(Baonghean) - Ấn tượng về vẻ đẹp của một thành phố ngoài không gian thoáng đãng, kiến trúc hiện đại, khoa học cần có những điểm nhấn cổ kính mang màu sắc thời gian. Thành phố Vinh đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ, nhiều khu đô thị mới với những tòa nhà cao tầng mọc lên, tuy nhiên tốc độ xây dựng chóng mặt đang khiến cho những nét xưa mờ dần vào ký ức…

Người bạn học hồi nhỏ của tôi mới trở về từ nước Nga sau gần 20 năm xa quê thốt lên: “Mới đó mà Vinh thay đổi nhiều quá, thật không thể tưởng tượng được. Quả là một sự phát triển kỳ diệu”. Sau một hồi dạo quanh thành phố, anh bạn thở dài: “Vinh bây giờ mới quá, cái gì cũng mới nên muốn tìm lại hình ảnh, kỷ niệm ngày xưa cũng không thể nào tìm ra nổi, chỉ còn cách lục lại ký ức mà thôi”. Rồi bạn tôi chia sẻ: “Mình đã có dịp đến nhiều thành phố ở châu Âu, trong đó có những thành phố được đánh giá là đẹp nhất thế giới như: Venicea, Paris, Amsterdam, Prague, Maxcova,…
 
Mỗi thành phố có những phong cách kiến trúc riêng tạo nên đặc trưng phù hợp với địa lý ở nơi đó, tất cả vừa mang những yếu tố hiện đại vừa giữ nguyên được vẻ đẹp cổ kính ghi đậm dấu ấn văn hóa lịch sử. Nói về sự phát triển và hiện đại thì chắc chắn là họ hơn mình nhiều. Thế nhưng, những ấn tượng về các thành phố đó qua thời gian dường như không hề có sự thay đổi. Nó giống như gương mặt của một con người, trải qua năm tháng có thể xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn và già đi, nhưng những nét cơ bản thì không đổi khác. Đó chính là yếu tố làm nên chiều sâu văn hóa và vẻ đẹp trường tồn theo thời gian của một thành phố”.
 
Dù được coi là một trong những thành phố trẻ, nhưng thực tế, để hình thành nên một đô thị loại 1 như hôm nay, Vinh đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử với biết bao biến động theo thời gian. Tính từ khi địa danh Vinh chính thức trở thành một trong những đô thị của cả nước, đó là ngày 20/10/1898, khi vua Thành Thái ra Đạo dụ thành lập Trung tâm thành thị Vinh thì đến nay cũng đã hơn 100 năm. Từ đó đến nay, Vinh đã trải qua nhiều lần bị tàn phá nặng nề, đặc biệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cả thành phố bị bom dội tan hoang, sau hòa bình phải tái thiết lại từ đống đổ nát, nhiều di tích lịch sử bị hư hại nặng nề nhưng vẫn còn nguyên dấu tích như: Thành cổ Vinh, Chùa Diệc, Văn miếu Vinh, Đền Hồng Sơn,…
 
images904879_c_ng_th_nh_c__vinh.__nh_tr_n___nh_qu_n__nam_1929..jpgCổng Thành cổ Vinh năm 1929. Ảnh: Trần Đình Quán (Tư liệu).
 
Năm 1974, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Cộng hòa Dân chủ Đức, lần đầu tiên Thành phố Vinh được quy hoạch lại một cách quy mô và khoa học. Với tầm nhìn xa trông rộng, bản quy hoạch Thành phố Vinh do các chuyên gia Đức thiết kế đặc biệt coi trọng việc bảo tồn các di tích danh thắng cổ đã từng ghi dấu ấn theo thời gian, trong đó Thành cổ Vinh được đề nghị phục hồi nguyên bản để làm điểm nhấn về văn hóa và cảnh quan môi trường cho thành phố.
 
