(Baonghean) - Năm mới, theo lịch dương đã bắt đầu được hơn một tháng còn với những quốc gia ăn Tết theo lịch âm thì năm mới, chỉ mới bắt đầu được ít ngày. Đầu năm, như thường lệ, ai cũng muốn bày tỏ một chút tâm tư, nguyện vọng cũng như mong ước cá nhân trước vấn đề đại sự của quốc gia, dân tộc. Và hầu hết những người được hỏi đều mong muốn nước Việt Nam ta ngày càng phồn thịnh, dân tộc ta ngày càng rạng danh trên trường quốc tế.
Vì lẽ, mấy năm trở lại đây, nền kinh tế của chúng ta lâm vào cảnh khó khăn và trầm lắng, trì trệ quá. Để đạt được mong ước đó, đã có nhiều kiến nghị, đề đạt và cả những diễn đàn chuyên bàn luận về vấn đề này của các tầng lớp trong xã hội. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương. Theo ông, trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới, để chuẩn bị những nền tảng cơ bản, vững chắc vì sự phát triển dài hạn, thì chúng ta, nhất là các doanh nghiệp phải chuyển mạnh từ thông minh mưu mẹo, sang thông minh sáng tạo. Nghe qua thì thấy có vẻ hơi rắc rối và hình như là có sự lẫn lộn vì mưu mẹo, suy cho cùng cũng mang tính sáng tạo sao lại “phải chuyển mạnh” từ cái này sang cái kia. Làm vậy thì khác nào “đánh bùn sang ao”?
Nhưng ngẫm nghĩ cho thật kỹ thì thấy đây là một ý kiến khá là xác đáng và sáng suốt. Vì lẽ, theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học thì mưu mẹo là cách khôn khéo để đánh lừa đối phương nhằm thực hiện một ý định, ý đồ nào đó. Như vậy trong mưu mẹo vừa hàm chứa tính sáng tạo lại vừa có ý không trong sáng, thiếu đàng hoàng và minh bạch. Mà nói thẳng ra là còn có cả sự lừa lọc, xảo trá nhằm đạt được một mục đích nào đó. Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc sự mưu mẹo là điều hết sức cần thiết và rất có giá trị. Vì nhờ nó mà có thể tránh được những tổn thất về sinh mạng và lớn hơn nữa là nhờ đó mà chúng ta, một nước nhỏ đã chiến thắng không ít đế quốc hùng mạnh mà lịch sử còn để lại những mốc son chói lọi. Trong chiến tranh, thành bại là ở phép dụng binh mà dụng binh cho phép người ta sử dụng tất cả mọi phương cách để giành thắng lợi cuối cùng.
Và người giành thắng lợi cuối cùng mới là người chiến thắng. Còn trong làm ăn kinh tế, mưu mẹo có thể giúp chúng ta nhanh chóng đạt được những kết quả cụ thể, làm hài lòng một số người, nhưng sẽ phải gánh chịu thất bại về lâu dài. Đơn giản là bởi mưu mẹo chỉ có tác dụng trong ngắn hạn hợp với lối đánh du kích mà ngăn trở, hạn chế tầm nhìn dài hạn. Không gây được thiện cảm cũng như sự tôn trọng và tin cậy lâu dài đối với các đối tác vì uy tín không cao. Ở khía cạnh này, ông Thành cho rằng, người Việt Nam cũng như các doanh nhân Việt Nam, khá thông minh, rất linh hoạt; mưu mẹo là khả năng thích ứng, để vượt qua khó khăn, đạt được những lợi ích nhất định, tuy nhiên thường chỉ ngắn hạn, do vậy sẽ là hạn chế trong cái nhìn dài hạn. Mặt khác, cũng chính vì dễ thích ứng, kiểu gì cũng sống, nên khó sáng tạo. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp muốn thực sự tạo ra những sản phẩm, chất lượng phát triển cùng thời đại, chắc chắn sáng tạo phải là số một.
Vậy thì hãy chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn; chuyển cái thích ứng đi kèm sự sáng tạo. Nền kinh tế càng hội nhập sâu, chúng ta càng tham gia nhiều các hiệp định chất lượng cao hơn, bản thân các hiệp định đòi hỏi cách sống, cách làm việc, cách kinh doanh, cách làm chính sách, cách thực thi phải đàng hoàng hơn, minh bạch hơn và điều đó đòi hỏi chất sáng tạo cao hơn, không chỉ là mưu mẹo nữa. Đây thật sự là một quan điểm, một bước chuyển mạnh mẽ về nhận thức. Vì lẽ, sáng tạo là tạo ra những giá trị mới về vật chất hoặc tinh thần. Tìm ra cái mới, cách giải quyết mới, không bị gò bó, phụ thuộc vào cái đã có. Trong nền kinh tế tri thưc như hiện nay thì giá trị thặng dư cao nhất là nằm ở những sản phẩm chưa có, chưa được biết tới chứ không phải là ở những thứ có sẵn. Nếu không có sự sáng tạo để tạo ra những sản phẩm mới lạ và khác biệt thì không thể bứt phá, vươn lên thoát khỏi thân phận “ăn theo” những cái đã có của người ta theo kiểu gia công, lắp ráp hay làm thuê. Nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững e sẽ chỉ dừng lại ở hai chữ “khẩu hiệu”.
Thiết nghĩ, sự dịch chuyển mạnh mẽ và dứt khoát từ thông minh mưu mẹo sang thông minh sáng tạo không chỉ giới hạn trong làm ăn kinh tế mà cần phải áp dụng vào tất cả mọi lĩnh vực. Nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan công quyền. Hãy tạo mọi điều kiện cần thiết để sự sáng tạo lên ngôi và coi đây như là một thông điệp đầu Xuân Giáp Ngọ.
Duy Hương