Nói đến cải cách bộ máy hành chính thì quan trọng nhất vẫn là những cải cách làm thay đổi động lực. Nếu động lực không thay đổi, mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Và, vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm nhất (đặc biệt là khi Chính phủ đang phấn đấu để trở thành Chính phủ kiến tạo phát triển) là động lực phục vụ dân đang được thiết kế như thế nào.

bna_ts_nguyen_si_dung1545434_922018.jpgTS. Nguyễn Sĩ Dũng.
Có vẻ như với cách thiết kế hiện nay, động lực này là không thật lớn. Đó là chưa nói tới hiện tượng khuyến khích ngược (động lực ngược): gây khó cho dân một thì được nhận một phong bì, gây khó cho dân hai thì được nhận hai phong bì. Cứ càng gây khó khăn mới càng có lợi là biểu hiện đặc trưng nhất của hệ thống khuyến khích ngược. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đây là hiện tượng tham nhũng vặt. Tài sản bị tham nhũng đúng là không lớn, nhưng bất bình xã hội mà loại tham nhũng này gây ra lại rất lớn, vì nó đụng chạm trực tiếp đến những người dân.

Động lực phục vụ dân không lớn có nguyên nhân là vì bộ máy hành chính - công vụ rất ít phụ thuộc vào dân. Từ chuyện đề bạt, bổ nhiệm đến việc tăng lương, khen thưởng… người dân gần như chẳng có thể có ý kiến gì được vào đây. Trước đây, Đảng ta đã có chủ trương thí điểm việc dân bầu trực tiếp chủ tịch xã.

Nếu chủ trương này được triển khai, thì người đứng đầu bộ máy hành chính ở cơ sở sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dân. Để được dân bầu và bầu lại, thì “ông ta”/“bà ta”, cũng như bộ máy của “ông ta”/“bà ta” không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tận tụy với dân. Đây quả thực là cách làm hiệu quả nhất để tạo ra động lực phục vụ dân. Trong chương trình cải cách sắp tới, nếu việc thực hiện đại trà còn gặp khó khăn, thì chúng ta cũng nên làm thí điểm việc dân bầu trực tiếp chủ tịch xã ở một số địa phương từ đó mà rút kinh nghiệm và nhân rộng khi các điều kiện cho phép.

Trong việc tạo ra động lực phục vụ dân, thì đo đếm sự hài lòng của người dân để khen thưởng, bổ nhiệm cũng rất quan trọng. Việc đo đếm sự hài lòng của người dân trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại ngày nay là rất dễ dàng. Nếu chúng ta để máy tính với màn hình cảm ứng ở tất cả các cơ quan cung cấp dịch vụ công, thì chúng ta sẽ đo đếm được sự hài lòng của người dân trong từng giây, từng phút và đối với từng công chức. Vấn đề là Chính phủ cần trình Quốc hội sớm thể chế hóa hoạt động này thành đòi hỏi bắt buộc của pháp luật đối với tất cả các cơ quan công quyền.

Sự thiếu hụt về tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ dân cũng đang là vấn đề rất lớn. Theo một số tính toán, thì có đến 30% công chức chỉ làm được mỗi một việc là “sớm cắp ô đi, tối cắp về”.  Việc chúng ta trả lương dễ dãi và vô tận chỉ cho mỗi một hành vi “cắp ô” đã không chỉ không tạo ra sức ép phải nâng cao trình độ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí làm việc và kỷ luật công vụ. Đo đếm hiệu quả để thưởng phạt công minh là rất quan trọng để tạo ra áp lực phải nâng cao trình độ ở đây.

Ảnh Internet
Ngoài ra, xác lập chế độ trách nhiệm trước thủ trưởng cũng rất quan trọng. Việc lấy phiếu tín nhiệm để đề bạt và đề bạt lại các quan chức hành chính - công vụ như chúng ta đang làm hiện nay không khéo đang phá vỡ nền tảng của kỷ luật hành chính.
Khi cấp trên phải phụ thuộc vào lá phiếu của cấp dưới để được bổ nhiệm, thì họ khó có thể áp đặt kỷ luật và đòi hỏi về hiệu quả công việc. Rõ ràng, chúng ta đang có sự lầm lẫn về cơ chế vận hành chế độ trách nhiệm chính trị và chế độ trách nhiệm hành chính ở đây. Tín nhiệm là công cụ để áp đặt chế độ trách nhiệm chính trị, chứ không phải là công cụ để áp đặt chế độ trách nhiệm hành chính.