(Baonghean) - Kể từ ngày Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên lãnh hải Việt Nam, thể hiện rõ ý đồ bành trướng trên biển, nhiều người đã tiên đoán là để đạt được dã tâm đó, nhiều khả năng “người láng giềng phương Bắc” sẽ gây áp lực lên một số lĩnh vực quan trọng khác như là giao thương giữa hai nước.
 
Và thế là người ta bàn định vô cùng sôi nổi cung cách làm thế nào để thoát khỏi sự phụ thuộc, sự cương tỏa về mặt kinh tế của người Tàu và chấn hưng nền kinh tế Việt để có một nước Việt hùng cường về nhiều mặt, đủ khả năng đương đầu với mọi thế lực xâm lược, bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng của nước nhà. Vấn đề này được đề cập khá ráo riết và cụ thể trong kỳ họp Quốc hội với sự vào cuộc khá nhiệt tâm của các đại biểu. Trên báo chí và các diễn đàn xã hội trên mạng internet thì khỏi phải nói. Người ta bàn, người ta nói đến mức kịch liệt. Vì thế, đã khiến không ít người nghi ngại về tính xác thực ở ngoài đời thật. Có ý kiến nghi ngờ và mai mỉa gọi đó là “anh hùng bàn phím”. Cho dù, sự nhìn nhận đó chỉ là số ít và có phần không chính xác, nhưng cũng cảnh báo cho chúng ta thấy một thực tế: bàn định như thế là đủ rồi và nên bắt tay vào những hành động cụ thể.
 
Trên thực tế, ngoài việc Quốc hội đã bàn bạc và thống nhất là dành một khoản tiền nhiều nghìn tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt để vừa vươn khơi nâng cao năng suất đánh bắt cá vừa bám biển dài ngày góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển. Cùng với hành vi tẩy chay hàng hóa “made in China” đậm tính bột phát thì có thể nói là chưa thấy một động thái cụ thể, thiết thực, có tầm chiến lược nào khởi đầu cho việc biến ý định “tự chủ toàn tập” thành hiện thực. Trong khi đó, lúc này đang rất cần một sự khởi xướng, liên kết cùng hành động trong các doanh nghiệp Việt cả trong và ngoài quốc doanh để nhắm tới mục tiêu gây dựng và đem lại sự độc lập, tự chủ không lệ thuộc cho nền kinh tế.
 
Vì thế, khi các doanh nghiệp Việt được coi là “đại gia” trong lĩnh vực  tiêu dùng tụ hội bàn kế vực dậy hàng Việt trong hội thảo “Liên kết tiêu thụ hàng Việt” diễn ra vào ngày mồng 7 vừa rồi đã khiến cho nhiều người phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và coi đây như là một “Hội nghị Diên Hồng nhỏ” của những nhà phân phối thể hiện quyết tâm khắc phục những yếu kém ở khâu cung ứng và phân phối hàng Việt. Một “ông lớn” trong sản xuất và phân phối Saigon Co.op hiện đang tung ra 9 nhóm hàng hóa là gạo - nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản.
 
Trong 9 nhóm này, Saigon Co.op ưu tiên các nhà cung cấp trong nước. Ngoài ra, các hệ thống phân phối của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra cũng có mặt các thương hiệu Việt khác như các dòng sản phẩm sữa của Vinamilk và Nutifood, mì ăn liền của Vifon, thủy sản đông lạnh của Phú Cường, nước mắm của Liên Thành, cá hộp của Seapemex... Sau một thời gian tập trung cho xuất khẩu, một doanh nghiệp sản xuất và phân phối lớn là Công ty CP Sài Gòn Food (Saigon Food) đang nghiên cứu những dòng sản phẩm đặc biệt để phục vụ thị trường trong nước, trong đó, có một số sản phẩm xuất ra thị trường đã đạt được tỷ lệ chấp nhận cao từ người tiêu dùng.
 
Tại hội nghị, các nhà phân phối khẳng định: Vấn đề của hàng Việt hiện nay không nằm ở yếu tố chất lượng, riêng mảng tiêu dùng, các nhà sản xuất trong nước đã cho ra đời nhiều sản phẩm có thể sánh ngang hàng ngoại nhập, thậm chí tốt hơn. Như vậy, có thể thấy, riêng về mặt hàng tiêu dùng, hàng nội hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu trong nước về số lượng và chất lượng. Vấn đề còn lại cần tập trung giải quyết là giá cả phù hợp sức mua và ổn định cùng vấn đề cần làm là ổn định các kênh phân phối rộng khắp các vùng, miền cả nước. Nếu giải quyết tốt vướng mắc này sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho hàng Việt, nhất là nông sản và hải sản. Giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nội địa chính là giải quyết tốt đầu ra cho hàng triệu hộ nông dân trong cả nước.
 
Hy vọng là, sau hội nghị này một thời gian không lâu nữa, nghịch cảnh “được mùa rớt giá” không tái diễn và những hình ảnh bắp cải thả trôi sông, dưa hấu nứt toác tại ruộng vì không tiêu thụ được; còn người chăn nuôi thì không phải treo ao, đóng cửa chuồng vì càng nuôi càng lỗ do đầu ra không ổn định làm nhói lòng bao người sẽ không còn nữa. Hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng từ mồ hôi, nước mắt của người nông dân sẽ không bị phí hoài nữa mà trở thành một nguồn lực làm thay đổi hẳn cuộc sống của họ, giúp cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển bền vững. Mà nông dân vững là đất nước vững, nền kinh tế vững vì họ vẫn chiếm xấp xỉ 70% dân số cả nước. Vì thế, việc mà các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng nói trên đang làm là có ý nghĩa và tầm quan trọng về nhiều mặt. Mà trước hết, cho tất cả mọi người đều thấy là cùng với bàn luận nên có những chương trình, hành động cụ thể, thiết thực như thế. Chúng ta từng thắng đế quốc Mỹ vì chúng ta đã từng xác định “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Nay cũng nên làm như vậy. Hãy hành động cụ thể thay cho luận bàn.
 
Duy Hương