P.V:Vào thời điểm ban hành Chỉ thị 17, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm nội quy, quy chế, còn vi phạm giờ giấc lao động, lạm dụng việc uống rượu, bia và làm việc riêng trong giờ hành chính... Tất cả đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị. Vậy, sau 5 năm thực hiện, những hạn chế này đã được khắc phục như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Quốc Khánh: Chỉ thị 17 được ban hành là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, nhanh chóng đi vào thực tiễn và có tác động lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các nội dung cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục và trở thành nền nếp trong các cơ quan, đơn vị.
Việc uống rượu, bia trước, trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; hút thuốc lá nơi làm việc, nơi công cộng đã được giảm hẳn. Hiệu quả sử dụng giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được nâng cao. Tình trạng đi muộn về sớm, ngồi quán cà phê trong giờ hành chính đã cơ bản được khắc phục.
P.V: Như đồng chí đề cập, Chỉ thị 17 đã nhanh chóng đi vào thực tiễn. Vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương có những cách làm nổi bật nào?
Đồng chí Trần Quốc Khánh: Để thực hiện Chỉ thị 17 có hiệu quả, các đơn vị, địa phương đã phát động và xây dựng nhiều mô hình hay với nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
Ví dụ như: Huyện Tân Kỳ tổ chức các hội thi “Nét đẹp văn hóa công sở”, “Văn hóa học đường”; huyện Anh Sơn thành lập “Tổ trực ban” để giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức. Công đoàn Viên chức Nghệ An tổ chức thi viết đề xuất sáng kiến, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính.
Từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo của các cơ quan, đơn vị đã xuất hiện nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên gương mẫu, tận tụy công việc; ý thức phục vụ nhân dân được cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi cư trú và cộng đồng tôn vinh, ghi nhận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Nhiều cơ quan, đơn vị được các cấp, các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát nhiều lần trong năm, trong đó chú trọng việc kiểm tra, giám sát vai trò người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và liên đới chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm.
Trong 5 năm, toàn tỉnh có 2 tập thể, 247 cá nhân bị xử lý kỷ luật cách chức, cảnh cáo, khiển trách và hạ loại, kiểm điểm, nhắc nhở. Qua việc kiểm tra, giám sát đã khẳng định những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 17, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Quốc Khánh:Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình thực hiện Chỉ thị 17 nhưng so với yêu cầu thì kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn kém do còn tình trạng nể nang trong phê bình và tự phê bình và xử lý vi phạm.
Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là năm đột phá cải cách thủ tục hành chính, do đó phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17 gắn với Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời phải tăng cường các giải pháp, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Các đơn vị, địa phương phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc.
Hàng năm, các đơn vị, địa phương đưa tiêu chí thực hiện Chỉ thị 17 vào đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân; gắn nội dung kiểm tra, giám sát Chỉ thị 17 vào chương trình kiểm tra, giám sát thường xuyên của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cùng cấp; đồng thời, phối hợp thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất; có các chế tài, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!