(Baonghean) - Sau nhiều tranh cãi  1% hay 30% công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", vừa qua, Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo nghị định của Chính phủ để lấy ý kiến của nhân dân về việc tinh giản biên chế. Theo đó, trong 6 năm từ 2014 đến 2020, Nhà nước phải chi ra 8.000 tỷ đồng để "mời" 100.000 công chức hưởng lương từ tiền đóng thuế của dân mà không làm việc về vườn.
 
Nghe thoáng qua thông tin trên nhiều người đã rất phấn khởi vì cho rằng Bộ Nội vụ đã nhận thức được sai lầm vì ngành mình tuyển  vào biên chế Nhà nước một lượng đáng kể công chức chỉ có tác dụng "làm nghèo đất nước", nay quyết liệt sửa sai. Việc làm đó cũng tạo ra  hy vọng sắp tới một lượng tiền đáng kể thu được từ nguồn đóng thuế của dân lâu nay dùng nuôi "báo cô" các công chức vô tích sự sẽ được dùng để đầu tư cho phát triển. Thông tin trên cũng nhen nhóm hy vọng nền hành chính nặng "hành dân" là chính sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, khi bình tâm ngẫm lại thấy cách sửa sai này cũng chẳng khác gì đá ném ao bèo, thiếu thực tế. Băn khoăn đó không phải chỉ xuất phát từ thiếu lòng tin mà có căn cứ từ những con số cụ thể và đánh giá của người có trách nhiệm. 
 
Với 2,8 triệu công chức hiện tại, nếu nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc số công chức "sáng cắp ô đi…" chiếm tỷ lệ  30% là đúng thì những ông bà cần phải về vườn  lên đến hơn  900.000 người. Trong khi đó, dự thảo nghị định đưa ra giải pháp 6 năm chỉ loại bỏ được 100.000 người. Vậy còn hơn 800.000 người cũng chỉ có chức năng "làm nghèo đất nước" sẽ phải chờ một nghị định khác được ban hành sớm nhất là 7 năm sau và đến lúc đó chắc nhiều người trong số họ  đã kịp "hạ cánh an toàn". Còn nếu tỷ lệ công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" chỉ có 1% như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoàng Tuấn Anh nhận định thì chỉ có 28.000 người phải cho về vườn. Như vậy nghị định sắp ban hành sẽ xử lý oan một lượng công chức mẫn cán lên đến con số 72.000 người. Với tư duy sống dựa vào "bầu sữa" ngân sách Nhà nước lâu nay, nếu dự thảo nghị định được thông qua, ban hành khi thực thi không biết ngành Nội vụ có đủ "chứng cớ" để "luận tội" những người bị điểm danh hay lại rơi vào một "ma trận" đơn từ của các công chức bị xếp vào diện cho nghỉ sớm vì lâu nay chưa được phân loại rõ ràng. 
 
Lại nữa, 80% số công chức mà dự thảo nghị định nhắm vào là những người chỉ còn 5 năm nữa sẽ nghỉ hưu. Đây là các đối tượng đã có kinh nghiệm công tác. Hơn nữa cho họ nghỉ sớm giảm được chi ngân sách nhưng lại tăng gánh nặng cho quỹ bảo hiểm, liệu có nên? 
 
Và cuối cùng câu chuyện giảm biên chế không phải bây giờ mới có mà đã nêu ra từ lâu. Nhưng trong thực tế càng kêu gọi giảm thì bộ máy càng phình ra to hơn. Vì vậy, câu hỏi sau khi cho về vườn 100.000 công chức "cắp ô..." thì liệu bộ máy hành chính có giảm hay lại phình ra to hơn như nhiều năm qua chưa hề có câu trả lời? 
 
SỸ LẬP 
(95 Nguyễn Gia Thiều, TP. Vinh)