(Baonghean) - Con Cuông là một trong những địa phương được ghi nhận có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó phải kể đến việc lưu giữ vốn dân ca và sự “hồi sinh” kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái.

Chảy mãi “suối nguồn” nhuôn - lăm - khắp…
 
Chúng tôi có mặt tại bản Cằng, xã Môn Sơn vào đêm tổ chức giao lưu văn hóa -  văn nghệ giữa bà con dân bản và đội sinh viên tình nguyện của một số trường đại học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Không gian bản làng, rừng núi vang lên tiếng khắp, tiếng nhuôn; rộn ràng điệu múa xòe, nhảy sạp và khắc luống, tăng bu; ngân vang tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí... Kết thúc buổi giao lưu, mọi người tay trong tay cùng mở rộng vòng xòe, cùng say sưa với điệu lăm vông quyến rũ.
 
images991293_dsc_0826.pngCLB Dân ca - Nhạc cụ bản Cằng (xã Môn Sơn, Con Cuông) biểu diễn tại Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ. Ảnh: Công kiên
 
Ông Lương Văn Nghiệp - Chủ nhiệm CLB Dân ca - Nhạc cụ bản Cằng, đồng thời là một nghệ nhân tiêu biểu cho biết, CLB được thành lập từ năm 2010, từ 13 hội viên ban đầu, đến nay con số hội viên lên đã lên tới 37 người. CLB còn có ý nghĩa như một lớp truyền dạy âm nhạc dân tộc, trong đó các nghệ nhân giữ vai trò giảng viên truyền dạy kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho thế hệ sau, tạo được sự tiếp nối và gắn kết giữa các thế hệ trong việc giữ gìn và phát huy vốn quý âm nhạc của tổ tiên truyền lại. Trong những năm gần đây, CLB Dân ca - Nhạc cụ bản Cằng trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa - văn nghệ của địa phương tham gia các kỳ liên hoan, giao lưu ở cấp huyện cũng như cấp tỉnh. Vừa qua, CLB Dân ca - Nhạc cụ của bản đã được Trung tâm Văn hóa - Thể thao tỉnh chọn làm mô hình điểm trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc âm nhạc dân tộc. Hy vọng đây là một cơ hội giúp CLB phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn, hướng đến sự tồn tại và phát triển bền vững. 
 
Trao đổi với bà Vi Thị Mơ - Chủ nhiệm CLB Dân ca Nhạc cụ bản Nưa (xã Yên Khê), được bà cho biết, đây là CLB được thành lập đầu tiên trên địa bàn huyện Con Cuông (năm 2008), là mô hình để các địa phương trong huyện học hỏi và nhân rộng. Bên cạnh những khó khăn trong hoạt động, có thuận lợi cơ bản là từ năm 2011, bản Nưa được tổ chức UNESCO công nhận là điểm du lịch cộng đồng nên nhận được sự động viên và quan tâm nhất định của các cấp, các ngành. Đặc biệt, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đã hỗ trợ 2,5 triệu đồng phục vụ cho công tác tập luyện, mua sắm trang phục, đạo cụ. Mỗi khi có các đoàn tham quan du lịch có nhu cầu giao lưu văn hóa - văn nghệ và tìm hiểu bản sắc văn hóa, thường được giới thiệu đến bản Nưa. Nhờ đó, CLB có thêm một ít nguồn kinh phí để hoạt động và có cơ hội được giao lưu, biểu diễn. Được thành lập từ năm 2007, CLB Dân ca Nhạc cụ bản Khe Rạn đến nay có 23 thành viên.
 
