Cùng với đó là thực hiện hệ thống hóa số liệu, dữ liệu liên ngành, tăng cường điều tra cơ bản, trong đó Bộ TN&MT đã cập nhật dữ liệu khí tượng, thủy văn, hải văn, bùn cát và tài nguyên nước của vùng. Bộ NN&PTNT đã tập trung khảo sát đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển.
Về nguồn lực, đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã có kế hoạch bố trí khoảng 18.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình, dự án.
Nghị quyết 120 là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận, tuy nhiên theo Bộ TN&MT, một số cơ quan, địa phương chưa thực sự đổi mới theo tinh thần này, còn trông chờ vào hướng dẫn và nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương.
Sau khi các bộ, ngành báo cáo việc triển khai và công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là Nghị quyết được nghiên cứu xây dựng bài bản về quan điểm phát triển, mô hình phát triển và giải pháp cụ thể, được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra gay gắt, thì việc sớm sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết là rất cần thiết.
Thủ tướng đánh giá, các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, trong đó có các đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực ở vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra, vẫn có tình trạng thiếu quyết liệt trong triển khai Nghị quyết, kể cả tư duy và hành động còn nhiều vấn đề đặt ra; thiếu sự chủ động, vận động nhân dân trong thực hiện Nghị quyết:
“Cần đánh giá đầy đủ hơn các chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương trong thực hiện Nghị quyết. Có ngành nào mà từ khi có Nghị quyết chưa tổ chức thực hiện? Có ngành nào chưa đọc đến Nghị quyết để xem trách nhiệm của mình? Tôi thấy có, chứ không phải không có. Tư tưởng xuôi chiều, lãng quên, chấp nhận cái cũ, không chịu đổi mới tư duy là có, trong khi đó nhiều bộ trưởng đang lăn xả vào công việc, xử lý các vấn đề liên quan đến đời sống và phát triển ĐBSCL. Định hướng phát triển và chỉ đạo thực hiện là hết sức quan trọng đối với vùng sông nước nhạy cảm, chịu tác động mạnh mẽ, sâu sắc của biến đổi khí hậu như ĐBSCL”, Thủ tướng nói và yêu cầu, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, có Nghị quyết mà không triển khai.
Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần có chỉ đạo về mặt khoa học công nghệ phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu ở vùng ĐBSCL, từ đó đặt vấn đề tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực có liên quan đến phát triển vùng bền vững, vì mục đích con người và nâng cao mức sống người dân.
Cùng với đó là làm rõ hơn vấn đề nguồn lực cho phát triển ĐBSCL. Ngoài ngân sách Nhà nước, vốn ODA thì cần xã hội hóa theo mô hình hợp tác công-tư (PPP), huy động các loại hình doanh nghiệp. Kịp thời bổ sung nguồn lực cho phát triển cho vùng ĐBSCL trong nguồn vốn dự phòng trung hạn từ nay đến năm 2020. Tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng thủy lợi và giao thông...
Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét việc hình thành quỹ cho đầu tư phát triển vùng ĐBSCL phù hợp quy định hiện nay; nghiên cứu đề xuất hình thành cơ quan chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết.
Thủ tướng đề nghị xem xét thời điểm tổ chức Diễn đàn trước ngày 20/5, trong đó cần mời các chuyên gia quốc tế, đại diện đến từ các nước có kinh nghiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng như Hà Lan.