(Baonghean) - Sắp xếp, bố trí lại dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, sạt lở là một trong những vấn đề cấp thiết nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản; quan trọng hơn là giúp người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này trên địa bàn tỉnh ta còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ…

Tỉnh ta nằm trong vùng thường xuyên hứng chịu các thiên tai, bão lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở, nên từ năm 2006 đến 2015 (tính đến 2020), được Trung ương bố trí 25 dự án di dời dân với kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng để di dời 30.722 hộ thuộc địa bàn 95 xã của 9 huyện. Đến nay, đã có 8 dự án hoàn thành, 13 dự án được bố trí vốn triển khai (4 dự án chưa được bố trí vốn); đã bố trí được 1.706 hộ, trong đó 990 hộ được bố trí theo dự án tập trung và 716 hộ được bố trí vận dụng, lồng ghép bố trí xen dắm ra khỏi vùng thường xảy ra thiên tai, lũ lụt và sạt lở nguy hiểm. Có thể nói, từ sự hỗ trợ này đã giúp người dân tránh và hạn chế được những tai họa do thiên tai gây ra, đặc biệt tạo điều kiện cho người dân vùng có nguy cơ thiên tai, sạt lở yên tâm ổn định cuộc sống.
image_6883647.jpgSạt lở trước Trường THCS Đồng Văn - một điểm tái định cư của Thủy điện Hủa Na, Quế Phong
 
Tuy nhiên, hiện việc triển khai Quyết định 193 của Chính phủ ở Nghệ An vẫn còn một số bất cập, vướng mắc. Vì tỷ lệ bố trí vốn để thực hiện còn quá nhỏ giọt, dàn trải, dẫn đến, tiến độ thực hiện quá chậm. Quyết định 193 ra đời năm 2006, nhưng một số dự án như ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn) hay Lạng Khê (Con Cuông), mãi 2011 mới được phê duyệt và năm 2013 mới bố trí vốn và nay mới dừng lại ở hạng mục san nền, chưa bố trí được một hộ dân nào. Một số nơi ngay cả khi đã được phê duyệt và được bố trí vốn nhưng cũng rất nhỏ giọt. Dự án tái định cư tại Khe Linh, xã Keng Đu có kinh phí 47,736 tỷ đồng, nhưng mới được cấp 4 tỷ đồng, đạt 8,4%. Một số dự án khác trên địa bàn Kỳ Sơn mặc dù được phê duyệt từ năm 2011, nhưng đến nay mới được bố trí vốn và đang bắt đầu triển khai,  ngoài ra còn có 2 dự án được duyệt nhưng chưa có nguồn. Tương tự, dự án tái định cư tại bản Piếng Pục, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, kinh phí 63,577 tỷ đồng, từ năm 2011-2013 được bố trí 13,2 tỷ đồng, đạt 20%. Dự án khu tái định cư Bình Chuẩn kinh phí 26 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ bố trí được 15,8 tỷ đồng. Do vốn bố trí quá ít, nên ngoài việc chỉ đủ thi công làm đường, san nền khu tái định cư thì chưa có hạng mục nào. 
 
Ông Nguyễn Đình Thành, Trưởng Ban di dân phát triển kinh tế huyện Con Cuông cho biết: Khi biết có dự án mà ở đó điều kiện về ăn ở, nguồn nước và sản xuất tốt hơn nơi cũ, người dân rất mừng và mong chờ dự án sớm hoàn thành. Thế nhưng sau khi san nền xong, do thiếu vốn phải dừng lại, người dân thấy mất niềm tin. Hiện nay, do nơi ở cũ không an toàn, người dân và huyện mong muốn Nhà nước bố trí vốn để đưa lưới điện vào khu tái định cư để cho dân ra ở tạm. 
 
Tình hình tại Kỳ Sơn, Con Cuông cũng là tình hình chung của tỉnh. Mặc dù được Trung ương quan tâm khi dành 2.408,3 tỷ đồng như đã nói trên, nhưng thực tế từ 2006 đến 2013 mới chỉ bố trí được 315,44 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 235 tỷ đồng, ngân sách địa phương 80,44 tỷ đồng, đạt 11%. Vì kinh phí ít, nên tiến độ các dự án rất chậm, khối lượng bình quân mới chỉ đạt 10% và đến nay mới di dời dân được 1.706 hộ, đạt 7,8% nhu cầu.
 