Khi mới thành lập, thành phần chủ yếu là người cao tuổi, đến nay đã có thêm nhiều người thuộc thế hệ trẻ tham gia. CLB được lãnh đạo xã Bồng Khê quan tâm hỗ trợ 20 triệu đồng để mua sắm nhạc cụ. Và mỗi thành viên đã tự nguyện đóng góp 100.000 đồng/năm để xây dựng kinh phí hoạt động. Gần đây, khi trên địa bàn có gia đình tổ chức đám cưới, mừng nhà mới, CLB thường được mời đến để góp vui, số tiền thù lao cũng được nhập vào nguồn quỹ hoạt động. Hiện tại, một số con em của dân bản đã tốt nghiệp các trường văn hóa - nghệ thuật và các cháu học sinh có năng khiếu và đam mê âm nhạc dân tộc đang tham gia sinh hoạt CLB, nên ít nhiều đã có sự gắn kết giữa các thế hệ. Qua 7 năm hoạt động, CLB thực sự trở thành nòng cốt của phong trào văn hóa - văn nghệ của xã, một số thành viên của CLB đã có mặt trong Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Con Cuông tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn cấp tỉnh. 
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Kim - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Con Cuông khẳng định: “Đồng bào dân tộc Thái chiếm tỷ lệ khoảng 70% dân số toàn huyện nên việc thành lập được các CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc Thái là điều hết sức đáng mừng. Và con số 15 CLB đã nói lên nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương cũng như ngành Văn hóa. Các CLB đã có những đóng góp quan trọng trong công tác bảo tồn bản sắc âm nhạc dân tộc, đặc biệt là việc kịp thời sưu tầm các bài dân ca, các điệu dân vũ cổ xưa từ các bậc cao niên, khơi dậy được tâm huyết của các nghệ nhân”.
 
Cuộc “hồi sinh” kiến trúc nhà sàn
 
Nhà sàn là một “đặc sản”  văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Đã một thời, Con Cuông cũng ở trong tình trạng “chảy máu” nhà sàn như nhiều địa phương khác. Rất vui là gần đây trên địa bàn huyện, bà con đang có phong trào phục dựng kiến trúc nhà sàn...
 
Bản Khe Rạn (xã Bồng Khê – Con Cuông) có 158 hộ dân thì có 105 căn nhà sàn. Những ngôi nhà sàn ở đây vẻ cổ kính nép mình bên triền đồi, dưới tán cọ rất thơ mộng của một bản làng ven sông Lam. Phía hữu ngạn bên kia là Thị trấn Con Cuông đang trong quá trình lên “phố núi”. Cái bản nhỏ thuần người Thái này như một điểm nhấn xinh xắn bên thị trấn vùng cao. Trưởng bản Hà Văn Inh cho biết: Ngày trước bản Khe Rạn có tên gọi là bản Kền vốn chỉ quen ở nhà sàn. Nhà xây mới chỉ có cách đây ngót hai chục năm. Hầu hết mọi người trọng bản đều sinh trưởng dưới mái nhà sàn. Đã có một thời vào những năm 80, 90 thế kỷ trước nhiều nhà trong bản chuộng mốt tân thời bán nhà sàn dựng nhà xây. Thế là nhà sàn theo xe ô tô về với người miền xuôi. Sau năm, mười năm ở nhà xây cấp 4, dân bản mới nhận ra rằng không phù hợp với tập quán sinh hoạt của cộng đồng mình. Nhiều người muốn làm lại cái nhà sàn để ở nhưng khổ nỗi gỗ trên rừng đã khan hiếm. Muốn có gỗ làm nhà phải vào tận rừng sâu hoặc mua từ nơi khác, chi phí lên đến vài trăm triệu đồng. 
 
