(Baonghean) - Vì nhiều lí do khác nhau những bà mẹ vùng cao phải mang trọng trách trụ cột của gia đình. Dẫu phải đi cấy thuê, cuốc mướn hay phải bán đi chính căn nhà sàn đang ở thì họ cũng quyết tâm phải nuôi con ăn học cho đến nơi, đến chốn...
 
Bán nhà sàn để có hy vọng
 
Những đợt gió mùa cuối cùng của mùa lạnh tràn về khiến khí trời miền Tây đất Nghệ hơi se lạnh. Trời đất lác đác mưa phùn. Mùa này, cư dân khắp 6 bản Thái ở xã Nam Sơn (Quỳ Hợp) đang cấy nốt thửa ruộng cuối cùng cho kịp thời vụ. Ở bản Quảng, cộng đồng người Thái cư trú trên đất này đã trải cả trăm năm, những nếp nhà sàn có vườn liền kề với hàng cau, giàn trầu trước nhà gợi vẻ trầm mặc. Bản đã về chiều, khá vắng người. Trong bản có nhà đã sắm ô tô tải nhưng dường như lối sống hiện đại chỉ thể hiện ở vẻ ngoài. Con người thì vẫn giữ nề nếp bản mường. Phụ nữ vẫn ưa thích trang phục truyền thống. Cồng, chiêng vẫn được xem là bảo vật và người ta gìn giữ như châu báu...
 
image_9707316.jpgNgày cuối năm của chị Lô Thị Tỵ ở bản Đình, Chi Khê, Con Cuông.
 
Tôi có cuộc hẹn với một nhân vật cho bài viết ở bản Quảng, nhưng đã xẩm tối mà chị vẫn chưa về. Gọi vào di động, không liên lạc được. Anh trưởng bản trẻ tuổi cũng đang ở trên rừng cũng chỉ còn biết bảo tôi phải ráng đợi. Mùa này, phần lớn dân bản vào rừng khai thác mây. Nhiều người tối mịt mới về. Một bà “mế” ngoài tuổi 50 nhìn vẻ sốt ruột của tôi, mời vào nhà uống nước. Căn nhà lán tạm bợ nằm nép mình ven ngõ bản. Trong nhà chỉ có bà mế và cậu con trai. Cậu em trai đã ngoài 20, nhìn tôi sợ sệt rồi lùi vào gian bếp. Bà mế tên gọi Lương Thị Minh cho hay, cậu con trai có vấn đề về thần kinh. Hễ người lạ đến là sợ. Nhà có 2 con. Con cả tên là Lương Văn Thông mắc chứng tự kỷ, con thứ 2 Lo Thanh Bình đang học năm cuối Trường Đại học Kinh Tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.
 
Thấy tôi giao tiếp bằng tiếng Thái, bà Minh mừng nói: “Thì ra là người bản” rồi rót chén rượu mời. Bà bảo bản này hay đón tiếp khách xa bằng một chén rượu. Tôi hỏi gia cảnh, bà rân rấn kể về một quãng đời gian khó còn chưa biết bao giờ nỗi vất vả mới chịu lui. 
 
Con gái bản ngày trước thường sớm chuyện chồng con, nên 20 tuổi mới lập gia đình đã coi là muộn. Bà lại ít học nên có người trai bản thương yêu là mừng rồi. Sau cưới, bà mới biết chồng mắc bệnh tim, sức lao động kém. Nghĩ rằng nên chồng nên vợ là do duyên trời định rồi, bà không màng chuyện bệnh tật của chồng mà gánh lấy phần việc nặng nhọc hơn. Chỉ mong sao bệnh của chồng thuyên giảm để được sống với nhau đến răng long đầu bạc. Có với nhau được 2 mặt con thì trong dòng họ có người hiếm muộn nhận Bình (con thứ) về làm con nuôi. Về sau, nhà nọ cũng đã sinh được một đàn con 4 đứa, họ liền đem trả Bình lại cho gia đình. Mọi giấy tờ, lý lịch giờ đây đều mang họ của người cha nuôi ngày trước nên con của nhà họ Lương mới mang họ Lo. 
 
