(Baonghean) - Đọc báo, thấy bảo năm nay đề thi tốt nghiệp cấp 3 có câu hỏi liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo, mình tiếc hùi hụi. Chỉ ước năm nay mình mới là học sinh lớp 12, cũng được đi thi để tỏ rõ cho mọi người thấy mình cũng quan tâm, cũng tìm hiểu, theo dõi thời sự Biển Đông chứ không chỉ "thùng rỗng kêu to" đâu. Đùa chứ mình thấy đề ra như thế là quá hay, còn hay ở chỗ nào thì để học sinh lớp...13 là mình đây phân tích cho nhé!
Hay thứ nhất là học sinh làm bài xong ra ai nấy đều gật gù vì câu hỏi cho phép các em vận dụng kiến thức được học trong chương trình vào một vấn đề mang tính thời sự. Thú thực là hồi còn đi học, môn Địa lý là một trong những môn được mình phân loại "môn học thuộc", có nghĩa là gạo bài, tụng cho thuộc lòng rồi đi thi, nhìn thấy "từ khoá" quan trọng là li-vơ-phun tuốt tuồn tuột tất cả những gì liên quan có trong đầu. Thế nên thi xong là chữ thầy lại trả cho thầy, sòng phẳng không nợ nần gì sất. Mà cũng không thể trách mình được, cái rừng nguyên sinh trông nó ra làm sao, đồng bằng châu thổ như thế nào, với một đứa sinh ra và lớn lên ở thành phố có bốn bức tường xi-măng như mình (và nhiều đứa trẻ khác), không biết phải tốn bao nhiêu sữa tươi cho trí tưởng tượng của chúng mình bay xa? Mơ mơ hồ hồ một trận, mình kết luận: Những kiến thức học mà không hiểu có ý nghĩa gì, phục vụ cho mục đích gì, sử dụng ra sao thì vô dụng, học vẹt cho tròn nghĩa vụ, rách việc!
Thật ra, không hoàn toàn do mình lười biếng. Các cụ ta đã bảo rồi, "học đi đôi với hành". Thực hành là cách luyện tập trí nhớ cơ học, nếu cứ làm đi làm lại nhiều lần, tự nhiên sẽ hình thành thói quen, phản xạ. Chẳng thế mà nhiều ông bố bà mẹ vẫn thường ăn hạt... bí mỗi lần con cái thắc mắc bài tập về nhà, nguyên do là nhiều năm không đả động gì đến các kiến thức ấy nên... quên. Ngoài ra, thực hành giúp ta va chạm với nhiều tình huống cụ thể, phát sinh một số "biến dị", lúc đó ta mới vỡ lẽ từ lý thuyết đến thực hành cần phải linh hoạt, nắm vững cái cơ bản thì mới phát triển vấn đề sâu, rộng được. Hồi mình học đại học ở Pháp, có bài học mình thấy mông lung kinh khủng, thầy bảo đợi đến lúc làm bài tập thực hành ắt sẽ hiểu. Quả nhiên lúc thực hành, đặt ra vấn đề cụ thể, tự nhiên ngẫm lại lý thuyết, đầu óc thông suốt một cách thần kỳ...
Đó chính là lý do vì sao ở các nước giáo dục phát triển, người ta rất chú trọng phần thực hành. Bởi lẽ, kiến thức suông có thể giúp ta đạt điểm cao trong kỳ thi, nhưng cuộc đời không phải là một kỳ thi và cái ta cần không chỉ là đọc vanh vách vài chương sách mà có khi nghĩ lại, không biết có hiểu được một vài phần? Lại nhớ hồi mình học cấp 2, nhiều hôm thực hành Sinh học mà cứ phải ngồi dán mắt vào cuốn sách giáo khoa, nhìn hình vẽ và tưởng tượng ra đang mổ cá, lại còn chép lại y đúc sách giáo khoa cận cảnh trong bụng con cá nó ra làm sao, được hẳn 9 điểm. Nghĩ lại, vẫn thấy mình thật giỏi, nhưng không phải là "nhà giải phẫu giỏi" mà là "nhà tự thôi miên đại tài". Ít hôm sau mẹ sai mình làm cá, mình cầm dao nhìn con cá ễnh mắt ra như lườm mình, giận quá đành... chém thớt, hì hì!
Đề thi Địa năm nay hay ở chỗ, đã làm cho "anh" học và "anh" hành sóng đôi với nhau. Nhưng hơn cả việc hiểu thấu đáo những gì mình đã học, đề bài còn cho các em học sinh cơ hội được thực hành một bài học mà có lẽ các em, thậm chí là người lớn chúng ta còn mông lung: bài học yêu nước. Như mình đã nói trong một góc suy ngẫm trước, yêu nước cũng cần phải “học”. Vậy thì yêu nước cũng cần phải "hành". Nhưng "hành" ra làm sao, "hành" như thế nào? Nếu như thời chiến là bài tập áp dụng trực tiếp của bài học yêu nước thì thời bình chính là bài tập nâng cao, bài tập "sao" cần chúng ta phải nắm vững thế nào là yêu nước. Tại sao các em học sinh được dạy rằng, học tập tốt là yêu nước, chính là để những lúc như bây giờ, khi vận mệnh quốc gia có biến động, các em có kiến thức để bảo vệ những gì thuộc về mình, những gì là đúng đắn. Nếu Việt Nam khăng khăng giữ một tấc đất, dặm biển mà chính người Việt Nam lại không biết giữ để làm gì, có phải sẽ thành tấn trò cười cho bạn bè quốc tế không?!
Khi mình viết xong những dòng trên đây thì cháu Bim của mình thò đầu vào đọc ké rồi phán một câu: "Rốt cuộc ý cậu là học phải đi đôi với hành, hay là học sinh phải yêu nước? Học đi đôi với hành thì Bim hiểu rồi. Nếu không chăm tập viết, sẽ không viết được chữ O tròn. Nhưng yêu nước thế nào thì Bim vẫn chưa biết?". Mình bảo nó: "Nếu không viết được chữ O tròn tức là viết chữ không đẹp, người khác nhìn vào sẽ cho là tiếng Việt thật xấu. Bim viết chữ đẹp, người ta sẽ thấy tiếng Việt đẹp, tức là Bim yêu nước rồi!". Và mình thầm kết luận: vận dụng những gì mình học để làm cho cái gì thuộc về nước mình thêm đẹp, thêm tốt, ấy chính là thực hành yêu nước!
Hải Triều
(Email từ Paris)