Qua tìm hiểu, có một điều đáng mừng và khá may mắn là mặc dù tỷ lệ di dời dân khỏi vùng nguy hiểm chưa nhiều, nhưng các điểm trên không có thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, thiên tai tại vùng miền núi không phải là không có, mà điển hình là trận lụt lịch sử tại Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) năm 2011; hay trận lũ quét ở Nậm Giải (Quế Phong) năm 2007 gây thiệt hại rất nặng. Thống kê của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết, từ 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 288 vụ thiên tai, bão lũ làm chết 245 người, gần 2.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, thiệt hại về tài sản vật chất ước tính trên 11 ngàn tỷ đồng, là những bài học cảnh báo để nhân dân chủ động phòng tránh.
 
Qua tìm hiểu, để di dời mỗi hộ dân khỏi vùng thiên tai, sạt lở theo dự án tập trung có định mức đầu tư khá lớn, bình quân từ 500-700 triệu đồng/hộ, thậm chí có dự án ở Lạng Khê là 63,57 tỷ đồng, di dời 56 hộ; dự án ở Keng Đu 47,73 tỷ đồng, di dời 50 hộ, bình quân trên dưới 1 tỷ đồng/hộ. Đó là chưa nói đến dự án di dời tránh lũ khẩn cấp, lũ ống, lũ quét cho cư dân dọc ven sông ở Kỳ Sơn với kinh phí 380 tỷ đồng, di dời 450 hộ, theo một số ý kiến cho rằng đây là dự án không khả thi. 
 
Nguyên nhân dự án tập trung có định suất đầu tư cao là do dự án xây dựng ở vùng địa bàn quá khó khăn. Điển hình là dự án ở xã Keng Đu, sau khi đi 73 km từ Thị trấn Mường Xén vào trung tâm xã, để đến khu tái định cư còn phải đi bộ hơn 7 km. Đại diện UBND huyện Kỳ Sơn thẳng thắn: Một trong những yêu cầu của khu tái định cư tập trung là phải có nguồn nước để cho dân sinh hoạt, vì phải tìm nơi xa hơn, nên ngoài hạ tầng thiết yếu của một cộng đồng dân cư còn phải làm đường vào nên tổng mức đầu tư tăng lên. Đó là chưa nói đến do thi công ở xa nên nhân công và cước vận chuyển cao nên giá vật liệu tăng… 
 
Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng: Nhà nước cần quyết liệt, ưu tiên cân đối bố trí đủ nguồn lực cho các dự án được phê duyệt để triển khai đúng tiến độ, kế hoạch; mặt khác, nên ưu tiên di dân theo phương án xen dắm, di vén và không nên bố trí vốn các dự án chưa được duyệt, thay vào đó sẽ lồng ghép với xây dựng nông thôn mới. Trong điều kiện nguồn ngân sách bố trí quá hạn hẹp, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, thời gian qua, tỉnh và các huyện đã bố trí lồng ghép thông qua các dự án tái định cư thủy điện, chương trình định canh định cư… nên đã xen dắm, bố trí được một số lượng hộ dân tương đối. Thực tiễn đã cho thấy, với mức kinh phí không quá lớn, bình quân 20 triệu đồng/hộ, nhưng mô hình xen ghép đưa được người dân đến nơi ở mới nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu cấp bách như dự án xen dắm dân cư ở xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) hay xã Cam Lâm, Bình Chuẩn (Con Cuông)... cũng là những kinh nghiệm cần được nhân rộng, với điều kiện địa phương đó có điều kiện quỹ đất, anh em hàng xóm nhường đất, số tiền hỗ trợ cho các hộ làm nhà, nếu hộ nghèo thì rất khó đáp ứng yêu cầu tốt hơn nơi ở cũ.  
 
Từ tình hình trên, một mặt cùng với tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn kịp thời để Nghệ An triển khai các dự án đã được phê duyệt đúng tiến độ; tỉnh đang tổ chức rà soát các điểm thường xuyên bị thiên tai, sạt lở, nơi nào không còn nguy cơ thì đưa ra khỏi quy hoạch, còn lại thì cân đối nguồn lực để hỗ trợ các địa phương di dời dân phương án lồng ghép, xen dắm. Theo Quyết định 1776/2012/QĐ-TTg bổ sung Quyết định 193/TTg, từ 2013, nếu bố trí dân cư vùng bị thiên tai theo phương án xen dắm mỗi hộ được 50 triệu đồng; trong đó 20 triệu đồng cho gia đình và 30 triệu đồng cho xã nơi đến xây dựng hạ tầng (tỉnh ta chưa cân đối được nguồn nên chưa triển khai). Mặt khác, tỉnh cũng rà soát các dự án, theo đó cần ưu tiên các dự án di dời dân cấp bách, dự án nào đã triển khai thì tập trung bố trí vốn để hoàn thành, dự án nào chưa triển khai thì không bố trí vốn. 
 
Bài, ảnh: Nguyễn Hải