(Baonghean) - “Phố đồng bào” là cách gọi trìu mến của cư dân phường Trường Thi (TP. Vinh)dành cho những hộ dân là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Thổ... sống trên địa bàn khối 14.

“Phố đồng bào” bám dọc 3 mặt đường An Dương Vương, Đinh Bạt Tụy, Lương Thế Vinh. Mấy chục năm nay, phố ngày một dày thêm lên những nóc nhà của đồng bào miền sơn cước, đậm đà nét phố là bản sắc văn hóa chẳng thể trộn lẫn, phai mờ.

 
images1404041_dsc_0304.jpgNét yên bình trên "phố đồng bào" ở phường Trường Thi (TP. Vinh).
 
Ông Nguyễn Minh Thế - người giữ chức Khối trưởng khối 14 đã 18 năm, đưa tôi rảo "tham quan phố đồng bào". Ông cho hay, cư dân nơi đây đa phần là cán bộ nhà nước, ý thức cộng đồng luôn mẫu mực. Đặc biệt, tổ dân cư đặc thù như tổ 8, ngót nửa số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số từ các huyện vùng núi cao như Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn... về sinh sống, thì họ vẫn giữ được nếp sinh hoạt như thế. 
 
Ông Trần Quốc Hùng - Tổ trưởng tổ dân cư số 8 cho biết mình quê gốc ở Hà Nam, có 28 năm trong quân ngũ, chiến đấu ở biên giới Tây Nam, rồi biệt phái khắp các địa bàn cơ sở, sau về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Gia đình ông Hùng về ở phố từ năm 1998, trở thành một trong những hộ dân đầu tiên của “phố đồng bào”. Vợ ông Hùng, bà Lương Thị Miên là đồng bào dân tộc Thái ở xã Môn Sơn (Con Cuông).
 
Tổ dân cư số 8 có 36 hộ dân thì có 18 hộ đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Thái, 1 hộ người Mông và 1 hộ người Thổ. Hầu hết các đồng bào trên phố đều là cán bộ, viên chức ở các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, nhiều nhất là từ Ban Dân tộc tỉnh đóng trên đường Đinh Bạt Tụy. Địa bàn rộng so với nhiều tổ dân cư khác, nhưng tổ 8 an ninh trật tự tốt, nếp sống thuận hòa, nhuần nhị. Đặc biệt, tổ 8 luôn đi đầu trong mọi đóng góp phong trào. Dẫu cư dân phố ai cũng bận mải công việc cơ quan, nhưng mỗi dịp lễ, tết, tất thảy đều xắn tay góp thêm cho phố những tươi trẻ, rộn ràng với múa lăm vông, nào chum rượu cần, nào khắc luống, nào nhuôn, xuối ... 
 
Chuyện ở “phố đồng bào” thêm dày lên những niềm vui, khi bà Quang Thị Hạnh - hàng xóm cách nhà ông Hùng vài bước chân mời chúng tôi quá bộ sang nhà. Ngôi nhà 2 tầng khang trang, cổng sắt cao vút uốn những họa tiết tân thời, nom mềm mại hẳn nhờ những dãy chậu cảnh làm duyên ở mặt tiền. Nom vậy, chứ nội thất bên trong theo kiểu tân cổ giao duyên, xen giữa tủ, sạp, thiết bị điện tử tân thời là những cồng, chiêng, cung nỏ và nhiều sản phẩm mây tre đan của đồng bào Thái. Bà Hạnh quê ở huyện vùng biên Quế Phong trước, công tác ở Bảo hiểm xã hội tỉnh, đã về hưu mấy năm nay. Ngoại ngũ tuần, nhưng vẻ đẹp của người phụ nữ đồng bào dân tộc Thái này vẫn còn đằm thắm lắm. Chẳng thế mà mấy cuộc thi phụ nữ trung niên do phường Trường Thi tổ chức mấy năm lại nay, bà đều đoạt giải quán quân.
 
Mấy mươi năm xa núi, cư dân “phố đồng bào” đã hòa nhập với nếp đô hội lắm rồi. Do đặc thù công việc, họ cũng đồng điệu với những sinh hoạt hiện đại, nhưng khi trở về góc phố nhỏ bình yên, vẫn còn đó những phong vị cội nguồn chờ đón. Thế hệ thứ 2 của “phố đồng bào”, nhiều người kết duyên với dâu, rể là người thành Vinh. Chẳng chút ngại ngần, xa cách, “phố đồng bào” đã trở thành một phần tất yếu, không thể tách rời của thành phố này.
 
Phương Chi