thủ theo giờ giấc, quy định cụ thể. Quãng thời gian trong quân ngũ đã tôi luyện cho chàng thanh niên thủ đô là tôi ngày một rắn rỏi và trưởng thành hơn.
Kết thúc gần 2 năm nghĩa vụ quân sự cũng là thời điểm đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Sau khi trở về, nhận thấy Du lịch không còn là ngành nghề hấp dẫn nữa, sau bao trăn trở tôi quyết tâm tìm cho bản thân một hướng đi mới, thật sự khác biệt với mọi người. Khi ấy, nhiều thanh niên Hàn Quốc đổ xô học tiếng Trung, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang ở thời kỳ phát triển bùng nổ đầu những năm 2000. Trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn bè và người thân, tôi chọn học tiếng Việt sau những tìm hiểu ban đầu về đất nước và con người Việt Nam.
Quả thực, ở thời điểm ấy thông tin về Việt Nam không mấy phổ biến ở Hàn Quốc, chỉ có 2 trường đại học giảng dạy bộ môn tiếng Việt cho những ai đam mê ngoại ngữ này. Ngoài ra, người Hàn Quốc muốn tiếp cận với tiếng Việt chỉ có thể “học lỏm” từ những cô dâu người Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Tôi nghĩ rằng, muốn học tốt tiếng Việt thì không có nơi nào tốt hơn là Việt Nam. Vì thế, tháng 11/2004, tôi tạm biệt gia đình với hành trang là tình yêu cùng sự háo hức đối với miền đất mới và một ít tiền bố mẹ cho, một ít dành dụm được trong thời gian quân ngũ để đến Việt Nam, theo học tại Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian đầu ở Việt Nam tôi rất muốn vừa học vừa đi đây, đi đó để tìm hiểu, tích lũy kiến thức thực tế, hay đơn giản chỉ là tìm quán ăn Hàn Quốc để có được hương vị quê nhà cho đỡ nhớ. Những điều tưởng như đơn giản ấy với tôi lại vô cùng khó khăn, bởi tôi chưa thích nghi được cách tham gia giao thông ở Việt Nam, và còn cả chuyện giao tiếp. Nhưng tôi không từ bỏ ý định của mình, bởi tôi nghĩ, mình phải tiếp xúc thật nhiều với người dân bản địa mới có thể học ngoại ngữ nhanh nhất.
Một kỷ niệm vui trong quá trình “vật lộn” với tiếng Việt mà tôi còn nhớ mãi, là một lần đi mua nước đóng chai ở gần trường đại học. Mặc dù tôi có thể ghi ra giấy món hàng mình cần mua, nhưng tôi vẫn cố gắng phát âm nhiều lần để người bán hàng có thể hiểu được. Học ngoại ngữ khó nhất là giao tiếp thành thục với người bản xứ, và tôi biết ơn người chủ cửa hàng ấy đã kiên nhẫn lắng nghe, duy trì sợi dây giao tiếp với tôi để dần dà tôi có thể tự tin nói chuyện với người Việt Nam mà không cần đến sự trợ giúp nào khác.
Cứ thế, tôi vừa học vừa làm cho một công ty Hàn Quốc, nên chỉ sau khoảng hơn nửa học kỳ, tôi đã có thể giao tiếp với sinh viên trong trường, rồi còn ra ngoài đi “shopping” thoải mái bằng tiếng Việt. Tôi bắt đầu mua những quyển sách về văn hóa, những phong tục tập quán hay những quyển sách về lịch sử, về phong cảnh Việt Nam để đọc. Chính vì vậy tôi mới tình cờ biết được có một dòng họ rất nổi tiếng đó là dòng họ Lý mà cụ Lý Long Tường (Yi Yong-sang) là Thủy tổ. Cộng với những bài học về lịch sử, lại có nhiều nét tương đồng trong một số phong tục tập quán, vì thế tôi lại càng cảm thấy gắn bó với đất nước này.
Tốt nghiệp, tôi nộp hồ sơ vào một công ty ở KCN Dung Quất và công tác tại đó được 4 năm. Đầu năm 2014, tôi trở về Hàn Quốc thăm gia đình, được bố mẹ tôi thuyết phục ở lại quê nhà, tìm một công việc và sớm lập gia đình. Nhưng nỗi nhớ về một mảnh đất từng gắn bó đã thôi thúc tôi trở lại Việt Nam, và đặt chân tới mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió - Nghệ An.
Mối lương duyên từ chiếc SIM lỗi
Mặc dù ở Việt Nam tôi đã được đi rất nhiều nơi, đã quen với khí hậu nóng ẩm, nhưng quả thật lần đầu tiên đến với Thành phố Vinh tôi thực sự “sốc” bởi cái nóng như đổ lửa vào một buổi trưa tháng 6. Tất nhiên chỉ là chút bất ngờ thôi, bởi tôi tin rằng những người ở Việt Nam có thể chịu được thì sao mình lại không thể chịu được. Và quả thật niềm tin ấy đã giúp tôi vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay, mảnh đất này đã mang lại cho tôi tất cả những gì theo đúng nghĩa của một người đàn ông thành đạt, đó là công việc ổn định, tình yêu đơm hoa kết trái bằng một gia đình nhỏ và tôi tự hào về những điều này.
Duyên số giữa tôi và vợ tôi diễn ra hết sức tự nhiên, trong một lần gặp hết sức tình cờ. Hôm ấy là một ngày cuối năm, điện thoại của tôi bị lỗi thẻ SIM. Tôi đến VNPT Nghệ An để khai lại số thì gặp em. Vẻ xinh đẹp, dịu dàng, ăn nói rất có duyên của người con gái Phủ Diễn đã “hớp” hồn tôi và tôi quyết định “cưa đổ” bằng được. Thế rồi sau những buổi hẹn hò lãng mạn, những buổi đi xem phim hay dạo phố, sự chân thành của tôi đã được em đền đáp bằng một đám cưới tràn ngập tình yêu và hạnh phúc theo đúng phong tục truyền thống của Diễn Kỷ quê em. Ngày cưới của tôi càng thêm ý nghĩa khi bố mẹ, chị gái cùng họ hàng ở Hàn Quốc - những người từng phản đối khi tôi sang Việt Nam làm việc đều đến chúc phúc và có những ấn tượng rất đẹp với mảnh đất xứ Nghệ này. Thậm chí để tình thông gia thêm bền chặt, bố mẹ tôi còn mời bằng được bố mẹ vợ sang thăm Hàn Quốc.
Đến nay, sau 11 năm sống xa quê, tôi đã tìm được quê hương thứ 2 và ngôi nhà hạnh phúc của mình. 11 năm ấy đủ để tôi có những trải nghiệm về Việt Nam, nhưng quả thật khi tôi được tiếp xúc nhiều với con người xứ Nghệ lại là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Trong mắt tôi, Nghệ An vẫn còn nghèo hơn so với một số địa phương mà tôi đã đi qua, nhưng tình người lại chẳng nơi nào có được. Người Nghệ An chân thành, mộc mạc và sống rất “tình” nhưng cũng rất mạnh mẽ, cầu thị, cầu tiến. Đó đều là những nét rất riêng mà tôi có thể cảm nhận, bởi nó giống với tính cách của tôi. Thế nên, tôi và mái ấm của tôi tương lai cũng sẽ gắn bó dài lâu với mảnh đất xứ Nghệ này.
Cảnh Nam