(Baonghean) - Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay doanh nghiệp là cơ sở, là một trong những động lực quyết định tốc độ và chất lượng của phát triển. Nguyên lý này càng có ý nghĩa đối với tỉnh Nghệ An, hay nói cách khác, phát triển doanh nghiệp gắn với kinh tế nông nghiệp, nông thôn là sự lựa chọn cần thiết trong chiến lược phát triển của Nghệ An.
» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân
Doanh nghiệp có vị trí quan trọng đối với việc giải quyết một số bài toán trong phát triển (nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn) của Nghệ An bởi lẽ: Thứ nhất, phát triển doanh nghiệp giúp giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy các nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội;
Thứ hai, sự phát triển doanh nghiệp tạo ra sự chuyển dịch lao động từ các khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và sản xuất kinh doanh nhỏ của hộ gia đình là khu vực lao động có năng suất thấp, thu nhập không cao, chiếm số đông, thiếu việc làm sang khu vực doanh nghiệp, nhất là công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao và thu nhập khá hơn;
Thứ ba, doanh nghiệp phát triển là nhân tố đảm bảo thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao hiệu quả kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế; Thứ tư, phát triển doanh nghiệp là nhân tố quyết định đến sự ổn định và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo... ở nông thôn.
Cùng với một số tiềm năng và những gì mà trước đây là khó khăn (đất đồi núi, rừng,...) trong phát triển kinh tế nông nghiệp Nghệ An thì với xu thế hiện nay về cơ bản đang trở thành lợi thế. Tuy nhiên, lợi thế đó chỉ có thể phát huy được khi có sự trực tiếp tham gia, hợp tác hoặc tổ chức sản xuất theo mô hình doanh nghiệp.
Sự gắn kết phát triển doanh nghiệp với kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Nghệ An về thực chất là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại (doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, hình thành đội ngũ công nhân sản xuất nông nghiệp,...), là đổi mới chính sách nhằm thu hút vốn và doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao và bền vững. Tiếp tục thực hiện đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành các liên kết kinh tế trong sản xuất nông sản hàng hóa. Trong đó, nhất thiết phải:
- Đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn kết sản xuất, mở rộng không gian kinh tế hình thành các chuỗi sản phẩm và nâng cấp chuỗi giá trị nông - công nghiệp (tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp - chế biến - tiêu thụ...). Tạo đột phá trong tổ chức sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
- Đầu tư phát triển hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn gắn sản xuất - chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, như: chế biến gỗ, chăn nuôi trâu bò thịt, gia cầm, chăn nuôi bò sữa và sản xuất sữa.
- Đẩy nhanh tiến độ thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:
- Đối với trồng trọt: Ứng dụng quy trình cơ giới hoá đồng bộ (từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến); quy trình thâm canh lúa, ngô, lạc từ giống, đầu tư thâm canh; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, giảm dần diện tích trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả, mở rộng diện tích trồng các loại cây đặc sản (cam, chè, cây dược liệu,…) gắn vùng trồng cây nguyên liệu với công nghiệp chế biến; sản xuất chế biến an toàn theo chuỗi giá trị, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); triển khai các mô hình tưới tiết kiệm, tưới cho cây công nghiệp nếu có điều kiện.
- Đối với chăn nuôi: Nghiên cứu phát triển và ứng dụng quy trình chăn nuôi lợn, gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Phát triển chăn nuôi bò thịt theo quy mô trang trại tập trung, hiện đại từ khâu giống, sản xuất, chế biến thức ăn, chăm sóc, giết mổ. Phát triển các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp, từng bước mở rộng chăn nuôi bò hộ gia đình theo mô hình liên kết với các doanh nghiệp thu mua chế biến sữa. Ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, sử dụng men vi sinh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường,...
- Đối với lâm nghiệp: Ứng dụng khoa học công nghệ để hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp như: GIS, viễn thám, điện tử. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong trồng rừng, đặc biệt là khai thác rừng trồng. Tập trung hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC), phát triển dược liệu (có thể dưới tán rừng) gắn với bảo vệ rừng bền vững.
- Đối với thủy sản: Mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thủy sản có nhu cầu lớn trên thị trường như tôm thẻ chân trắng, ngao bãi triều… Ưu tiên phát triển phương tiện khai thác hải sản xa bờ.
- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất giống. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông, lâm, thủy sản.
- Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: Cam, chè, lạc, lúa gạo; các sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa; thủy sản, lâm nghiệp, dược liệu.
Thực hiện và đổi mới chính sách để tạo sự gắn kết phát triển doanh nghiệp với kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Nghệ An là:
- Rà soát quỹ đất và tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nguyên liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn, khuyến khích việc tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa có sự kiểm soát quản lý của Nhà nước. Tập trung xây dựng các cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm ngư nghiệp. Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến để hình thành một số ngành sản xuất kinh doanh nông sản chủ lực (mũi nhọn) của tỉnh, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là động lực của phát triển góp phần thực hiện chiến lược và tái cấu trúc ngành nông nghiệp đảm bảo có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và bền vững. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi để hình thành hoặc thu hút các doanh nghiệp tham gia khai thác, phát huy thế mạnh vùng kinh tế miền Tây Nghệ An và vùng kinh tế ven biển và kinh tế biển.
- Giải quyết tốt việc giao đất, cho thuê đất ổn định lâu dài cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân cho việc sản xuất liên doanh, liên kết nhằm tạo ra khối lượng hàng hoá lớn phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Xây dựng phương án bố trí quỹ đất thích hợp nhất cho các loại cây trồng, cho phát triển các loại hình trang trại, gia trại...
- Khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đây là lực lượng quan trọng có khả năng tạo nhiều việc làm, thu hút lao động, tăng năng lực chế biến tiêu thụ nông sản, dịch vụ kỹ thuật... cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất, thu mua và tiêu thụ nguyên liệu có hiệu quả. Phát triển và củng cố các tổ chức kinh doanh xuất khẩu mạnh, có thể khép kín từ khâu nguyên liệu - chế biến - xuất khẩu.
Quan tâm, dự báo những khó khăn đối với các doanh nghiệp hiện có để hình thành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển ổn định, đủ sức ứng phó với các biến động,... là lực hấp dẫn cho phát triển doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp mới).
Dự báo, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng sắp tới cây mía của Việt Nam sẽ không còn đủ sức cạnh tranh, rất khó chống đỡ để tồn tại được trong thị trường. Do vậy, đã đến lúc tỉnh Nghệ An cần phải xem xét (nghiên cứu) một cách khoa học chỉ số cạnh tranh của ngành mía, đường cũng như một số cây trồng khác trong tỉnh để có sự chuẩn bị (thậm chí cả hướng chuyển đổi, nếu thấy không còn giải pháp hữu hiệu để cải thiện tình hình).
PGS.TS. Nguyễn Trọng Xuân
(Viện Kinh tế Việt Nam)
TIN LIÊN QUAN |
---|