(Baonghean) - Sau hơn 3 tháng thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị đã có những chuyển biến tích cực, thực hiện nghiêm quản lý cán bộ “không uống rượu, bia trước, trong giờ hành chính và giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực. Đồng thời hạn chế uống rượu bia trong những ngày nghỉ”. Điều này góp phần tích cực bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công chức, nâng cao uy tín trong cộng đồng dân cư.
 
 
Cán bộ văn phòng hưởng lợi nhiều nhất
 
Từ trước tới nay, đội ngũ cán bộ văn phòng các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn là đội ngũ bận rộn nhất với công tác tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo các cấp. Cùng đó, thực hiện nhiệm vụ không kém phần “quan trọng” là tiếp, chiêu đãi các đoàn khách. Những lần như vậy, việc uống rượu bia “dân văn phòng” phải vào cuộc tích cực (như một yêu cầu). Bởi có quan niệm rằng “chủ nhiệt tình, khách mới hết mình”. Thế nhưng, từ tháng 12/2013 đến nay, khi các địa phương, đơn vị đồng loạt thực hiện Chỉ thị 17- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đội ngũ cán bộ văn phòng không còn “vất vả” nữa, họ không phải uống rượu mỗi khi tiếp khách buổi trưa, trong giờ hành chính, tính ra giảm được một lượng lớn rượu, bia mỗi tuần.
 
Trong chuyến công tác đến huyện Tương Dương cuối tháng 2, chúng tôi gặp lại anh Quang Văn Đặng - Chánh Văn phòng UBND huyện. Anh Đặng chia sẻ: “Mấy tháng nay, thực hiện Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy, tôi cũng như anh em văn phòng giảm uống rượu, bia rất nhiều. Trước đây, gần như ngày nào cũng phải uống, hôm thì uống khi tiếp khách, hôm thì uống sau các cuộc họp, tập huấn. Nhiều hôm rất mệt nhưng cũng phải gắng vì đặc thù của văn phòng. Từ khi huyện thực hiện Chỉ thị 17, chúng tôi có lý do để không uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ hành chính. Còn buổi tối cũng ít uống hơn, người cảm giác khỏe, hiệu quả giải quyết công việc tốt hơn”. Còn anh Phan Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn cho rằng: Chỉ thị 17 là “cái cớ” rất tốt để chúng tôi nói lời từ chối rượu, bia trong tiếp khách cũng như tổ chức các bữa ăn sau hội họp, tập huấn...
 
Cũng như cán bộ văn phòng các huyện, ở các sở, ngành hồ hởi đón nhận và tích cực thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vì thế các cuộc hội nghị, tập huấn cho cán bộ, chuyên viên từ các huyện, thành, thị theo chuyên ngành có tổ chức ăn trưa đã hoàn toàn “nói không với rượu, bia”. Anh Bùi Văn Hưng - Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Không chỉ những cuộc họp, tập huấn trong tỉnh chúng tôi thực hiện nghiêm việc cấm uống rượu, bia mà các cuộc tiếp khách từ Bộ và các tỉnh bạn đến làm việc cũng không uống rượu, bia vào buổi trưa. Khi nghe giải thích lý do, khách cũng rất đồng tình ủng hộ. Điều đó làm cho chúng tôi đủ tỉnh táo để tiếp tục công việc buổi chiều hiệu quả hơn. Chỉ thị 17, trên thưc tế không riêng gì cán bộ văn phòng phấn khởi mà cán bộ, công chức nói chung đều hưởng ứng thực hiện… ”.
 
Ngay sau khi Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn 9417 yêu cầu: Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị xã quán triệt đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của chỉ thị đến tận cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị thuộc mình quản lý. UBMTTQ tỉnh, các đoàn thể cũng triển khai ký cam kết “không uống rượu, bia trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực”… Ghi nhận bước đầu, hầu hết cơ quan, đơn vị, địa phương có chuyển biến tích cực, cơ quan, công sở đã bớt dần những cán bộ “nghe mùi” rượu trong giờ hành chính, tác phong làm việc được chuẩn hóa. Hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết công việc nhanh hơn.
 
image_1675211.jpgĐại diện các tổ chức Đoàn cơ sở trực thuộc Thành đoàn Vinh ký kết cam kết thực hiện Chỉ thị 17. Ảnh: Mai Hoa
 
Vậy khi thực hiện Chỉ thị 17, “cấm” rượu, bia khi ăn trưa, liệu cán bộ các sở, ngành, các địa phương có cảm thấy “nhạt miệng”? Trả lời câu hỏi này một cách khách quan chắc là có! Bởi do những nét văn hóa ẩm thực và có một thời gian, từ tỉnh tới huyện, xã, thôn, bản đã quen với việc tổ chức ăn sau hội họp, tập huấn có kèm uống rượu, bia. Khi bàn về vấn đề này, ông Vi Hải Thành - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho rằng: “Trước khi Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, Huyện ủy Kỳ Sơn cũng đã có Chỉ thị số 02 hạn chế cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ hành chính và cũng đã giảm được tình trạng uống rượu trên địa bàn. Tuy nhiên, do văn hóa của các đồng bào thường dùng rượu trong các cuộc sinh hoạt ăn uống tập thể nên vẫn chưa thực hiện triệt để. Khi bước vào thực hiện Chỉ thị 17, chúng tôi quán triệt cụ thể đến mỗi cán bộ, đảng viên từ huyện đến thôn, bản. Những cuộc họp, tập huấn tại huyện có tổ chức ăn trưa cho cán bộ xã ở các xã xa trung tâm cũng không có rượu, bia. Còn những cuộc cần thiết ăn có rượu, bia, chúng tôi chỉ đạo chuyển vào buổi chiều tối… ”.
 
