(Baonghean) - Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa qua không chỉ đánh dấu một trang lịch sử mới trong quan hệ hai nước mà còn mang một ý nghĩa đặc biệt: Lần đầu tiên trong phái đoàn có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho các tổ chức và hoạt động tôn giáo, đồng thời thay đổi cái nhìn phiến diện và lệch lạc của một số tổ chức quốc tế về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn của báo Việt Weekly trước kiều bào Việt sinh sống tại Mỹ, Hoà thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận sự nỗ lực của Đảng và chính quyền trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo và sinh hoạt tín ngưỡng. Bằng chứng là những Pháp lệnh về tôn giáo được ban hành kể từ sau năm 1985, không ngừng được sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam.
Dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phật giáo tại Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nếu những năm 80, 90, cả nước chỉ có chưa đến 10 trường trung cấp đào tạo tăng, ni thì nay có 32 trường trung cấp, 8 trường cao đẳng, 4 học viện đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng và cử nhân phật học. Từ đó đến nay, gần 15.000 tu sĩ đã tốt nghiệp hệ trung cấp, hơn 3.000 tốt nghiệp cử nhân và khoảng 500 tăng, ni được đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Hoà thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hào cho biết, cộng đồng Phật giáo trong khu vực (Myanmar, Campuchia,...) luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ với Việt Nam, đất nước dung hoà được mọi màu sắc Phật giáo. Thống nhất Phật giáo thành công giúp phát huy đoàn kết giữa Nam truyền và Bắc truyền để Phật giáo Việt Nam phát triển hoà hợp, đem đến hạnh phúc an vui cho nhân dân và góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Đó chính là những bằng chứng hùng hồn nhất cho sự phát triển mạnh mẽ và tự do tín ngưỡng ở Việt Nam, dưới sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước.
Ngay trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bên cạnh Phật giáo, Thiên Chúa giáo là một tôn giáo xuất hiện từ rất sớm và nhất quán tư tưởng đồng hành cùng dân tộc. Những đóng góp to lớn vào xây dựng kinh tế cho tỉnh nhà như khôi phục giống cam Xã Đoài, gìn giữ Làng nghề bánh chưng (Yên Thành), bún bánh (Nam Đàn), xuất khẩu lao động (Nghi Lộc)... thể hiện đường hướng “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”. Sự phát triển của Thiên Chúa giáo tại Nghệ An một phần cũng nhờ có chính sách quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, đơn cử như việc dựng tượng thánh An-tôn ở Nghi Lộc, mở mang các giáo họ, giáo xứ và xây dựng nhà thờ...
Rõ ràng mối quan hệ giữa cộng đồng tôn giáo Việt Nam với Đảng và Nhà nước không hề căng thẳng như một số người nhìn nhận. Trong sự phát triển của tôn giáo, không thể phủ nhận nỗ lực của Đảng và Chính quyền, và ngược lại, cộng đồng tôn giáo góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Suy cho cùng, người theo đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Tin Lành hay Cơ Đốc, Cao Đài,... cũng là người Việt Nam, sống theo pháp luật Việt Nam và được Nhà nước Việt Nam bảo hộ. Cũng như việc người Việt Nam có thể là người Kinh, người Thái, người Khơ Mú, người H’Mông,... Hoặc người Việt Nam có thể là người miền Bắc, miền Trung, miền Nam; người nông thôn hay thành thị, đồng bằng hay miền núi... Tất cả đều sinh ra từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ.
Một cộng đồng không thể tồn tại mà không dung nạp và dung hoà những khác biệt: Đây là quy luật của mọi xã hội. Vậy thì sứ mệnh điều hoà những khác biệt (thậm chí là xung đột) giữa các cộng đồng nhỏ thuộc về ai? Chính là Đảng và Nhà nước, “người” có quyền và nghĩa vụ cùng với các vị Thần, Phật, Chúa, Thánh chăm bẵm cho đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào. Trở lại với chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông tuyên bố sẽ mời Báo cáo viên đặc biệt về Tự do tôn giáo và tín ngưỡng đến Việt Nam vào năm 2014, đây là câu trả lời thiện chí và rõ ràng nhất của Việt Nam cho những hoài nghi trước nay về tình hình tôn giáo trong nước.
Bọc trứng Âu Cơ
Hải Triều