(Baonghean) - Cuối cùng thì con số trọn trịa 100 ngàn người cũng được đưa ra ở dự thảo Nghị định về đề án tinh giản biên chế trong vòng 6 năm (2014-2020) của Bộ Nội vụ trình xin ý kiến.
Dư luận hình không tránh khỏi chút sửng sốt, bởi sự xuất hiện khá bất ngờ của một chủ trương thuộc vào diện “nóng”, lại vào ngay thời điểm “Mừng Đảng - Mừng xuân” này. Dẫu đang chỉ là một văn bản ở dạng dự thảo, nghĩa là còn phải qua rất nhiều bước rà soát, nhiều cấp thẩm định, nhiều chuyên gia cho ý kiến, đặc biệt cuối cùng là phải được Thủ tướng chấp thuận phê duyệt, mới có thể đi vào cuộc sống. Nói vậy là, như độ trễ lâu nay của các chính sách thì có lẽ vẫn còn một khoảng thời gian khá dài cho cái chủ trương giảm bớt một phần “công chức cắp ô” mới trở thành sự thực. Tuy nhiên, ngay lập tức dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm, đặc biệt không chỉ với giới công chức mà cả toàn xã hội.
Người ta quan tâm là phải, bởi đây là một vấn đề bức xúc khá dai dẳng của bộ máy, một đòi hỏi khách quan của tiến trình phát triển, một câu chuyện được xem là rất khó. Nó khó bởi đụng chạm trực tiếp đến con người, mà hơn thế lại là người… cán bộ. Khi một chủ trương ra đời, dù đang phôi thai đã nhận được sự quan tâm nhiều như thế thì chắc không phải là "những văn bản trên trời” (lời trong chương trình Táo quân, 2014). Lâu nay, hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức được nhắc đến như một trong những hạn chế “bền vững” nhất. Dư luận thì dường như đã bão hòa, mọi thứ thì vẫn đâu "trơ" ra đấy. Thuật ngữ “công chức cắp ô” nhan nhản khắp các diễn đàn.
Người dân đóng thuế có lý do để bức xúc khi nghe thông tin có đến 30% công bộc đang ngày đêm tiêu tiền Nhà nước bằng hình thức "ăn không ngồi rồi"! Ở đâu đó dư luận bày tỏ sự phàn nàn bằng cách chế nhạo: “Ai cũng có việc làm nhưng không ai chịu làm việc - không ai chịu làm việc, nhưng ai cũng có lương - ai cũng có lương nhưng lương ai cũng không đủ sống - lương ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng cứ… sống”. Người ta đã mong đợi khá lâu rằng, Nhà nước hãy làm một việc gì đó nhằm thể hiện trước hết là thái độ, sau đó là góp phần từng bước “giải tỏa” vấn nạn bộ phận công chức "tồn kho” này. Trong một phát biểu gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Như vậy từ lãnh đạo cấp cao đến thường dân đều nhận thấy, đều lên án thực trạng. Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế bởi thế ra đời như góp phần giải toả cơn khát chính sách là vậy.
Tuy nhiên, trước vấn đề này, dư luận đặt ra không ít nhưng băn khoăn. Trước hết là về con số 100 ngàn, một con số “đẹp”, tròn trịa, nhưng có vẻ như không xuất phát từ một điều tra mang tính khoa học nào. Người ta mường tượng về một sự cảm tính trước con số quan trọng này. Ai đó cũng đã thử làm phép tính: hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức. Nếu lấy tỉ lệ 30% của 2,8 triệu thì con số này là khoảng 840 ngàn người... Vậy mà, trong những 6 năm chỉ “giải” được chưa đầy một phần tám trong số ấy thì đã gọi là “căn bản” chưa? Với tiến độ này thì đến bao giờ trong bộ máy công chức của chúng ta mới “gọn” được? Giả sử sau 6 năm "gỡ" được 100 ngàn rồi thì 740 ngàn nữa biết về đâu? Chả nhẽ, phải cần đến khoảng thời gian "tám lần sáu" (48 năm) ư? Bởi vậy, không có gì là quá khi ai đó cho rằng chủ trương thì đúng, thì hay, miễn bàn, nhưng mức độ "chỉ tiêu" thì hơi…"vui vẻ" .
Cái thứ hai mà người ta băn khoăn là, bản dự thảo dường như đang chưa đủ để làm cho người ta tin cậy về một khả năng không có tiêu cực trong quá trình giảm biên. Đã xuất hiện những lo ngại kiểu "giảm" thì có nhưng "tinh" thì chưa chắc, liệu rồi có hay không chuyện “mượn gió bẻ măng”? Chuyện tiêu cực này nọ, rồi cả chuyện từ "nể" đến "né" nữa! Người thì bảo "chưa làm đã sợ", kẻ thì nói "phải biết sợ mới làm". Dư luận là vậy, nhưng rõ ràng là những băn khoăn ấy không phải là không có và cũng không phải là không có lý.
Một băn khoăn nữa, đó là có đến 80% trong số tinh giản thuộc diện "về hưu non" Nghĩa là chỉ ít năm nữa, dù không "tinh giản" thì họ vẫn cứ phải nghỉ theo chế độ. Vậy thì ý nghĩa của việc tinh giản ở đây đến mức độ nào? Chỉ có 20% là thuộc diện cho nghỉ việc, trong lúc thực tế khẳng đinh rằng "công chức cắp ô" vốn dĩ không có tuổi! Đành rằng, đây chỉ là dự thảo, nên chúng ta phải có trách nhiệm góp tiếng nói xây dựng. Chúng tôi vẫn nghiêng về phương án chưa nên định ra một con số "dài hơi" như vậy. Nên chăng, đặt ra một mục tiêu chung, rồi xây dựng đề án thí điểm trong vòng một hai năm sau đó tổng kết đánh giá đồng thời xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm "quân số" còn lại.
Vẫn là câu chuyện "nói thì dễ...", bởi vậy chúng tôi muốn tất cả chúng ta thử một lần đặt mình làm người trong cuộc để hiểu, để thông cảm và để cùng hành động một cách đúng đắn nhất. Đặt mình vào vị trí của những người hoạch định chính sách để thấy được cái khó, đặt mình vào vị trí của công chức để hợp tác... Đặc biệt, nếu bạn là công chức, hãy mạnh dạn đặt mình vào vị trí của những người “bị giảm biên” để cảm thông. Biết đâu, điều ấy vừa làm cho chúng ta phấn đấu tốt hơn và có thể cũng là sự chuẩn bị tinh thần cần thiết cho một sự đổi thay với chính bản thân. Suy cho cùng, việc tự nhận thấy sức mình, tự rút khỏi vị trí để nhường chỗ cho một sự tiến bộ cũng là văn hóa… cũng là sự đóng góp, cũng là một cách thức xây dựng?!
Nguyễn Khắc An