Chuyện của Kỳ Sơn cũng chính là thực tế ở nhiều địa phương miền núi, vùng cao. Do các xã cách xa trung tâm và có nhiều thành phần dân tộc nên các hội họp thường tổ chức ăn uống cho cán bộ xã, thôn, bản. Thậm chí nhiều cuộc họp còn có đông đảo các già làng tham dự. Vì thế, chén rượu vẫn là một nét văn hóa ẩm thực, cho nên các huyện “dịch chuyển” bữa ăn có uống rượu, bia vào chiều tối. Ông Lương Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Chúng tôi thực hiện nghiêm chỉ thị và nếu có thông tin, chúng tôi lập đoàn kiểm tra và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, cũng nhìn nhận một cách thực tế là để thực hiện thật triệt để vấn đề này đối với địa bàn miền núi, vùng sâu chúng ta cần có lộ trình. Bởi thay đổi một thói quen, thậm chí là một nét văn hóa không chỉ ngày một, ngày hai. Huyện Tương Dương chủ trương vừa tuyên truyền, kết hợp ký cam kết trong cán bộ, đảng viên, đồng thời phổ biến sâu rộng trong nhân dân để đồng bào cũng giảm uống rượu, bia và giám sát cán bộ ở cơ sở”.
 
Còn đối với cán bộ, công chức ở miền xuôi, thành thị, hầu hết đã chấp hành không uống rượu, bia trước, trong giờ hành chính, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực. Tuy nhiên, lại có hiện tượng “uống bù” vào chiều và tối. Điều này lý giải vì sao ở thành phố và thành thị luôn chật ních người ăn nhậu. Có nhiều quán hàng còn sửa sang, mở rộng diện tích để đón lượng khách tăng vào cuối ngày. Bởi thực tế vẫn có không ít người, chiều tối “uống bù” cho buổi trưa quá nhiều dẫn đến say xỉn nên gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, hiệu quả công tác của ngày hôm sau. Đáng báo động hơn khi thống kê của lực lượng Cảnh sát giao thông và các bệnh viện là có trên 65% các vụ tai nạn xảy ra từ 17h đến 24h hàng ngày, trong đó, có phần lớn nguyên nhân do uống rượu, bia, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
 
Kiên trì và đồng bộ
 
Khi bước vào thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các địa phương, sở, ngành đã xác định rõ trách nhiệm, quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, do thời gian sau Tết Nguyên đán, có nhiều lễ hội đầu xuân nên vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện triệt để chỉ thị, “phá lệ”. Nếu xét về nguyên tắc như vậy là vi phạm Chỉ thị 17, nhưng xét về khía cạnh văn hóa ẩm thực, “thói quen” của lễ hội thì vấn đề này cần nhìn nhận một cách khách quan hơn và cần có lộ trình để chấn chỉnh. Ở góc độ văn hóa ẩm thực, rượu, bia là một “món” thường xuyên có trong ăn uống, tiệc tùng. Ấy vậy mà từ xưa đến nay, từ Đông đến Tây đều giơ chén lên “chúc sức khỏe”. Ngày xưa có kiểu mời rượu gọi là “Chén tạc, chén thù”. Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Trong các cuộc vui có uống rượu, người xưa thường đọc thơ, bình thơ, nên có chữ “bầu rượu, túi thơ”. Song, vấn đề là có nhiều người đã lạm dụng nét văn hóa ẩm thực này, nhậu quá nhiều rượu, bia dẫn đến “say xỉn”; thậm chí gây gổ, đánh nhau, biến “chén tạc” thành thù đúng nghĩa đen, gây mất trật tự, ảnh hướng đến hiệu quả công việc, tác phong cán bộ, công chức, làm giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân.
 
Chính vì vậy, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương phải tiến hành các giải pháp đồng bộ; vừa đẩy mạnh phổ biến ký cam kết trong đơn vị, cơ quan, công sở gắn với việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, phát huy vai trò giám sát của mỗi gia đình và cộng đồng; vừa kiên trì thuyết phục, gắn với siết chặt kỷ cương của đơn vị. Quá trình triển khai Chỉ thị 17, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ, giao trách nhiệm cho các tổ công đoàn vào cuộc tích cực, vừa tiến hành ký cam kết với cán bộ, công chức vừa tham mưu bổ sung những quy định trong Chỉ thị 17 vào quy chế hoạt động của các đơn vị, cơ quan. Qua đó, kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân gương mẫu, có thành tích trong việc thực hiện chỉ thị; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Những kết quả bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, công chức. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cần tính đến cả những cải cách trong tổ chức hội họp, tập huấn. Việc tổ chức ăn tập thể cũng cần tính đến thực đơn với các món phù hợp với việc không phải để “nhắm”, tránh gây cảm giác gợi nhớ rượu, bia…”. 
 
Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chính là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05 ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc “nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước”. Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chuẩn mực về đạo đức, lối sống, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hôi, xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở công sở cũng như ở nơi công cộng và khu dân cư.
 
Nguyên Nguyên