(Baonghean) - Từ nhiều nguyên nhân, mỗi cộng đồng dân tộc có một cách nhìn và quan niệm khác nhau về cuộc sống tự nhiên và dẫn đến sự khác nhau trong quá trình ứng xử, tạo nên những phong tục, tập quán riêng và lạ. Những tập tục đó góp phần giúp các dân tộc khẳng định nét riêng mang giá trị bản sắc, khẳng định sự tồn tại của mình trong cộng đồng lớn. 
 
images943756_b__m_i_l_m_l__ch_t_kh_n_cho_c__d_u_trong___m_c__i_ng__i_th_i_con_cu_ng.jpgBà mối làm lễ chít khăn cho cô dâu trong đám cưới người Thái ở Con Cuông Ảnh: Hữu Vi
 
Việc kết hôn của trai gái Thái xưa nay phải trải qua khá nhiều lệ tục, thể hiện tính nhân văn và nét đẹp trong văn hóa ứng xử của dân tộc này. Vừa qua, lên huyện Con Cuông, chúng tôi dành thời gian tìm hiểu về những quy định trong tục lệ cưới hỏi đối với trường hợp người con trai hoặc con gái mất đi người bạn đời và có nhu cầu tái giá của bà con dân tộc Thái thuộc nhóm Man Thanh...
 
Phong tục người Thái (nhóm Man Thanh) quy định khi người con trai, con gái không may bị chết vợ hoặc chết chồng được phép tìm người bạn đời mới để chia sẻ vui buồn và gánh nặng cuộc sống. Người con gái được tái giá sau khi chồng mất một năm, còn với người con trai có thể cưới vợ khác khi vợ cũ mất khoảng 4 tháng. Trình tự kết hôn của những trường hợp kể trên có nhiều điểm khác biệt so với những trường hợp thông thường. Sau quá trình tìm hiểu và thấy tâm đầu ý hợp, hai người muốn quyết định tiến tới hôn nhân thì phía nhà trai phải lo tìm ông mối. Ông mối thường là người có uy tín trong cộng đồng, hiểu rõ phong tục, tập quán của dòng họ và bản làng. Khi ông mối thực hiện xong vai trò “kết nối”, họ nhà trai sắm sửa lễ vật đến nhà gái tiến hành làm lễ đính hôn và lễ chạm ngõ (trường hợp thông thường hai lễ này tách biệt).
 
Các đồ vật nhà gái thách cưới (tiền, bạc nén, gối, đệm, bánh chưng, lợn gà...) cũng chỉ mang tính chất tượng trưng, nghi lễ. Trong buổi lễ chạm ngõ và lễ đính hôn, hai bên gia đình bàn bạc và chọn ngày cưới luôn thể, không để “thư thả” như trường hợp thông thường. Và trong ngày cưới, khi nhà trai đón dâu, nhà gái không tổ chức ăn uống linh đình, buổi tiệc chỉ mổ thịt 1 con gà, 1 con lợn để cúng tổ tiên và làm vía cho bố mẹ. Lễ rước dâu cũng được tiến hành vào thời điểm bắt đầu một ngày mới (khoảng 1-2 giờ sáng). Với trường hợp người vợ có chồng bị mất, khi về đến nhà chồng mới không làm lễ rửa chân như lễ cưới thông thường. Đồng thời, trang phục cô dâu ít nhiều cũng có sự khác biệt: Bên hông đeo dao, chiếc khăn piêu đội đầu có đính 9 cái kim, ở thắt lưng đeo thêm 1 chiếc kéo. Theo lời giải thích của người lớn tuổi, tiệc này có ý nghĩa là để phòng thân khi đi đường, đề phòng hồn ma trêu chọc, quấy rầy. 
 
Rước dâu về đến nhà trai, đến cầu thang, chú rể nhường cô dâu bước lên trước. Trên cầu thang được đặt một thúng tro bếp, khi bước lên bậc cuối cùng, cô dâu dùng chân đá vào để thúng tro rơi vãi xuống đất. Ý nghĩa của hành động này là để ngăn ngừa hồn ma người vợ cũ trở về ám hại, để cuộc sống mới được yên ổn và hạnh phúc. Cô dâu bước vào nhà, người mẹ chồng ra đón và cầm tay dắt vào buồng của đôi vợ chồng đã được sắp đặt và trang trí sẵn. Trong lúc cô dâu sửa soạn căn buồng hạnh phúc, nhà trai dọn mâm cỗ gồm 1 con gà, 1 con lợn, 1 cỗ xôi để làm vía cho cô dâu mới, đồng thời thông báo cho linh hồn của người vợ đã khuất biết về hôn sự mới. Khi ông mối làm lễ cúng xong, cô dâu lấy áo mình đặt lên ban thờ và thắp hương xin tổ tiên làm người vợ mới của chồng mình và hứa sẽ phụng dưỡng chồng con hết lòng, cùng chia sẻ vui buồn và xây dựng hạnh phúc, thề trọn đời sánh bước trên chặng đường hướng về tương lai...
 
Như vậy, so với đám cưới bình thường, đám cưới “tái giá” của người Thái (nhóm Man Thanh) ít nhiều có sự khác biệt, trong đó điều dễ nhận thấy nhất là việc giản lược các lễ nghi và thời gian tiến hành lễ cưới. Điều này cũng thể hiện tính nhân văn trong quan niệm về hôn nhân và văn hóa ứng xử của dân tộc Thái.
 
 
Công Kiên