Sáng 19/2 (ngày Mồng 4 Tết), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên. Cùng đi có các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh: Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên.

bna_chutichnguyenxuanduong3anhthanhle7482082_1922018.jpgChủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường thăm mô hình hợp tác xã rau an toàn tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê

Vụ Xuân năm 2018, thời tiết diễn biến rất phức tạp, xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt từ ngày 29/1 đến ngày 7/2/2018, đã làm 1.016,1 ha lúa và mạ bị thiệt hại.

Cả hệ thống chính trị đã kịp thời vào cuộc, hướng dẫn bà con nông dân khắc phục có hiệu quả thiệt hại do rét gây ra.

Thăm quan mô hình dưa nhà lưới tại xã Nam Thanh, Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê
Vụ Xuân 2018, về cây lúa, toàn tỉnh đã gieo 2.298 ha mạ, trong đó diện tích mạ phủ nilon là 2.296,4ha đạt 99,93%; gieo, cấy được 87.938,9ha/kế hoạch 90.000ha, đạt 99,71%, trong đó diện tích cấy là 62.802,9ha; gieo thẳng 25.136ha.

Về cây lạc, tổng diện tích đã trồng 6.200ha/kế hoạch 17.000ha đạt 47,69%; cây ngô đã trồng là 8.225ha/kế hoạch 17.000ha đạt 58,10%; rau các loại tổng diện tích đã trồng 201,2 ha/kế hoạch 1.000 ha đạt 20,12%.


Kiểm tra diện tích lúa bị thiệt hại do ốc bươu vàng phá hoại tại xã Nam Lộc huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê
Đối với huyện Nam Đàn: Vụ Đông Xuân năm 2018, huyện có tổng diện tích gieo trồng 11.500ha, trong đó diện tích lúa đã gieo cấy là 6.864,2ha/kế hoạch 6.700ha đạt 102%. Do ảnh hưởng của rét đậm rét hại kéo dài đã làm 457ha lúa gieo cấy bị thiệt hại từ 30-70%.
Trước tình hình đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện  đã tổ chức các đoàn kiểm tra, tham mưu cho các xã, đối với diện tích bị ảnh hưởng ít tổ chức bơm nước để bà con dắm, tỉa; còn diện tích bị thiệt hại nặng hơn, bắc mạ ngay trong năm, sau khi ăn Tết xong tổ chức cấy, đảm bảo kịp thời vụ. Đối với cây màu, đến nay Nam Đàn trồng được trên 85% diện tích, diện tích còn lại ngay sau Tết sẽ chỉ đạo bà con khép kín.
Đoàn công tác tham quan mô hình trồng hoa và rau của anh Phạm Trung Kiên ở xóm Mậu 6, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê

Qua kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đánh giá cao các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên đã tích cực chỉ đạo bà con khắc phục diện tích bị thiệt hại do rét đậm, bà con nông dân vào cuộc quyết liệt; có kinh nghiệm, chăm lo cho sản xuất, chủ động bón lân, cùng với các loại phân tổng hợp để cây lúa chống chịu với rét. Qua kiểm tra tại đồng ruộng cho thấy các loại giống lúa đã hồi sinh và phát triển.

Kiểm tra trạm bơm 4AC phục vụ nước cho sản xuất của các xã Xuân Lâm, Nam Cát, Hùng Tiến và Kim Liên huyện Nam Đàn. Ảnh: Thanh Lê
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương chỉ đạo bà con nông dân gieo trồng các loại cây như ngô xuân xuân, lạc xuân, rau màu để đảm bảo diện tích theo kế hoạch của năm 2018. Tập trung  theo dõi chặt chẽ về tình hình sâu bệnh để chủ động xử lý; bố trí đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Thời tiết ấm lên, chỉ đạo bà con cần bám đồng ruộng tập trung chăm bón, tỉa, dắm để các cây lúa phát triển tốt nhất ngay từ thời điểm ban đầu.
Đồ họa: Lâm Tùng.

Sau ngày vui Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên dắm, tỉa diện tích lúa đã cấy. Ảnh: Thanh Lê

Đối với cây màu bà con cần kiểm tra số cây màu đã trồng, khẩn trương trồng phủ kín diện tích còn lại. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đề nghị lãnh đạo huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ấm, bám đồng ruộng, quyết tâm giành vụ Đông Xuân 2018 thắng lợi toàn diện. Ảnh: Thanh Lê

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường lưu ý, các ngành khối nông nghiệp cần chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai khẩn trương ra quân sản xuất ngay những ngày đầu năm với mục tiêu, toàn tỉnh quyết tâm đạt thắng lợi của vụ Đông Xuân 2018 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, vụ đầu.

Năm 2018, ngành NN&PTNT Nghệ An đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu: Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng: 4,0 - 4,5%. Trong đó: Nông nghiệp: 3,5%; Lâm nghiệp: 6,0%; Ngư nghiệp: 7,56%. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt:  1.254.000 tấn. Tổng trọng lượng thịt hơi xuất chuồng: 230.000 tấn. Trồng mới rừng tập trung: 17.000 ha.  Khai thác gỗ (rừng trồng):  580.000 m3. Độ che phủ của rừng: 57,40 %. Sản lượng thủy sản: 195.000 tấn; Diện tích nuôi trồng thủy sản 21.000 ha. Tưới chung: 262.461 ha. Có 25 - 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới…