(Baonghean) - Giải trình vấn đề thông tuyến khám chữa bệnh BHYT trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong ngày 1/3/2017, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh đã nêu lên một thực trạng buồn về sự cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB), nhất là các cơ sở tư nhân như khuyến mãi, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... khiến nhu cầu KCB tăng ảo. 

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng chỉ ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như: tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X-quang, người bệnh BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để lấy thuốc (từ tháng 7/2016 - 2/2017, có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi KCB từ 2 lần trở lên mỗi tháng; 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng. 

Thậm chí, có trường hợp đi khám, lấy thuốc đến... 308 lần ở 23 nơi trong 8 tháng (ở TP. Hồ Chí Minh), 197 lần ở 5 nơi (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương), hay có người trong quý 4/2016 đi KCB 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau…

Sở dĩ có phiên giải trình này, ai cũng hiểu bởi thời gian vừa qua cả nước “nổi sóng” về vấn đề bội chi quỹ BHYT lên đến hàng nghìn tỷ đồng (Nghệ An là tỉnh bội chi lớn thứ hai toàn quốc, chỉ xếp sau Thanh Hóa). 

Nguyên nhân bội chi BHYT lớn, thực chất chẳng phải chờ đến khi Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nêu ra mà trước đó, cũng được cấp, ngành có liên quan và các cơ quan truyền thông đề cập nhiều. Thế nhưng đâu là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạnh cạnh tranh không lành mạnh, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT?

images1843237_bhyt.jpgRà soát cấp thẻ BHYT tại BHXH Thành phố Vinh. Ảnh tư liệu.

Những người có trách nhiệm đã đề ra nhiều giải pháp, đáng chú ý nhất là ý kiến của ông Hoàng Văn Hảo – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế trong chuyến làm việc với đoàn công tác của Quốc hội vào cuối tháng 2 vừa qua: “Bên cạnh cơ quan BHXH được giao quản lý quỹ BHYT, cơ quan y tế thực hiện thì cần có thêm một cơ quan để giám định độc lập, đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc thực hiện quỹ, tránh lạm dụng quỹ BHYT…”.

Hãy ngẫm mà xem, ngành BHXH, không chỉ được giao quản lý quỹ BHYT mà đồng thời cũng là cơ quan trực tiếp chi các khoản chi BHYT cho các đơn vị được hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Vừa quản tiền, vừa chi tiền, quyền năng BHXH thật lớn.

Và có một thực tế đang xảy ra là thường cứ cơ quan, đơn vị nào được trao quyền năng lớn, trong khi các cơ chế giám sát còn thiếu (hoặc còn lỏng lẻo) thì dễ xảy ra việc lạm quyền hoặc lợi dụng quyền.

Ngành BHXH có một đội ngũ giám định, thanh tra khá hùng hậu. Đội ngũ này có chức năng giám định, kiểm tra kiểm soát việc thực hiện khám, chữa bệnh của các bệnh viện công, tư được hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT. Nhưng trong công tác khám, chữa bệnh, để giám định chính xác và đúng, đủ cho từng ca bệnh là thực sự khó khăn.

Nó đòi hỏi người làm công tác giám định phải có chuyên môn nghiệp vụ ngành Y vững vàng; và đồng thời phải có thực tiễn. Đội ngũ giám định của ngành BHXH đương nhiên là những người đã qua đào tạo, thế nhưng không được thường xuyên tiếp cận thực tế khám, chữa bệnh, chỉ qua hồ sơ rất khó để đưa ra đánh giá chính xác. 

Thế nên, nếu không có cơ quan giám định độc lập, để BHXH xuất toán kinh phí BHYT một cách khô cứng, sẽ gây khó cho cơ sở khám, chữa bệnh; đồng nghĩa, người khám, chữa bệnh BHYT cũng sẽ gặp bao nhiêu thứ nhiêu khê từ cơ sở khám, chữa bệnh. 

Còn nếu giám định lỏng lẻo, hoặc tệ hơn, xảy ra sự thỏa hiệp, móc ngoặc ăn chia giữa người làm công tác giám định, thanh tra (hoặc cơ quan BHXH) với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, thì tệ hại thay, sẽ dẫn đến thất thoát kinh phí BHYT. 

Mục tiêu của Đảng, Nhà nước đề ra là thực hiện BHYT toàn dân, qua đó, đảm bảo cho người dân được hưởng quyền lợi tốt nhất về chăm sóc sức khỏe. Vậy nên, việc quản lý an toàn quỹ BHYT là hết sức quan trọng. Muốn được như vậy, phải ngăn chặn tình trạng bội chi; không để xảy ra tình trạng lạm dụng hay sai phạm khác trong sử dụng quỹ BHYT.

Vì vậy, kiến nghị của ông Hoàng Văn Hảo về việc cho ra đời một cơ quan giám định độc lập là kiến nghị hay, cần xem xét thực hiện. Nếu có cơ quan thẩm định khám, chữa bệnh BHYT độc lập, tin rằng sẽ nâng cao tính minh bạch khách quan; giảm thiểu được tình trạm lạm dụng, sai phạm khác trong khám, chữa bệnh BHYT; và quỹ BHYT sẽ được quản lý tốt hơn!.

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN