(Baonghean) - “Tôi dự đoán năm tới ngành Nông nghiệp nước nhà sẽ phát triển vượt bậc nhờ có thêm số lượng nhân lực hùng hậu là các thí sinh thi trượt đại học. 27 điểm thi trường Y vẫn trượt vỏ chuối, ghê thật!”. Tất nhiên trường Y thuộc tốp những trường đại học hàng đầu từ lâu và ai ai cũng xác định thi đậu trường Y cực kì khó. Dù vậy, việc vài trăm thí sinh đạt 27 điểm đứng trước nguy cơ trượt đại học Y vẫn “gây sốc” cho dư luận.

Trường Đại học Y Hà Nội năm nay có hơn 700 thí sinh đạt trên 27 điểm, tất cả đều đăng kí ngành bác sĩ đa khoa. Chỉ tiêu ngành này năm nay là 550, trừ đi số thí sinh tuyển thẳng còn hơn 400 chỉ tiêu. Có nghĩa là điểm chuẩn năm nay phải từ 27,5. Tương tự, ngành Y đa khoa của Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh năm nay có 400 chỉ tiêu, chưa tính các đối tượng xét tuyển ưu tiên và tuyển thẳng thì đã có tới 428 thí sinh đạt trên 27 điểm. Việc số thí sinh đạt điểm cao hơn điểm chuẩn năm ngoái vượt quá chỉ tiêu năm nay xảy ra ở hầu hết tất cả các ngành, các trường đào tạo về Y tế.

Rõ ràng đang có một sự bất cân đối giữa cung và cầu của ngành Y tế: trong khi các bệnh viện, trạm y tế địa phương thiếu nhân lực trầm trọng thì khâu đào tạo lại “đủng đỉnh”, “kén chọn”. Tất nhiên, với một ngành nghề liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người, chọn lọc đầu vào là điều cần thiết, nhưng có nên khắt khe thái quá không khi mà những thí sinh có học lực giỏi (đạt 9 điểm/môn!) vẫn bị đánh trượt? Bất cập nằm ở khâu đặt chỉ tiêu đào tạo: thứ 1, chưa có sự cân đối với nhu cầu nhân lực của ngành; thứ 2, chưa có sự cân đối với số lượng thí sinh đăng kí và phổ điểm.

Khi đã nhìn ra mấu chốt vấn đề nằm ở đâu thì giải pháp cũng từ đó xuất hiện. Thứ 1, cần có sự liên hệ mật thiết giữa các trường đào tạo và các cơ sở Y tế về mặt thông tin để điều chỉnh cung cầu cân đối, dựa trên thống kê về nhân lực của ngành Y tế mà đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp. Thứ 2, tuỳ vào số lượng và chất lượng thí sinh đăng kí từng năm mà có sự linh hoạt trong đặt chỉ tiêu, tránh tình trạng hái quả xanh cho đủ chỉ tiêu hay bỏ thừa quả chín vì đầy rổ. Một bất cập nữa là những trường hợp cử tuyển, xuất phát từ mục đích cân đối bản đồ phân bố thí sinh (thí sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) và nhân lực (những thí sinh này sau khi ra trường sẽ trở về địa phương, giảm tình trạng thiếu nhân lực qua đào tạo). Tuy nhiên, có những đối tượng không thuộc diện trên đã lợi dụng chính sách này để làm “cửa sau” bước vào cổng Trường Đại học Y, ra trường với năng lực yếu kém.

Có thể sẽ đặt ra câu hỏi: Tăng chỉ tiêu đồng nghĩa với mở rộng cơ sở vật chất đào tạo, ngân sách ở đâu? Xin thưa, nếu vẫn có ngân sách cho hệ đào tạo liên thông, tại chức là những hệ đào tạo kém bài bản hơn, thì tại sao không cân đối lại ngân sách dành cho đào tạo chính quy và không chính quy? Một khi xác định được đâu là ngạch đào tạo có giá trị thiết thực hơn thì rõ ràng, việc phân chia ngân sách sao cho “người làm nhiều ăn nhiều, người làm ít ăn ít” như Bác Hồ từng nói là hoàn toàn hợp lý và cần thiết! Còn với chính sách cử tuyển, chính sách này xuất phát từ một tư tưởng không sai nhưng chưa phù hợp với thực tiễn: “nếu ở các thành phố cung chưa đủ cầu thì liệu có rơi rớt” được chút ít gì cho những vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt khó khăn?

Nói về thực trạng đào tạo của ngành Y tế, có thể hình dung khâu tuyển sinh của các trường đại học như một ly cà phê phin, còn các cơ sở Y tế như người lao động có quỹ thời gian eo hẹp. Vậy thì với một ngành Y tế còn chật vật về nhân lực như hiện nay, đủng đỉnh chờ từng giọt cà phê rơi xuống, liệu có quá xa xỉ?


Hải Triều