Lo Thanh Bình học giỏi có tiếng trong xã. Biết con học tốt, bà Minh tự hứa với bản thân dù chồng có bệnh tật không lo nổi cho con mình bà cũng cố gắng nuôi cho học đến nơi đến chốn, mong sao về sau con sẽ thành tài để đỡ đần cha mẹ. Năm 2010, Bình đỗ đại học. Cầm giấy báo nhập học của con bà thấy lòng mình như có tiếng chim rừng đang hót. Nhưng khi ngẫm lại bà phát hoảng vì khoản tiền phải nộp theo giấy báo nhập học, lại tiền thuê trọ, tiền tàu xe nữa cũng phải mất 3, 4 triệu đồng. Lúc này, ngôi nhà sàn mới vừa dựng xong, còn thêm khoản nợ làm nhà nữa. Lấy đâu tiền cho con đi học đây? Sau một đêm thức trắng suy nghĩ, bà bàn với chồng hãy bán ngôi nhà đi. Khoản tiền đó có thể đủ cho con suốt những năm đại học. Quyết định vậy thật khó khăn vì việc khó nhất trong đời người là làm lại cái nhà. Nhưng vì sự học của con, bà nghĩ cha mẹ phải hy sinh thôi. 
 
Thế là chỉ trước ngày con đi học, căn nhà sàn vừa dựng xong còn thơm mùi gỗ được bán cho một người bà con họ ngoại với giá 160 triệu đồng. Trong khi chờ người ta đến tháo nhà đi, vợ chồng bà Minh dựng một căn nhà gỗ nhỏ cạnh đó làm chỗ ở tạm. 
 
Khoản tiền 160 triệu đồng cùng với khoản vay thêm từ Ngân hàng Chính sách cũng chỉ đủ trang trải việc học của con trai đến hết năm học thứ 3. Đầu năm học thứ 4, con trai lại xin mua máy tính xách tay. Con nói học hành bây giờ chiếc máy tính như quyển sách, cây bút vậy. Trong lúc cần kíp, bà mẹ lại quyết định bán nốt căn nhà gỗ đang ở tạm được gần 30 triệu đồng để lo mua máy tính cho con. Vậy là từ trước Tết Nguyên đán, gia đình bà Minh lại một lần phải “chuyển nhà”. Bà bảo dù có người nói mình gàn dở, nhưng kệ họ. Miễn sao con mình được học hành đến nơi đến chốn. Bà hy vọng với ngần ấy tiền có thể đủ để con trang trải việc học hành trong năm cuối cùng đại học.
 
Làm mướn nuôi con học đại học
 
Gia cảnh có phần khác bà Lương Thị Minh là chị Lô Thị Tỵ trú bản Đình - xã Chi Khê (Con Cuông). Lấy chồng năm mới ngoài 20, chung sống ngót nghét 10 năm sinh được 1 trai, 1 gái. Người chồng không chịu tu chí làm ăn lại hay rượu chè. Mỗi lần say rượu lại về hành hạ vợ con. Thương con, không thể trụ lại với người chồng vũ phu, chị ôm 2 đứa con về quê mẹ. Chị dựng một túp nhà nhỏ để nuôi con khôn lớn. Cô con gái lớn vốn là người ham học. Qua 2 lần thi cũng đỗ vào đại học. Người biết gia cảnh bảo chị nên khuyên con phải cảm thông với mẹ mà không đi đại học nữa. Với lại có phải cứ có bằng đại học là có việc làm. Nghĩ thấy thương đứa con hiếu học, để con bỏ dở thì không đành lòng, chị quyết định bằng giá nào cũng phải lo cho con đi học. Cô con gái cũng hứa với mẹ sẽ kiếm việc làm thêm để đỡ gánh nặng cho mẹ.
 
