nguyentrongthua114907029246215430392_822018.jpgThứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa. Ảnh: dantri.com.vn
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, bên cạnh những ưu điểm thì công tác cải cách hành chính trong năm 2017 vẫn đang đặt ra 4 tồn tại, hạn chế lớn cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.
Trước hết là chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực còn hạn chế. Công tác theo dõi thi hành pháp luật còn một số bất cập, thiếu nguồn lực để triển khai, chưa thu hút được sự tham gia của các cá nhân, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội khác.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng đánh giá: Việc công khai quy định hành chính, thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của một số bộ, ngành và của một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và đơn vị hành chính cấp huyện tại một số địa phương chưa được thực hiện đầy đủ.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, cần phải tiếp tục rà soát, đơn giản hóa; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến ở một số lĩnh vực trọng tâm, như: Đất đai, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác cải cách hành chính tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng nêu thực trạng, có nhiều địa phương còn vướng mắc trong kết nối liên thông phần mềm tại trung tâm Hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với các phần mềm chuyên ngành, như các lĩnh vực: Đất đai, công an, thuế...; dẫn đến khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc tình hình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai một cấp tại địa phương còn nhiều hạn chế, bất cập.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho rằng, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng quy định tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, như chưa đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ bước đầu được triển khai, kết quả đạt được còn hạn chế (ít người sử dụng, số hồ sơ được gửi/nhận trực tuyến không cao). Việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Tại một số cơ quan, đơn vị đã quán triệt chỉ đạo, điều hành qua môi trường điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy, nâng cao hiệu lực quản lý, năng suất lao động và giảm chi phí hành chính. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tại nhiều nơi chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu chỉ sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản, hỗ trợ công tác văn thư, mà chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành qua mạng./.