Kiến trúc sư Trần Anh Sinh, Trưởng phòng Quy hoạch 1 Viện Quy hoạch Kiến trúc xây dựng Nghệ An cho biết: “Hồi đó dân cư Thành phố Vinh đang thưa thớt, nhưng các chuyên gia Đức đã quy hoạch các tuyến đường giao thông rất rộng, nhờ sự tính toán khoa học và tầm nhìn lâu dài như vậy mà hiện nay Vinh là thành phố có đường thông hè thoáng nhất cả nước. Mặc dù dân số của Thành phố Vinh bây giờ đã lên đến gần nửa triệu người, nhưng không xảy ra hiện tượng tắc đường như nhiều thành phố khác. Đặc biệt, khi khảo sát quy hoạch Thành phố Vinh, các chuyên gia Đức đã tính toán rất kỹ càng đến nhiều yếu tố, ngoài các yếu tố về văn hóa – xã hội – kinh tế, họ còn tính toán đến vấn đề vật lý, khí hậu một cách khoa học”.
 
Theo thiết kế nguyên bản của các chuyên gia Đức năm 1974, họ tính toán rằng, Nghệ An mùa hè bị ảnh hưởng bởi những trận gió Lào rất nóng nên Thành phố Vinh được quy hoạch theo mô hình “bàn tay xòe”, phát triển theo hướng Bắc để đón những luồng hơi nước dịu mát khi gió Lào thổi từ phía Tây Nam qua dòng sông Lam. Ngoài ra, thành phố cần phải có những không gian xanh, hồ nước để điều hòa khí hậu trong từng khu vực. Như vậy, vùng trung tâm của Thành phố Vinh (thuộc lòng bàn tay) là các phường Lê Mao, Quang Trung, Hưng Bình, Lê Lợi, Trường Thi,… các “ngón tay” chính là các trục đường tỏa ra hướng Bắc như Quốc lộ 1A, đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Đại lộ Lê Nin… Dọc hai bên các đường hình những “ngón tay xòe” là các tuyến phố thương mại, còn khu vực xen giữa các “ngón tay” là không gian xanh, công viên, hồ nước, biệt thự nhà vườn… Với ý tưởng đó, khi dân số phát triển, Vinh vẫn không bị hạn chế về diện tích đất mà vẫn có thể tiếp tục mở rộng dần ra xung quanh theo hướng các “ngón tay” và vành đai quanh thành phố, đồng thời vẫn đảm bảo được các yếu tố về môi trường khí hậu như thiết kế ban đầu.
 
Từ đầu thập kỷ 90 đến nay, trước sự phát triển nhanh chóng của Thành phố Vinh, sự tùy tiện của nhiều người dân và cả một số cơ quan quản lý nhà nước đã khiến cho quy hoạch bị vi phạm nghiêm trọng. Dự án Công viên Thành cổ Vinh được phê duyệt quy hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do dân cư tràn vào xây dựng nhà ở quá đông và lộn xộn. Nhiều khu đất, hồ nước ở các khu vực khác vốn được dành để làm không gian xanh điều hòa khí hậu và tạo cảnh quan môi trường cho thành phố cũng bị lấn chiếm và cấp cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
 
Nhiều khu vực được quy hoạch làm những khu biệt thự nhà vườn tạo những không gian sống thoáng đãng vừa tạo sự hài hòa cho thành phố nhưng lại được chia lô bán nền xây dựng các ngôi nhà bê tông san sát chật chội và bức bối. Hàng loạt dự án bất động sản mọc lên với thiết kế tận dụng tối đa diện tích mặt bằng để thu lợi nhuận mà không đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội như chỗ để xe, khu vui chơi giải trí,… khiến cho các cư dân như bị nhốt vào bốn bức tường, hễ bước chân ra khỏi cửa là đụng phải xe cộ đi lại; người già, trẻ em chỉ biết ngồi trên tầng cao ngó qua cửa sổ nhìn xuống phố xá tấp nập, muốn tìm một chỗ chơi, thư giãn cũng đành chịu. Tốc độ xây dựng chóng mặt đang khiến cho thành phố bị bê tông hóa và những nét văn hóa xưa dần bị vùi lấp vào quá khứ.
 
Những năm gần đây, công tác bảo tồn, khôi phục các di tích lịch sử đã bắt đầu được chú trọng nhưng vẫn còn quá ít. Ngoài đền Hồng Sơn được giữ gìn khá nguyên vẹn so với ban đầu, còn lại hầu hết là những phế tích. Chùa Diệc, ngôi chùa cổ lớn nhất vùng và nổi tiếng ngày xưa giờ chỉ còn trơ trọi chiếc cổng, toàn bộ khuôn viên rộng lớn đã bị lấn chiếm để kinh doanh; Văn Miếu Vinh, biểu tượng cho văn hóa hiếu học của xứ Nghệ bao đời nay đã bị san phẳng, sau nhiều năm lập đề án phục dựng đến giờ vẫn chưa thực hiện được; Thành cổ Vinh, một kiến trúc độc đáo và là điểm nhấn của thành phố, sau 3 lần điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa thể triển khai…
 
“Mới đây, UBND tỉnh đã thuê các chuyên gia Nhật Bản quy hoạch điều chỉnh Thành phố Vinh hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo bản quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt và vừa mới công bố này, các chuyên gia Nhật Bản vẫn dựa trên cơ sở mà các chuyên gia Đức đã thiết kế trước đây, tất nhiên mở rộng diện tích hơn nhiều do yêu cầu phát triển của xã hội. Nhưng có một vấn đề là các kiến trúc sư Nhật Bản chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng chứ chưa coi trọng đến việc bảo tồn các công trình văn hóa. Hơn nữa, theo bản quy hoạch này thì có nhiều hạng mục đòi hỏi phải đầu tư kinh phí rất lớn mà điều kiện của chúng ta hiện nay chưa thể đáp ứng được”, kiến trúc sư Trần Anh Sinh cho biết.
 
Để tìm lại những nét Vinh xưa, có lẽ bây giờ chỉ còn biết tìm đến những bức ảnh tư liệu quý giá còn lưu lại, như bức ảnh chụp Thành cổ Vinh đầu thế kỷ 20 của một người Pháp, trong đó Thành cổ Vinh vẫn thể hiện nguyên vẹn toàn bộ chu vi tường thành 6 cánh với dòng sông bao quanh đẹp như một bông hoa mai. Nhìn bức ảnh này chợt nghĩ, nếu chúng ta khôi phục lại được hình hài thành cổ như vậy và xây dựng những khu phố bao quanh, sạch sẽ tươm tất hơn thì giá trị biết mấy. Hoặc như bức ảnh Văn Miếu Vinh của tác giả Trần Đình Quán chụp vào năm 1929 trông thật khang trang, với ngôi hạ điện hai tầng mái, một khoảng sân rộng trước mặt, hai bên đối xứng là tả vu - hữu vu, một biểu tượng cao đẹp cho sự học xứ Nghệ, nếu như sớm khôi phục lại thì tốt biết bao. Ngoài ra, hình ảnh đặc trưng của Vinh xưa còn có thể tìm thấy ở những bức ảnh như phà Bến Thủy với thương cảng tấp nập; Nhà máy xe lửa Trường Thi biểu tượng cho sự phát triển công nghiệp một thời; Phố Khách (phố người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp), biểu tượng cho sự giao lưu thông thương với nước ngoài của vùng đất xứ Nghệ…
 
Dẫu biết rằng những công trình kiến trúc, những đền, chùa hay ngôi nhà, những viên gạch cho dù bền đến mấy cũng không thể trường tồn mãi qua thời gian, nhưng hình ảnh về nó thì vẫn có thể được lưu giữ mãi nếu con người biết bảo tồn và duy trì. Xem những bức ảnh cũ chụp nhiều công trình kiến trúc ở TP. Hồ Chí Minh cách đây hàng chục năm, thậm chí hơn 100 năm như Nhà thờ Đức Bà, Hồ Con Rùa, Chợ Bến Thành, Chợ Bình Tây, Nhà hát Thành phố, Bến Nhà Rồng, Dinh Xã Tây (hiện là trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh), Sở Dây thép (nay là Bưu điện TP. HCM)… đến bây giờ vẫn giữ được nét xưa.
 
“Dấu ấn thời gian chính là những nét văn hóa mang tính chiều sâu, là cái để lưu giữ ký ức và kỷ niệm của những người con thành phố và đó mới là điều hấp dẫn du khách đến thăm chứ không phải là những tòa nhà cao tầng vừa mới được mọc lên”, anh bạn từ Nga về đón Tết ở quê chia sẻ… 
 
Hoàng Hảo - Mỹ Hà