(Baonghean) - Đầu tháng 8, trong chuyến công tác dài 5 ngày tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước và Bình Dương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã có các cuộc gặp mặt các Hội Đồng hương, Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh. Trong mỗi cuộc gặp, sự trao đổi chân tình giữa lãnh đạo tỉnh và bà con đồng hương để lại nhiều tình cảm quí giá. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hồ Đức Phớc mong muốn đồng hương xứ Nghệ tiếp tục phát huy trí tuệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương đang sinh sống, làm giàu chính đáng và có điều kiện về đầu tư tại quê hương. Đồng chí cũng ân cần căn dặn các đồng hương chấp hành tốt những chủ trương, chính sách của các địa phương, phải xem nơi đang sống cũng là quê hương, xứ sở của mình để cùng cộng đồng phấn đấu, trưởng thành.
Những căn dặn, mong muốn của lãnh đạo tỉnh xuất phát từ thực tế có không ít lao động quê hương khi đi làm ăn ở các tỉnh, ý thức chấp hành kỷ luật kém làm ảnh hưởng không nhỏ niềm tin của các doanh nghiệp, đơn vị với người Nghệ. Tìm hiểu từ phía các doanh nghiệp các tỉnh phía Nam, đa số đánh giá cao tay nghề, khả năng sáng tạo, sự cần cù của lao động xứ Nghệ. Thế nhưng với bản tính nóng nảy, hay cãi cự, thậm chí gây hấn tạo nên xung đột, đánh nhau đã làm cho nhiều doanh nghiệp cảm thấy khó điều hành trong môi trường lao động công nghiệp.
Mặc dù chỉ là số ít các lao động xứ Nghệ gây ra những “xung đột” đó nhưng “con sâu đã thực sự làm rầu nồi canh”, làm cho cơ hội tìm việc của rất nhiều lao động đồng hương khó kiếm được việc làm. Đành rằng, sự “kỳ thị” của một số doanh nghiệp phía Nam đối với người lao động xứ Nghệ (cả vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh) là không hợp với xu thế thời cuộc nhưng đã cho thấy những hệ lụy thực tế.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho rằng, vấn đề một số doanh nghiệp trên địa bàn “từ chối” lao động xứ Nghệ, tỉnh đã gặp gỡ lãnh đạo doanh nghiệp trao đổi và tình hình cơ bản ổn định trở lại. Các ban, ngành sẽ tăng cường công tác phối hợp các bên để tạo môi trường lao động bình đẳng, cùng phát triển và hưởng lợi. Quá trình làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và đề nghị các địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chân chính có cơ hội tìm được việc làm.
Về phía các hội đồng hương, hội doanh nghiệp xứ Nghệ cần mở các diễn đàn, đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức kỷ luật cho người lao động. Từ sự lan tỏa của các doanh nhân trẻ thành đạt, hội đồng hương cần tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục con em chấp hành tốt chủ trương, chính sách của các địa phương cũng như kỷ luật lao động của các doanh nghiệp, tránh để xảy ra hiện tượng đáng buồn từng xảy ra là có một số doanh nghiệp không muốn nhận lao động người Nghệ.
Nói chuyện với bà con đồng hương ở các tỉnh, đồng chí Hồ Đức Phớc đã khẳng định niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà khi có nhiều doanh nghiệp là con em người Nghệ thành đạt. Thống kê sơ bộ, ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước và cả kiều bào ở nước ngoài, con em người Nghệ An có lực lượng trên dưới 3 triệu người, gần bằng số dân cư đang sinh sống tại quê nhà.
Đó là lực lượng hùng mạnh góp phần làm tỏa sáng phẩm chất cần cù, trí tuệ tinh thông của người Nghệ. Điều này, cần được tất cả con em trên địa bàn tỉnh khi đi ra các địa phương khác cũng như đang lao động tại quê nhà nhận thức sâu sắc, vì niềm tự hào truyền thống hăng say lao động, sáng tạo và thân thiện của người quê Bác được xây đắp từ bao đời.
Nghĩ về truyền thống quê hương
NGUYÊN NGUYÊN