Chống tham nhũng là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ cần quan tâm để đáp ứng được nguyện vọng của người dân cũng như yêu cầu phát triển đất nước.
Sau 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, công tác này đã đạt được những kết quả nhất định: cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp, xử lý kỷ luật 800 trường hợp.
Đến nay, tỷ lệ kê khai tài sản thu nhập đúng thời hạn đã đạt được 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%, qua 10 năm đã xác minh hơn 4.800 trường hợp, phát hiện xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.
Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vụ vi phạm, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh, thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, qua đó tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong xã hội, đảng viên và nhân dân.
Đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương từ Trung ương tới địa phương cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả tích cực đạt được, đồng thời kiên quyết, quyết tâm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, nhất là những hạn chế liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, rà soát, đánh giá, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
“Các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng và phẩm quyền được giao phải đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế- xã hội. Các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật phòng, chống tham nhũng theo hướng đồng bộ với những chế tài nghiêm khắc, không có vùng cấm và không loại trừ bất cứ ai” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ đạt hiệu quả cao nếu mọi cán bộ đảng viên, trước hết là người đứng đầu gương mẫu đi đầu, có sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động, không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM, việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu đi đôi với tăng cường hiệu quả phòng, chống tham nhũng. “Thời gian gần đây, những tiêu cực, tham ô, tham nhũng, Đảng ta đã nói trong nhiều Nghị quyết, do đó chúng ta phải quyết tâm, kiên quyết, quyết liệt hơn; khi cấp dưới làm sai thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” - vị luật sư chia sẻ.
Một thực trạng cũng không ít lần được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người dân, doanh nghiệp bức xúc đó là việc chạy chọt khi đến các cơ quan công quyền để giải quyết công việc.
Thực trạng này đòi hỏi, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử. Chỉ khi hệ thống trình tự thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp càng cải tiến, đơn giản, công khai minh bạch bao nhiêu thì nguy cơ người dân bị sách nhiễu, bị đòi hỏi càng giảm bấy nhiêu.
Chính vì vậy, đây là một trong những giải pháp mà bộ máy Chính phủ cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
“Cải cách hành chính rất quan trọng, nhưng vấn đề là trách nhiệm cán bộ giải quyết công việc đến nơi đến chốn như thế nào, nhất là quy trình thủ tục ban hành quyết định hành chính... Chính việc ban hành quy định đó mới tạo điều kiện tùy tiện cho các quan chức hành pháp trong việc lạm dụng quyền hạn, ban hành sai đặc quyền, sai nội dung, thậm chí ban hành những văn bản trái luật” - TS Hoàng Ngọc Giao cho biết.
Điều quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng mà các chuyên gia đều khẳng định đó là các giải pháp đều cần phải đặt dưới sự giảm sát của nhân dân, dựa vào nhân dân.
Ông Đinh Văn Minh - Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, việc thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cùng với việc tổ chức tốt công tác tiếp dân, thành lập các hòm thư, đường dây điện thoại nóng để tiếp nhận các phản ánh, xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng cũng là những biện pháp để người dân tích cực tham gia vào công tác này.
“Hơn ai hết, người dân hàng ngày hàng giờ có mối quan hệ với cơ quan công quyền, nên qua những hành vi, biểu hiện tham nhũng thì người dân biết ngay. Cách khác nữa mà cơ quan Nhà nước không có được đó là việc người dân giám sát cán bộ đảng viên, người có chức vụ quyền hạn ở nơi ăn chốn ở. Vì người dân cùng ăn, cùng ở thì những biểu hiện không bình thường, giàu lên một cách nhanh chóng hay sa đọa về mặt phẩm chất đạo đức của cán bộ thì họ nắm được ngay và phản ánh qua các kênh rất tốt. Thực tế cũng có nhiều vụ việc tham nhũng lớn bắt đầu từ việc tố cáo của người dân. Tất nhiên việc tố cáo của người dân là những thông tin sơ khai ban đầu nhưng nhiều khi hết sức quý giá” - ông Đinh Văn Minh cho biết.
Hy vọng với sự quyết tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính quyền, nước ta thực sự có một Chính phủ liêm chính, một bộ máy công quyền nói không với tham nhũng, hết lòng phục vụ người dân, tạo động lực cho quá trình cải cách và phát triển của đất nước./.