(Baonghean) - Vụ xuân 2014, kế hoạch của huyện Kỳ Sơn gieo cấy 300 ha lúa nước, 3 nghìn ha ngô và gần 600 ha lạc, rau, đậu các loại.
 
Theo chỉ đạo của huyện, phần lớn diện tích lúa nước sẽ gieo cấy giống lúa Nhị ưu 986. Xác định vụ xuân ở Kỳ Sơn thường gặp khó khăn về cây mạ và trâu, bò, do giá rét, ngay từ đầu tháng 11, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống rét cho mạ và tổ chức thành 4 đoàn công tác để phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm.
 
images880561__dsc0920.jpgNông dân xã Tà Cạ làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân.
 
Ông Nguyễn Đình Trị - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Diện tích lúa nước của huyện Kỳ Sơn tập trung chủ yếu ở các xã: Chiêu Lưu, Hữu Kiệm, Tà Cạ, Mường Ải, Hữu Lập, Phà Đánh, Huồi Tụ, Na Ngoi… Mặc dù UBND huyện có kế hoạch gieo cấy 300 ha, thực tế đồng bào các dân tộc chỉ gieo cấy được từ 200 - 250 ha. Nguyên nhân là một số nơi vùng cao nhiệt độ thấp, lúa xuân khó phát triển nên đồng bào không sản xuất. Lịch gieo cấy lúa xuân của Kỳ Sơn từ ngày 4/2/2014 (tức ngày mồng 5 Tết Nguyên đán), đây là thời điểm đồng bào các dân tộc đang vui chơi ngày Tết, do vậy huyện chỉ đạo các địa phương, các phòng, ban chuyên môn, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống. Tuyệt đối không cho bà con gieo thẳng, thời gian gieo mạ phải đúng lịch, thực hiện tốt công tác phòng, chống rét cho mạ bằng các biện pháp che phủ ni lông, rắc tro bếp, điều tiết nước hợp lý, đặc biệt lưu ý tăng số lượng giống lên 10 - 15% để dự phòng mạ chết rét. Tuy nhiên, do đặc điểm thời tiết của mỗi vùng trong huyện khác nhau, huyện chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để xây dựng kế hoạch và giải pháp phù hợp, dựa trên lịch thời vụ của huyện.
 
Do kinh nghiệm sản xuất của đồng bào các dân tộc còn hạn chế, UBND huyện giao cho Trạm Khuyến nông chỉ đạo mạng lưới khuyến nông viên cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, khuyến cáo, tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng, cung ứng đầy đủ, kịp thời giống lúa lai, ngô lai và các giống cây trồng khác, chuẩn bị đầy đủ các loại phân bón phục vụ sản xuất. Đồng thời, Trạm Khuyến nông tiến hành xây dựng mô hình và tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT cho người dân. 
 
Chống rét cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân được UBND huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu tháng 11, huyện đã phân công thành 4 tổ, mỗi tổ do 1 đồng chí trưởng ngành chuyên môn làm trưởng đoàn, chịu phụ trách theo cụm từ 5 - 6 xã. Ông Lê Công Tâm - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Được huyện giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn phụ trách 6 xã Keng Đu, Đoọc Mạy, Na Loi, Mỹ Lý, Mường Lống và Bắc Lý. Xác định đây là những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, hàng năm thường bị rét đậm, rét hại kéo dài, tập quán chăn thả rông trâu, bò, nên trâu, nghé hay bị chết rét về mùa Đông, do vậy đoàn phân công cụ thể mỗi thành viên phụ trách từng xã, phối hợp với chính quyền địa phương, thường xuyên tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống đói rét cho gia súc, gia cầm...
 
Nguyễn Hoàng