(Baonghean) - Khi khai thác vàng trái phép đang trở thành vấn nạn tại nhiều huyện miền núi khiến chính quyền địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý triệt để, thì huyện Con Cuông là điểm sáng trong công tác tuyên truyền, xử lý hiệu quả vấn nạn này…
Nạn khai thác vàng trái phép dọc sông Lam đoạn qua xã Lạng Khê và Châu Khê (Con Cuông) từng diễn ra trong nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và lao động, gây tâm lý bức xúc trong người dân sống ven sông. Sản lượng cá, tôm dưới sông cũng vì thế mà bị ảnh hưởng không nhỏ… Trước kia, trên địa bàn huyện chỉ có một công ty khoáng sản ở Lạng Sơn là có giấy phép hoạt động. Từ năm 2010 doanh nghiệp này hết hạn hoạt động rút ra khỏi địa bàn. Tàu làm vàng của doanh nghiệp này được một số người địa phương mua lại nhằm khai thác trái phép, nhưng chính quyền địa phương đã vào cuộc từng bước xử lý tịch thu tàu, trước khi việc khai thác vàng trái phép nổi lên thành điểm nóng.
Trên sông Giăng, thuộc địa phận xã Môn Sơn vào những năm 2012, 2013 cũng từng xuất hiện nạn khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, khi những tàu vàng bắt đầu hoạt động, người dân đã kịp thời báo chính quyền địa phương nhanh chóng xử lý. Đến thời điểm này, dọc sông Giăng, nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép cũng đã chấm dứt. Phải nói rằng, để dẹp được nạn khai thác vàng trái phép trên sông, trước hết nhờ ý thức tốt của người dân đã kịp thời báo cáo chính quyền, đồng tình cao trong tổ chức ngăn chặn, nên từ một năm trở lại đây trên địa bàn huyện Con Cuông không còn điểm nóng khai thác vàng sa khoáng trái phép.
Ông Lương Đình Việt - Trưởng phòng Tài Nguyên – Môi Trường huyện Con Cuông chia sẻ: Từ những năm 2011 – 2012, ở Con Cuông xuất hiện nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Môn Sơn, Châu Khê, Lạng Khê, đặc biệt là xã Bình Chuẩn là điểm nóng khá phức tạp. Trước tình hình ấy, UBND huyện đã thành lập các đoàn liên ngành gồm Công an huyện, Phòng Công Thương, Phòng Tài Nguyên – Môi Trường, Liên đoàn Lao động do Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu xuống các điểm xảy ra khai thác vàng trái phép kiên quyết xử lý các điểm nóng. Trong năm 2012, 2013 các đoàn liên ngành của huyện đã tổ chức nhiều đợt truy quét xử lý hành chính, tịch thu tang vật vi phạm. Qua đó huyện giao trách nhiệm cho chính quyền xã có xảy ra khai thác vàng sa khoáng trái phép tổ chức tuyên truyền về tác hại môi trường do nạn khai thác vàng trái phép gây nên. Đến cuối năm 2013, về căn bản vấn nạn này được giải quyết. Những điểm nóng đã dần ổn định tình hình.
Tại xã Bình Chuẩn, thời gian qua từng “nóng” nạn khai thác vàng trái phép. Hoạt động của những nhóm khai thác vàng trái phép chủ yếu diễn ra tại đầu nguồn suối Khe Chọi khiến nguồn nước vẩn đục, ảnh hưởng đến đời sống người dân các bản cuối nguồn ở xã Cam Lâm. Nhiều diện tích lúa nước dọc con suối không thể gieo cấy do nước suối ô nhiễm. Máy múc, máy xịt đất, cát hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhưng đến thời điểm này, khi chúng tôi tiếp cận địa bàn Khe Chọi, thì tình trạng đã được cải thiện nhiều, chỉ còn lại dấu tích khai thác cũ và một vài chiếc máy bơm cũ của người dân khai thác theo kiểu “thổ phỉ” để lại...
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chuẩn, ông Kha Văn Viễn cho biết: Trong thời gian trước khi nạn khai thác vàng diễn ra rầm rộ trên địa bàn, chính quyền xã đã kết hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tổ chức truy quét đối tượng khai thác trái phép, xử lý tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm. Gần đây lại có một số đối tượng đưa máy múc vào địa bàn với ý đồ khai thác trái phép, nhưng chính quyền xã đã nhanh chóng trục xuất ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn xã vẫn còn hiện tượng người dân tự mua máy hút xịt công suất nhỏ vào khai thác nhỏ lẻ. Biện pháp giải quyết chủ yếu vẫn đang là tuyên truyền, vận động dần dà để người dân nhận thức được tác động đến môi trường của những hoạt động này.
Nhìn chung, những nỗ lực ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép ở Con Cuông đã có hiệu quả tích cực. Những điểm nóng về vấn nạn này tại Lạng Khê, Bình Chuẩn về căn bản đã được giải quyết. Tuy vậy, theo phản ánh của người dân, thỉnh thoảng vẫn có những máy xúc lớn lén lút vào đào bới lòng suối; đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương để việc ngăn chăn nạn khai thác vàng sa khoáng trái phép đạt hiệu quả và ổn định lâu dài.
H.V