Gần đây ở bản Khe Rạn kiến trúc nhà sàn đang có sự hồi sinh. Không có gỗ, bà con chọn cách dựng nhà sàn bằng cột bê tông. Thậm chí xà, hạ cũng được làm bằng bê tông, chỉ có một số cấu kiện như rui mè, kèo nhà được làm từ gỗ. Vật liệu làm nhà bê tông sẵn nên chi phí phù hợp với túi tiền của nhiều hộ trong bản. Mỗi ngôi nhà sàn bê tông khi hoàn thiện có mức chi phí khoảng 100 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ nhưng nhiều hộ đã chọn cách vay từ ngân hàng Chính sách, Xã hội hoặc Ngân hàng Nông nghiệp huyện để làm. Xem ra thì “bê tông hóa” đang trở thành một phương cách để nhà sàn hồi sinh. Tại bản Khe Rạn, ngay sau mùa gặt hái vụ chiêm, bà con tích cực dựng lại nhà sàn. Hiện trong bản có hơn 10 hộ đang dựng nhà sàn bê tông. Trưởng bản Hà Văn Inh cho biết thêm: Nhu cầu dựng nhà sàn trong người dân vẫn rất nhiều. Sẽ không bao lâu nữa tất cả mọi nhà trong bản sẽ dựng được nhà sàn. Tuy nhiên, trong năm nay bản chỉ cho phép 10 hộ làm. Vì theo hương ước khi một gia đình trong bản làm nhà mới, mỗi hộ phải giúp ít nhất 3 ngày công, Nếu có quá nhiều nhà làm nhà mới dân sẽ phải đi giúp nhiều, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất chung. Hiện đang có hàng chục ngôi nhà gỗ trong bản được tu sửa lại. Kết cấu nhà gỗ vốn dễ tháo lắp nên hầu hết các bộ phận cấu thành ngôi nhà đều có thể thay thế, tu sửa. Việc tu sửa lại nhà sàn cũ không chỉ giúp gia đình tiết kiệm chi phí mà còn góp phần gìn giữ những ngôi nhà theo kiến trúc cổ vốn đang ngày càng ít dần ngay tại các bản gần như 100% số hộ ở nhà sàn. Anh Hà Văn Hồng vừa tu sửa lại ngôi nhà có từ cách đây gần 40 năm. Ngôi nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu, gia chủ chỉ kê cao lên và các kết cấu gỗ đều được sơn lại. Anh Hồng cho biết: “Mình vốn là người Thái, rất tự hào về nhà sàn. Ngôi nhà này lại gắn bó với mình từ ngày ấu thơ nên quyết định sửa lại thôi chứ không làm mới”.
 
Tại xã Chi Khê, trong những năm qua, phong trào phục dựng nhà sàn diễn ra rầm rộ tại nhiều bản. Nhất là những năm 2011, 2012 trong những bản thuần người Thái như Nam Đình, Sơn Khê, Tổng Chai đã có hàng chục ngôi nhà sàn được làm mới, trong đó có nhiều người chọn kết cấu bê tông để dựng nhà sàn. Nhận xét về những ngôi nhà sàn bằng bê tông ở Con Cuông, anh Hoàng Văn Thuyên trú xã Tri Lễ, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) trong dịp về đây cho biết: “Đây là một cách làm đáng để nơi khác học tập. Dẫu được làm bằng bê tông nhưng kiến trúc nhà sàn vẫn được giữ gìn. Cách làm này cũng có thể giúp bảo vệ rừng gỗ bởi nếu làm một ngôi nhà sàn kiểu truyền thống tiêu tốn rất nhiều gỗ”. Chỉ băn khoăn là, phong trào phục dựng nhà sàn ở Con cuông đang diễn ra một cách tự phát. Việc phát huy vai trò của nhà sàn chỉ mới được đề cập đến trong một đề án phát triển du lịch đã được thông qua năm 2013.
 
Được biết, năm 2013, UBND huyện Con Cuông đã ban hành Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái giai đoạn 2013 - 2017 có tính đến năm 2020”; tổng nguồn kinh phí ước tính khoảng 7 tỷ đồng, trong đó dành 300 triệu đồng cho việc truyền dạy chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc; sưu tầm, bảo quản, lưu giữ các hiện vật, nhạc cụ, công cụ, trang sức 300 triệu đồng; xây dựng các CLB Dân ca - Nhạc cụ dân tộc 300 triệu đồng và dành 1,5 tỷ đồng cho việc khôi phục một số nhà sàn truyền thống. Như vậy, đây sẽ là nguồn kinh phí không nhỏ để giúp các CLB hoạt động có nề nếp và ngày càng hiệu quả, đồng thời là động lực tiếp tục thúc đẩy công cuộc hồi sinh nhà sàn của đồng bào Thái.
 
Tường anh - Hữu vi