(Baonghean) - Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014, một bất ngờ thú vị là đề thi môn đầu tiên (sáng ngày 2/6), môn Ngữ Văn - giáo dục trung học phổ thông, có dạng đề mở, thoát ly khỏi kiểu ra đề dạng yêu cầu thí sinh “trả bài”, “nạp bài” theo lối đọc chép, học thuộc lòng. Bài viết này không đề cập đến nội dung đáp án, chỉ xin bày tỏ một số cảm nhận chủ quan về mối liên hệ giữa nội dung phần một và phần hai của đề thi, một vài ngẫm nghĩ về sự tương thích của đề thi đối với những sự kiện đồng thời diễn ra khi thí sinh đang cầm bút làm bài.
 
Cụ thể, đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn có 2 phần, phần I yêu cầu thí sinh đọc, hiểu về một trích đoạn trong bài báo “Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước” của tác giả Nguyễn Thế Hanh, Báo GD&TĐ số ra ngày 15/5/2014 viết về sự kiện Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và có những hành động hung hăng... Phần II, phần Làm văn, dẫn một trích đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ (Ngữ Văn 12, tập 2), yêu cầu phân tích khát vọng của nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích và trình bày suy nghĩ về vấn đề: con người cần được sống là chính mình. Mới đọc, tưởng hai phần thi ít liên quan đến nhau, ngẫm nghĩ kỹ, thấy có mối liên hệ hết sức chặt chẽ, thống nhất. 
 
Ở phần Đọc hiểu, trích đoạn bài báo đề cập đến hai nội dung cơ bản: Vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của đất nước đang bị Trung Quốc xâm phạm; tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết của người Việt và cộng đồng quốc tế dâng cao, đặt chúng ta trước yêu cầu phải bình tĩnh, sáng suốt để có hành động phù hợp. Hai nội dung này khơi gợi chúng ta nghĩ đến câu chuyện phần hồn và phần xác được đề cập ở trích đoạn trong phần Làm văn của đề thi. Bằng sự nhạy cảm của mỗi một công dân sống trong cảnh đất nước mình luôn bị chủ nghĩa nước lớn o ép, có lẽ bất kỳ ai khi nhìn lên bản đồ minh họa vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đều có cảm giác phần cơ thể của đất nước như đang bị dùi đâm, dao chích. Cái giàn khoan lớn bằng sân vận động bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, cắm phập vào vị trí tọa độ 15°29′58″B 111°12′1″Đ, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông, rồi chúng dịch chuyển dần, dịch chuyển dần, là hình ảnh trực quan, cụ thể có thể quan sát thấy, như thể phần thể xác của quốc gia dân tộc đang bị xâm hại.
 
Nhưng sự xâm hại như vậy đã phải là nỗi đau lớn nhất chưa? Lúc này, lấy “điểm nhìn giàn khoan” để nhìn lại, chắc hẳn sẽ làm thức tỉnh nhiều điều. Trên phần “thể xác” của đất nước chúng ta, hình như không chỉ có giàn khoan Hải Dương 981, mà còn có rất nhiều những thứ ngoại lai khác cắm sâu đến mức gần như chúng ta đã bị lệ thuộc. Không tin ư, thử nhìn lại xem. Nếu bất chợt kiểm tra trang phục đang mặc ngay trong mỗi người, mấy ai dám chắc hoàn toàn không có “hàng Tàu”. Ôi thôi, từ siêu thị, các hội chợ thương mại công nghệ công nghiệp, cho đến các chợ bán buôn bán lẻ, các shop thời trang đến quầy tạp hóa, liệu có mấy nơi, mấy thứ hoàn toàn không có “hàng Tàu”? Một ngày chợt giật mình, toát mồ hôi khi đọc báo thấy một nước nọ sau khi tổ chức World Cup xong, phát hiện ra gần như toàn bộ quốc kỳ, kèn, hình lãnh tụ được bày bán gần như đều được làm sẵn và đưa đến từ... Trung Quốc. Trộm nghĩ, nước đó ở cách xa Trung Quốc hàng châu lục, còn nước ta đang ở gần kề, liệu chừng?!
 
Cùng thời gian các thí sinh đang dự thi kỳ thi tốt nghiệp này, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ Bảy (khóa XIII), đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nêu ra băn khoăn trước tình trạng các dự án lớn đều rơi vào nhà thầu Trung Quốc. “Chúng tôi không hiểu làm sao 90% dự án điện, 80% dự án giao thông đều rơi vào nhà thầu Trung Quốc?”. Không những thế, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Vũ Tiến Lộc (đại biểu tỉnh Thái Bình) cho rằng, Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới về kinh tế, trong đó, mấu chốt là đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc! 
 
Trong thời đại toàn cầu hóa, hoạt động giao thương kinh tế là hiện tượng có tính quy luật. Nhưng khi bị lệ thuộc về kinh tế thì nó đã vượt ra khỏi quy luật thông thường. Khi đó, phần thua thiệt về nước bị lệ thuộc là điều khỏi phải bàn. Cần nhận thức đây là nỗi đau lớn. Nỗi đau đó chẳng khác gì hồn Trương Ba phải gửi vào da hàng thịt. 
 
Những giãi bày của hồn Trương Ba với Đế Thích đã được nhà viết kịch lừng danh Lưu Quang Vũ gửi gắm vào đó quan niệm nhân sinh sâu sắc về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, danh và thực, khát vọng và khả năng, hồn và xác. Có thể cảm nhận trong đó những day dứt vượt tầm một thân phận, không chỉ là của một nhân vật, con người cụ thể: “...Tôi không thể mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!(...). Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được (...). Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. 
 
Trở lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981, tuy trên thực địa chúng ta đang bị xâm phạm, nhưng tinh thần, ý chí, quyết tâm của người Việt Nam thì quyết không thể để giàn khoan Hải Dương 981 tồn tại tại vùng biển có chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Tương tự như vậy, trong tâm hồn của người Việt không thể có sự tồn tại bất cứ sự lệ thuộc nào. 
 
Điều này, trong phần trả lời hãng AP và Reuters, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khảng khái: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. 
 
Phát ngôn nói trên của Thủ tướng đã toát lên được tinh thần, ý chí của toàn dân tộc. Làm ta nhớ đến câu nói đã trở thành chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó là chân lý vượt bờ cõi không gian, vượt tầm thời đại, trở thành hệ quy chiếu để kiểm nghiệm, đánh giá các thang bậc giá trị chung cho các phạm vi không gian và thời gian khác nhau. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là khát vọng khẳng định giá trị tự thân, với một tinh thần tự ý thức, tự tôn sâu sắc, tích cực. Hiểu theo cách giản dị, gần gũi, “con người cần được sống là chính mình” cũng chính là hướng đến “độc lập, tự do”, tránh bị lệ thuộc, cả phần xác lẫn phần hồn.
 
Tuy nhiên, nếu ở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ, hồn Trương Ba chỉ còn cách là nhờ vào Đế Thích, nhờ vào lực lượng siêu nhiên. Còn với chúng ta hiện nay, để được sống là chính mình, để có độc lập, tự do, chúng ta cần phải dựa vào trí tuệ của mình, sức lực của mình là chính vậy. Bởi, không thể có độc lập, tự do thật sự, nếu không được sống là chính mình, dựa vào sức mình là chính!
 
Ngô Kiên