Sau ngày tiễn con nhập trường, chị cũng đặt ra cho mình mục tiêu mỗi tháng phải kiếm đôi triệu để gửi cho con gái. Đó là việc không hề dễ đối với một bà mẹ đơn thân, kinh tế khó khăn như chị. Ít học, lại đã có tuổi, chị Tỵ chọn cách đi cuốc cỏ, phát rừng, cấy thuê để có tiền gửi cho con. Cứ sáng dậy, chị lại lụi cụi đi làm cho đến tối mịt mới trở về nhà. Nhiều khi đang ốm cũng không dám nghỉ. Sau những năm làm lụng vất vả chị đã mắc chứng bệnh loét dạ dày. Bây giờ lại thêm tiền thuốc thang chữa bệnh nữa. Cũng may cậu con trai thứ 2 cũng đã lớn. Từ hơn nửa năm nay, đứa em đã biết kiếm tiền gửi cho chị ăn học.
 
Theo thời gian, bây giờ cô con gái đã học năm cuối Trường Đại học Nghệ thuật Hà Nội. Chị bảo thế là mình đã vượt qua phần lớn quãng đường 4 năm nuôi con ăn học. Một mình nuôi con phải vừa làm mẹ, vừa làm cha quả là quá sức đối với chị. Giờ đây, nhìn lại những ngày đã qua, chị cũng không biết làm sao mình lại vượt qua được những khó khăn như thế? Mỗi buổi tối đi nhà hàng xóm xem nhờ ti vi, thấy chiếu cảnh nhiều sinh viên bây giờ ra trường thất nghiệp, chị thấy lo lắng cho con. Nhưng cô con gái lại động viên mẹ ra trường nhất định con sẽ kiếm được việc làm...
 
Quả ngọt dành mẹ
 
Cũng là một trụ cột của gia đình và phải nuôi 3 con ăn học, nhưng những tháng năm gian khó nhất của bà Lữ Thị Loan (Thạch Giám - Tương Dương) đã khép lại. 3 người con, 2 trai, 1 gái của bà đều đã thành đạt. Có người là nhà giáo, người làm bác sỹ. Họ đều rất hiếu thảo với cha mẹ. Những lúc con cháu sum vầy, nụ cười của bà đã trở nên rạng rỡ hơn. Bà như quên đi nỗi nhọc nhằn của những năm tháng đã qua. Ấy vậy mà mới cách đây ít năm, một vai bà vẫn phải lo cho 3 đứa con ăn học trong khi người chồng ốm yếu, không còn sức lao động. Từ những buổi lên rừng hái rau, kiếm củi đem bán ở chợ Hòa Bình, bà đã nuôi sống gia đình và 3 con được ăn học bằng người.
 
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Lương Thị Danh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Sơn (Quỳ Hợp) kể về bà mẹ Lương Thị Hương ở bản Tăng. Người mẹ này cũng phải nuôi 3 con ăn học trong thời gian đó người chồng cũng ốm nặng. Bằng nghị lực của mình, bà mẹ này đã nêu một tấm gương sáng đối với các hội viên phụ nữ trong xã vùng cao này. Hiện giờ, 2 người con của chị đã ra trường và có được việc làm. Anh con trai cả giờ đã là phó chủ tịch xã. Chỉ còn 1 cậu con trai nữa vẫn còn theo học đại học. Đó thực sự là chùm quả ngọt đầu mùa mà các bà mẹ đã hết lòng vì con đáng được hưởng.
 
Những “quả ngọt” ấy đang là niềm mong ước của chị Lô Thị Tỵ, bà Lương Thị Minh cũng như những bà mẹ vùng cao, vì một lý do nào đó còn phải một mình nuôi con ăn học. Đối với những bà mẹ ấy, dẫu điều kiện kinh tế còn nhiều cái khó, nhưng họ đã vượt lên tất cả những trở lực đó để con cái được học hành đến nơi đến chốn. Mong ước của những bà mẹ vùng cao không chỉ là một công việc ổn định về sau cho con cái. Nói như bà mẹ Lương Thị Minh đã phải 2 lần bán nhà cho con ăn học thì: “Mong muốn lớn nhất của người làm mẹ vẫn là con mình có tri thức!”. 
 
Một mùa tuyển sinh nữa sắp tới. Giảng đường đại học thật chẳng dễ gì, không chỉ đối với sỹ tử mà cả với những bậc phụ huynh vùng khó, nhất là những bà mẹ phải làm trụ cột gia đình như các “mế” mà chúng tôi đã gặp trên bước đường tác nghiệp...
 
Hữu Vi