Nghị quyết "xương sống" của ngành nông nghiệp, nông thôn
Trong các ngày 26 và 27/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc và triển lãm quốc gia về thành tựu 10 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Lâm Tùng Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26 - NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn". Đây là một nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm và chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng. Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển KT - XH của cả nước. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền được nâng cao.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt. Nhiều tồn tại, yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Trong kế hoạch tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045, Trung ương đã đề ra các giải pháp chiến lược, dài hơi nhưng cũng rất cụ thể, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại có khả năng cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, sạch, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững; kinh tế nông thôn phát triển đa dạng, cải thiện nhanh hơn đời sống của dân cư nông thôn, làm cơ sở thực hiện CNH-HĐH đất nước, góp phần đảm bảo vững chắc ANQP, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trang trại sản xuất rau sạch công nghệ cao ở Quỳnh Liên (Hoàng Mai). Ảnh tư liệu Qua 10 năm thực hiện, Nghệ An đã đạt được những thành tựu to lớn. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đặt ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Nông nghiệp phát triển với tốc độ cao và ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ; các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới, phát triển.
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được triển khai đồng bộ và toàn diện,cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch theo hướng tích cực;sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở thành xu thế phát triển tất yếu. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh, nhất là ở các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a.Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã có 181/431 xã, 46 thôn, bản và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệpPhát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: 10 năm thực hiện tam nông là giai đoạn rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ và có hệ thống, toàn xã hội đã nhận thức được tính thiết thực của Nghị quyết và chung tay thực hiện. Kết quả đạt được đã khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết khi đã đi vào cuộc sống, làm thay đổi nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có khả năng cạnh tranh cao. Bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống đại bộ phận dân cư nông thôn được nâng lên.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Tùng Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều tồn tại. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất còn manh mún, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; lượng vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phát triển mạnh; công nghiệp chế biến còn hạn chế...
Nhiều hộ dân ở Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đã áp dụng quy trình sản xuất sạch trong nuôi tôm. Ảnh tư liệu
Trong định hướng từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045, phải tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức của toàn xã hội để tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cũng như sự tham gia của nhân dân trong vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện. Chuyển nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập sâu rộng. Để làm được điều đó, cần nhận thức rõ những thời cơ và thách thức trong giai đoạn hiện tại cũng như những năm sắp tới. Sớm khắc phục những tồn tại, yếu kém trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
Các cơ quan nhà nước và địa phương tiếp tục rà soát các văn bản, quy định để có hướng tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất hàng hóa. Phải thay đổi tư duy, cách làm, sản xuất nông nghiệp phải gắn với nhu cầu, có giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như quan tâm thị trường trong nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Ngân hàng có cơ chế hợp lý về cung ứng nguồn vốn; ngành GTVT có giải pháp cung ứng dịch vụ vận tải hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ngành nông nghiệp phải quan tâm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất của nông dân, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng NTM toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế.