(Baonghean) - Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, Đảng và nhà nước hết sức quan tâm đến phát triển lâm nghiệp. Bởi ngoài vai trò là một ngành kinh tế thì lâm nghiệp còn là bộ phận quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giữ lá phổi xanh của trái đất, góp phần chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất nước. Toàn tỉnh có hơn 1,1 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm hơn 2/3 tổng diện tích tự nhiên nên lĩnh vực lâm nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đang được quan tâm đúng mức. Bên cạnh tiến hành rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạch định chiến lược đầu tư phát triển rừng, tỉnh đã đổi mới tổ chức, nâng cao hoạt động của lực lượng kiểm lâm và các đơn vị sự nghiệp lâm nghiệp; tích cực vận dụng các chủ trương chính sách, tập trung nguồn lực cho việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng hiện có và phát triển nhanh vốn rừng. Đặc biệt, bên cạnh tiếp nhận sử dụng đúng nguồn vốn đầu tư, nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã huy động lồng ghép các nguồn vốn khác như: nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng và vốn ODA, nguồn hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên… Xây dựng kế hoạch và ban hành Quyết định 5085/QĐ-UBND, 1738/QĐ-UBND và Quyết định 119/QĐ-UBND giao nhiệm vụ chỉ tiêu và nguồn vốn cho các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện.
Năm 2013 là năm thời tiết nắng nóng, hạn hán, gây nhiều khó khăn trong công tác trồng và bảo vệ rừng, nhưng các đơn vị, chủ rừng đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia công tác quản lý rừng, phòng cháy chữa cháy, tổ chức gieo ươm giống cây lâm nghiệp, thực hiện khoanh nuôi rừng theo đúng quy trình…nên hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh đã bảo vệ tốt 888.695,7 ha diện tích rừng hiện có, đạt 100,5% kế hoạch; khoanh nuôi 85.280 ha/85.280 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, công tác trồng rừng năm 2013 được giao chỉ tiêu tương đối cao, lại thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn, như hiện trường trồng rừng nằm trên địa hình phức tạp, xa, nhưng đến ngày 20/11/2013 trồng mới 15.391,5 ha rừng các loại, đạt 102,6% kế hoạch và 5 triệu cây phân tán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, doanh nghiệp và hộ gia đình cá nhân trồng 8.719 ha, đạt 102,7% kế hoạch; nhiều huyện đã thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch gồm: Anh Sơn vượt 19%, Thanh Chương vượt 17,1%, Quỳ Châu vượt 23%, Quế Phong vượt 87,5%, Nghĩa Đàn vượt 24,3% và Tân Kỳ vượt 6,7%...
Nhờ đó, diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cơ bản được bảo toàn, diện tích rừng sản xuất tăng nhanh, bên cạnh góp phần đưa tỷ lệ che phủ của rừng tiếp tục tăng, hiện đạt trên 54%, còn tạo ra nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã khai thác chế biến từ 300-500 ngàn m3 gỗ rừng trồng, riêng năm 2013 đã khai thác chế biến 500 ngàn m3, 1672 tấn nhựa thông, trong khi gỗ rừng tự nhiên chỉ khai thác 5.500 m3.
Mặc dù giành được kết quả quan trọng, nhưng trước sự đổi mới của đất nước, thời gian tới, hoạt động của ngành Lâm nghiệp Nghệ An tiếp tục bám sát chỉ đạo định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn phê duyệt ngày 8/7/2013. Phấn đấu đạt mục tiêu: Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường, tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 4-4,5%; từng bước đáp ứng yêu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường.
Để đạt mục tiêu đó, ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, rà soát quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành việc đánh giá lại quy hoạch xác định các loại rừng để duy trì hợp lý diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, chuyển một số diện tích sang phát triển rừng nguyên liệu, bảo đảm diện tích canh tác nương rẫy ổn định cho đồng bào miền núi.
Thứ hai, triển khai thực hiện tốt các đề án, nhất là đề án: Nâng cao chất lượng giống, nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng; xây dựng vùng rừng trồng tập trung gắn với các trung tâm chế biến gỗ và đồ gỗ; phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao, đẩy mạnh các hoạt động chế biến, nhất là chế biến gỗ nhân tạo, giảm dần chế biến dăm; đầu tư hạ tầng kỹ thuật để giảm giá chi phí, hạ giá thành… góp phần nâng cao giá trị gia tăng về chất lượng rừng đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, rà soát, sắp xếp lại các tổ chức quản lý rừng, phân rõ lâm phần ổn định quốc gia và diện tích rừng nguyên liệu. Đổi mới cơ chế và tổ chức quản lý rừng theo hướng nâng cao quyền tự chủ cho các tổ chức và cá nhân. Tăng cường công tác quản lý đất đai, thực hiện liên doanh liên kết, phát huy các nguồn lực, nhằm thực hiện sản xuất kinh doanh rừng ngày càng hiệu quả, khắc phục tình trạng lãng phí, bất hợp lý và kém hiệu quả trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp.
Thứ tư, quan tâm phát triển nguồn nhân lực cho nghề rừng.
Thứ năm , tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm, từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và doanh nghiệp từng vùng kinh tế, lấy doanh nghiệp mạnh và doanh nghiệp đầu tàu hiện có làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu.
Thứ sáu, mở rộng thị trường, vừa tạo đầu ra thuận lợi, vừa nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa cho nghề rừng.
Nguyễn Tiến Lâm
(Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT)