(Baonghean) - Ít ai nghĩ rằng, vùng đất Phủ Quỳ, nơi thường được nhắc đến với thế mạnh về tài nguyên khoáng sản - đã có những bước đột phá mạnh mẽ trên mặt trận nông nghiệp. Hiện nay, vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở Quỳ Hợp đang đà khởi sắc...
Nhìn vào số liệu tổng kết năm 2013 của ngành nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, chúng ta có thể thấy rõ điều đó: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 4.756.169 triệu đồng (đạt 100,46% kế hoạch, tăng 9,66% so với cùng kỳ) thì giá trị sản xuất nông lâm nghiệp là 933.889 triệu đồng. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 34.980 tấn, tăng 4.980 tấn so với Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ huyện; cây cao su có tổng diện tích 1.421,7 ha (đạt 110% so với kế hoạch), diện tích cho thu hoạch là 832 ha, sản lượng đạt 1164,8 tấn mủ; cây cam có tổng diện tích 1.094 ha (đạt 114% kế hoạch), diện tích cho sản phẩm là 458 ha, sản lượng đạt 7792,8 tấn; tổng đàn trâu có 21.709 con, tổng đàn bò có 10.830 con, tổng đàn lợn có 51.502 con, tổng đàn gia cầm là 608.657 con... Để có được những con số ấn tượng trên, huyện Quỳ Hợp đã có những bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Với cây lúa, huyện chủ động đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao như LC 25, GS9, PHB71, Thiên Nguyên Ưu 9 vào thay thế các giống cũ gieo trồng lâu năm như Nhị Ưu 838. Hoặc với cây ngô, đây là năm đầu tiên Quỳ Hợp chỉ đạo, tuyên truyền cho nhân dân thực hiện gieo trồng ngô vụ đông với 2 giống ngô lai mới là 30NK34, C919 trồng trên đất lúa cao nhất so với 3 năm trở lại nay với diện tích 731 ha...
Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới sẽ đẩy lùi được đói nghèo. Về các xã trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, từ các xã có nhiều thế mạnh như Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Tam Hợp, Đồng Hợp, Châu Quang, Châu Hồng... cho đến những xã còn nhiều khó khăn như Châu Thái, Châu Đình, Liên Hợp... hình hài nông thôn mới đang hiện hữu và đời sống của người dân được cải thiện. Ở Minh Hợp mỗi hộ ít cũng có khoảng 0,5 ha cam hoặc cao su. Sau mấy năm đầu bỏ công chăm bẵm, nay nhàn tản thu tiền. Có của ăn của để, người dân tự giác, tích cực tham gia trong các phong trào chung của xã. Ở xóm Minh Hồ, dịp này người dân đang cùng nhau hiến đất mở đường làm giao thông nội xóm. Ở Minh Hồ, chúng tôi còn được nghe người dân kể chuyện Nhà nước khoan nước sạch cho dân với một tình cảm, trách nhiệm hết sức chân thành. Giếng nước sạch Minh Hồ được đặt ở nhà văn hóa xóm là một giếng khoan lớn, có hệ thống máy bơm nước tự động lên một bể chứa 5.000 lít đặt trên giàn thép cao khoảng 5m.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Minh Hợp Phạm Thị Nghi, dù xã Minh Hợp không phải là được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới nhưng toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân quyết tâm sẽ về đích trong năm 2015. Hiện nay, Minh Hợp đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, có những tiêu chí ở các vùng miền núi rất khó đạt như giảm hộ nghèo thì Minh Hợp đã hoàn thành. Bà Nghi nói: “Ngay tại hai xóm Minh Quang, Minh Tiến - là các xóm thuần đồng bào dân tộc Thổ - người dân cũng rất tích cực vươn lên làm kinh tế. Từ việc thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt do huyện, xã chỉ đạo thực hiện, đến việc bà con tự liên kết góp tiền giúp nhau về vốn để chăn nuôi trâu bò...”.
Tại xã Châu Thái, một trong những địa phương nghèo nhất của Quỳ Hợp cũng đã có những chuyển biến rõ nét: Đường làng ngõ xóm được đổ bê tông; những cánh đồng ngô, đậu tương... xanh mơn man trong gió đông. Chúng tôi đến thăm các mô hình chăn nuôi dê, gà... từ nguồn kinh phí của ngành Nông nghiệp và UBND huyện hỗ trợ. Ông Lô Văn Hoạt ở bản Chảo thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản Bách Thảo. Từ chỗ được cấp 6 con dê giống, sau 17 tháng, đàn dê đã có 13 con. Chị Vi Thị Hương, con dâu ông Hoạt “khoe”: “Dê dễ nuôi vì thức ăn rất sẵn. Mỗi năm dê đẻ hai lứa và chỉ nuôi trong vòng 1 năm là đã xuất chuồng với mức bình quân từ 3,5 - 4 triệu đồng, đem lại thu nhập khá cao...”. Còn tại nhà chị Lương Thị Nhung, hộ thực hiện mô hình chăn nuôi gà ri, từ chỗ trọng lượng chỉ 2 - 3 lạng/con, sau vài tháng, nay đàn gà 120 con bình quân đạt 1,2 - 1,4kg/con. Theo ông Lô Quật Khởi - Phó Chủ tịch xã Châu Thái, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt 78.304 triệu đồng, trong đó, sản xuất nông lâm đạt 41.557 triệu đồng, tăng 13,13% so với năm 2012. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Châu Thái đã bê tông hóa được 1km đường, đã giải phóng mặt bằng nhiều tuyến liên thôn, hiện chỉ chờ nhà nước cấp xi măng là thực hiện xây dựng...
