(Baonghean.vn)- Dư luận đã nhiều lần tỏ thái độ vô cùng khó chịu về những thói hư tật xấu người Việt như không xếp hàng, hút thuốc nơi công cộng, không đội mũ bảo hiểm, và giờ là "tiểu đường”.

images1836123_tebay2_bb_baaac8tu3e.jpgẢnh minh họa.

Cách đây hơn 17 năm, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy được đưa ra, cũng không ít ý kiến e rằng khó lòng làm được. Giờ đây, đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen của đại đa số người dân. Bởi vì chính họ nhận thức được việc làm đó là vì sự an toàn của mình. Tiểu tiện đúng nơi quy định rồi cũng trở thành hiện thực?

Thật xấu hổ thay, vì cái việc “hồn nhiên giữa phố” lại phải đưa vào Luật. Các nước bạn sẽ nghĩ như thế nào về người Việt? Khi thấy cảnh tiểu bậy trên đường phố, người thì quay mặt đi, người thì coi như chuyện thường tình, du khách nước ngoài thì cảm thấy lạ lẫm, ngán ngẩm.

Từ ngày 01/02/2017, theo điều 20, Nghị định 155/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ghi rõ phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Nhà vệ sinh công cộng ở nhiều nơi thường xuyên đóng cửa. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hiện nay mới có quy định cấm đái bậy, nhưng lại chưa có đủ nhà vệ sinh công cộng tối thiểu để phục vụ nhu cầu thiết yếu của người đi đường. Thật oái oăm, nếu “nhịn tiểu” thường xuyên thì không tốt cho sức khỏe, sinh là nhiều loại bệnh, còn nếu “tiểu đường” thì bị coi là làm bậy, bị phạt, vậy cư dân thành phố hoặc du khách phải làm sao khi mà nhà vệ sinh công cộng hầu như còn vắng bóng tại tất cả các tuyến đường, các khu vực đông người? Vậy cách gì để Luật đi vào cuộc sống? Chúng tôi thử đưa ra một số gợi mở như sau:

Cách thứ nhất, vẫn cứ phải “đòn đau nhớ đời”. Mức phạt nặng dành cho người tiểu bậy ở Singapore lên đến 1.000 SGD (khoảng 16 triệu đồng), tái phạm sẽ bị phạt 2.000-5.000 SGD và phải lao động công ích nhiều giờ liền. Ở Kuala Lumpur (Malaysia), nếu vi phạm bị phạt 5.000 RM (hơn 25 triệu đồng), thậm chí vi phạm nhiều lần có thể kết án tù.

Ở một số nước như Mỹ, Đức, Ấn Độ… đã dùng loại sơn siêu chống thấm, có khả năng làm nước tiểu bắn ngược trở lại thủ phạm, dùng “xe bồn chống tiểu bậy”. Cùng với đó, phải có lực lượng chuyên trách để thực hiện việc phạt nghiêm, phạt đúng. Ở nước ta, đến nay, trên thực tế vẫn chưa rõ đối tượng nào chịu trách nhiệm thực thi việc thực hiện phạt các hành vi nói trên.

Cách thứ hai, giải quyết nhu cầu cấp thiết cho người dân. Nên chăng có thể khuyến khích các cá nhân mở các dịch vụ vệ sinh công cộng giá bình dân, vừa đảm bảm vệ sinh cho chính bức tường nhà hàng mình, mà mỗi người khi có nhu cầu “cấp bách” thì có những địa chỉ để giải quyết ngay. Thật sự dễ dàng, thuận tiện, sạch sẽ và văn minh, lịch sự. Về lâu dài, việc thực hiện quy hoạch cần có thiết kế, xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng ở các vị trí hợp lí.

Bên cạnh các hình thức nói trên, cũng không thể thiếu công tác giáo dục ý thức công dân từ bậc mầm non đến phổ thông, tuyên truyền mạnh mẽ trong cơ quan, đơn vị, xí nghiệp. Bổ sung hình thức phạt “buộc người vi phạm phải lao động công ích có thời hạn để khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu” là một cách làm tốt để hạn chế tái phạm.

Mỗi công dân, mỗi cơ quan, đơn vị có những hành động cụ thể, nghiêm túc thì chắc chắn sẽ hạn chế tối đa “nạn tiểu bậy”, trả lại sự sạch sẽ, văn minh cho những con đường./.

                                                                             Anh Hoa

TIN LIÊN QUAN