(Baonghean) - “Có người nói làm công chức thật ra rất dễ: quanh đi quẩn lại chỉ một việc, một chức năng, làm mãi thành kỹ năng, thói quen rồi trở nên thạo việc nhẹ việc. Nếu không có tham vọng phấn đấu thì cười cười nói nói đúng nơi đúng lúc, đi đi về về đúng giờ đúng giấc, chẳng thân ai quá nhạt ai quá, cứ thế lên lão làng theo thứ tự kẻ trước người sau, thoắt cái về hưu nhẹ tênh! Giả như muốn có vai này vai nọ thì bỏ thêm chút nỗ lực, kiêm nhiệm việc đoàn thể, kính trên nhường dưới, tích cực tự phê bình và kiểm điểm bản thân,… và...”.

Nếu nói những người như trên là “công chức mẫn cán” trá hình thì không biết những người quẩn quanh chỉ một việc mà làm không đến nơi đến chốn, giờ giấc đi về cũng không thực hiện nổi, thiếu tôn trọng với người trên kẻ dưới phải xếp vào công chức kiểu gì? Hiển nhiên là không phải kiểu mẫu công chức “thực tâm và bền vững” mà tập thể khuyến khích các cá nhân noi theo, nếu không muốn lợi ích chung biến thành cái chợ vỡ cho ai muốn làm gì, nói gì cũng mặc.

Bà mình rất chăm đi lễ chùa và vẫn thường giảng cho mình nghe về Phật pháp, nhưng mình cứ nhớ nhất lời dạy “Sống phải có tâm”. Tại sao? Bởi vì cái tâm không chỉ quan trọng trong cách sống với mình và mọi người mà cần cho mọi hoạt động của một con người: ăn, ở, đi, đứng, làm việc, hưởng thụ,… và… Một việc làm có tâm phải là kết quả của những suy nghĩ cho mình, cho người. “Cho mình” không phải là tính toán lời lãi thiệt hơn, mà là quy chiếu với lương tâm và nguyên tắc sống của bản thân xem việc mình sắp làm liệu có đi trái lại với hệ giá trị mình xây dựng và tôn trọng.

Nếu có xác định xem hành vi đó trật bánh khỏi đường ray của lương tâm từ ga nào, làm như thế nào để uốn nắn, điều chỉnh lại độ lệch. Nếu không, bắt đầu xét đến hệ quả của hành vi này đối với những người xung quanh và luôn ghi nhớ: Đối xử với mọi người bằng cách mà mình muốn được người ta đối xử. Bản chất của cái tâm thực ra chính là sự tôn trọng mà chúng ta phải dành cho nhau và cho bản thân ta.

Đến đây, có kẻ lại lớn tiếng cho rằng có tâm tức là không vi hại đến ai. Vậy, nếu để kẻ lười biếng nhởn nhơ cạnh người mẫn cán thì “vàng thau lẫn lộn”, ai đãi nổi? Ví dụ: Một vị lãnh đạo không dám làm phật lòng ai, giả mù câm điếc trước đúng sai, phải trái để bám trụ lấy vị trí hoặc vì một dã tâm lớn hơn thì kết quả mà đơn vị, cơ quan, thành phố, tỉnh,... ông ta lãnh đạo cũng chỉ làng nhàng, mờ nhạt. Những người như vậy để lại gia tài là con số không tròn trĩnh, vì không dám “vạn sự khởi đầu nan” nên sự nghiệp cuối cùng nhạt như nước ốc, thành chưa xây thì bền vững ở đâu? Nếu thấy “sống có tâm” mà phải khó nhọc để hài hoà cá nhân và tập thể thì cá nhân sẽ tự khắc bị đào thải, bài xích đi cho tập thể phát triển, nói nôm na là “chết cho có tâm”!

Sống có tâm, làm việc có tâm: tất nhiên không phải ai cũng vô tư mà thực hiện triệt để. Suy cho cùng trong một tập thể phải có những cá nhân và đảm bảo lợi ích của mỗi cá nhân chính là quyền và nghĩa vụ của tập thể. Có gì sai khi mỗi người công chức làm việc, phấn đấu vì mình, rồi vì tập thể, có chăng là bài toán làm sao hài hoà giữa tôi và chúng ta, sao cho “nước nổi thì bèo nổi”. Thế nên người có tham vọng mà đem lại lợi ích cho tập thể còn hơn vạn lần kẻ tự cho là vô tư nhưng ăn bám ở nhờ, trông chờ ỉ lại. Những người bị cho là chỉ biết vì mình nhưng ít ra không phương hại đến tập thể, âu cũng là một sự thực tâm vậy!


Hải Triều