Còn ở xã Châu Quang, người dân nói nhiều về cây trồng vụ đông, nhất là việc trồng ngô lai C919, cây đậu tương trên đất 2 lúa như là một chiến công thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ông Lô Trung Thái - xóm trưởng xóm Bản Mọn đã nói rằng: “Thường thì người dân ở Bản Mọn hay trồng khoai trên đất 2 lúa trong vụ đông. Năm nay, huyện và xã chỉ đạo làm mô hình đậu tương. Ban đầu ai cũng ngại, bởi trời lạnh giá, bỏ công sức ra chẳng biết kết quả ra sao. Sau khi được cấp giống, phân bón, lại có cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn, người dân đã tích cực tham gia. Giờ đây, 42 hộ dân Bản Mọn xuống thăm ruộng ai nấy cũng rất phấn khởi vì dù thời tiết không thuận, lạnh giá thường xuyên mà đậu rất sai quả. Vụ đông năm tới chắc chắn trên các cánh đồng Châu Quang sẽ có thêm nhiều diện tích cây đậu tương...”. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất của Châu Quang là 170 tỷ đồng, trong đó, giá trị của nông - lâm - ngư lên đến 63 tỷ đồng, đạt 114% so với kế hoạch, vượt 28% so với năm 2012. Ông Võ Xuân Thanh - Phó Chủ tịch xã Châu Quang phấn khởi: “Xã chúng tôi đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới, bên cạnh đó đã có thêm 7 tiêu chí sẽ đạt trong thời gian sắp tới. Với những mô hình dự án trên đưa về thực hiện trong năm qua, chắc chắn nếp nghĩ, cách làm của nhân dân sẽ đổi thay theo chiều hướng tích cực”.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Quỳ Hợp đã có những bước chuyển rất tích cực về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và áp dụng tiến bộ KH-KT. Trình độ thâm canh, diện tích, sản phẩm, chất lượng đều tăng đã nâng thu nhập bình quân đầu người trong năm 2013 đạt 20,9 triệu đồng. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 60 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 22%; giải quyết việc làm mới cho 4.042 lao động; đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 58%; 76,19% số trạm y tế xã có bác sỹ; 84% người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 82,1 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa... Xác định công tác xây dựng cơ sở hạ tầng là khâu đột phá, quan trọng, huyện đã quan tâm chỉ đạo, tập trung lồng ghép các nguồn vốn cùng với sự hỗ trợ xi măng của tỉnh, sự đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đến nay, đã có 47 km đường giao thông liên xã được cứng hóa; 96,656 km đường giao thông liên xóm và nội xóm được cứng hóa, cùng nhiều công trình thủy lợi, hồ đập, đê điều được quan tâm đầu tư nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất, dân sinh và phòng chống lụt bão...
Ông Hoàng Văn Thái - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay: "Trong năm 2013, huyện tập trung nhiều công sức thực hiện các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là cho đồng bào các dân tộc. Với nguồn kinh phí 1 tỷ đồng từ ngân sách huyện, chúng tôi đã thực hiện nhiều mô hình trồng lúa giống mới ở các xã Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Châu Đình, Châu Lộc, Liên Hợp...; trồng đậu tương ở 3 xã Châu Thái, Châu Quang, Châu Đình; nuôi dê ở Châu Thái, Châu Lý; nuôi vịt bầu Quỳ ở xã Bắc Sơn, Châu Cường; trồng mía chất lượng cao ở xã Hạ Sơn; trồng cam ở xã Văn Lợi; nuôi gà ri ở xã Nam Sơn, Châu Thái. Bên cạnh đó còn có nhiều các mô hình từ nguồn vốn được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ có quyết tâm cao và chọn lựa các giống cây, con phù hợp đặc điểm với từng vùng miền để thực hiện nên các mô hình đều cho kết quả rất tốt, là tiền đề để nhân dân nhân rộng mô hình, tăng thu nhập, thay đổi chất lượng cuộc sống...".
Nghị quyết Đảng bộ huyện Quỳ Hợp đã xác định: “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền và công tác vận động quần chúng, đoàn kết, khai thác các nguồn lực, góp phần đưa sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển bền vững...”. Chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2015 là: Ổn định sản lượng lương thực bình quân 32.000 tấn; tổng đàn trâu 33.432 con, bò 19.494 con, lợn 67.985 con, gia cầm 600.000 con... Qua 3 năm, đã có những chỉ tiêu đạt và vượt. Ông Cao Thanh Long - Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp cho biết: “Nhắc đến Quỳ Hợp, ai cũng nghĩ thế mạnh nơi đây là công nghiệp - dịch vụ thương mại. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi mà sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại đang bị chững lại do tác động của nền kinh tế toàn cầu thì mặt trận nông nghiệp mới là nền tảng để Quỳ Hợp có những bước tiến vững chắc trong phát triển KT-XH và xóa đói giảm nghèo. Nhìn lại thời gian qua, sự quan tâm của Quỳ Hợp dành cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn là hoàn toàn đúng đắn...”.
Những tâm tình của Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp hoàn toàn xuất phát trên cơ sở thực tế. Về đây ngày cuối năm, chứng kiến phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cơ sở, gặp gỡ trò chuyện với những người dân đang tất bật bên những ruộng mía, vườn cam, thăm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt của đồng bào các dân tộc... thì ai cũng cảm nhận tam nông Quỳ Hợp đang trên đà khởi sắc.
Bài, ảnh: Nhật Lân