(Baonghean) - Mới đây, trong cuộc trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp Quốc hội, ông Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư đã nói về vấn đề chi tiền mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Thật ra, đây không phải là việc mới có mà chỉ là sự kế thừa chủ trương này từ Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Nhiều người coi đây như là một bước tiến mới, một đột phá nho nhỏ nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực đầy khó khăn, phức tạp và cả nguy hiểm là chống tham ô, tham nhũng. Xét về khía cạnh nghiệp vụ thì có thể coi đó là một thủ thuật thu thập thông tin của Ban Nội chính T.Ư.
Theo thông tin có được từ cuộc trao đổi này thì từ khi có chủ trương đó, cơ quan chức năng đã tiếp nhận được số lượng khoảng vài chục tin báo và nhìn chung là có chất lượng tốt. Song phải khẳng định, dù là tin tốt, nhưng con số vài chục tin là quá ít ỏi so với những gì đang diễn ra trong thực tế ở lĩnh vực này.
Điều đáng quan tâm là cho đến nay, ngoại trừ tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện “nghiệp vụ lấy tin” kiểu đó. Còn hầu hết các ban nội chính cấp tỉnh chưa triển khai cụ thể việc mua tin kiểu này. Cho dù, về chủ trương thì đã cho phép thực hiện đại trà. Lý giải về vấn đề này, người thì cho là do năng lực tổ chức thực hiện của từng ban nội chính cấp tỉnh chưa quen, chưa thạo với phần việc mới mẻ này. Người thì ngại ngần cho là các tỉnh không mặn mà là vì sợ “vạch áo cho người xem lưng”. Không lẽ bỏ tiền ra mua tin rồi để đấy mà làm thì không biết có giải quyết được rốt ráo sự việc không hay là đụng trên, đụng dưới, đụng phải, đụng trái rồi sự vụ lại bị để cho “mòn đi, rỉ đi, mục ra, không lối thoát” như một số vụ việc đã từng diễn ra trước đây.
Cũng có người cho rằng, mức giá trần trả cho một tin kiểu này quá thấp. Chỉ 10 triệu đồng/tin, chẳng bù đắp nổi cho những thiệt hại, mất mát nếu chẳng may bị lộ. Cho nên, người ta cũng không ham hố lắm. Ngoại trừ những người dũng cảm, có tinh thần, trách nhiệm cao và những người đang là hoặc từng là nạn nhân của những hành vi tham ô, tham nhũng đó. Cho nên, có thể nói thẳng ra rằng đang có sự e ngại cả ở bên mua và người bán. Nhất là đối với phía cấp tin. Bởi lẽ, những người có hành vi tham ô, tham nhũng hầu hết là những người có chức quyền, địa vị. Nói gọn lại là có quyền lực. Có khả năng khuynh đảo nhiều việc và lấn lướt nhiều người, nhiều cơ quan ở nhiều cấp. Do vậy, dù nói đến tham ô, tham nhũng ai cũng tỏ ý phẫn nộ, nhưng để chung tay, góp sức loại trừ nó thì không phải ai cũng đủ dũng khí để tham gia một cách trực tiếp, cụ thể. Sự e ngại và cả lo lắng là hoàn toàn có cơ sở.
Bởi lẽ, đã có không ít người dũng cảm đứng lên tố cáo các vụ việc tiêu cực, tham ô, tham nhũng, nhưng sau đó đã phải hứng chịu quá nhiều phiền toái, chịu nhiều áp lực từ phía những người bị tố cáo. Đã có những người vì tố cáo tiêu cực mà bị kỳ thị, trả thù bằng cách gây khó khăn ở đủ mọi nơi, mọi lúc. Thậm chí là bị đuổi việc, đưa ra khỏi Đảng, bị xâm hại thân thể, cho dù họ tố cáo đúng. Có những người đi dự hội nghị biểu dương điển hình chống tiêu cực, tham ô, tham nhũng xong về lại bị cô lập ở ngay nơi làm việc và cả ở nơi cư trú. Ảnh hưởng đến cả vợ, chồng, con cái và người thân. Mà rồi các vụ việc tham ô, tham nhũng, tiêu cực đó có khi lại không được xử lý rốt ráo, đến nơi, đến chốn, đúng người, đúng tội. Khiến người dân thiếu yên tâm, tin tưởng sẽ được bảo vệ khi chống tham nhũng, tiêu cực. Những chuyện này có thể dễ dàng kiểm chứng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do đó người ta e ngại tố cáo, báo tin hay bán tin để lấy tiền vì lo sợ cho sự an toàn của bản thân và cả gia đình.
Từ đó, có thể thấy rõ một điều là, bỏ tiền ra mua tin để phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi tham ô, tham nhũng là việc cần làm và rất nên làm. Nhưng quan trọng hơn cả là phải tạo được sự yên tâm, tin tưởng cho người dân khi tham gia chống các hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng bằng việc xử lý nghiêm và đúng quy trình, quy định của pháp luật đối với các vụ tham ô, tham nhũng. Đi cùng với đó là bảo đảm an toàn tuyệt đối và tôn vinh đúng mực những người tham gia chống tiêu cực. Phải làm được như thế thì người ta mới hăng hái thu thập thông tin cung cấp cho các cơ quan chức năng, dù có được trả tiền hay không.
Mua tin để chống tiêu cực là việc cần thiết, nhưng quan trọng hơn, hiệu quả hơn cả là tạo dựng được niềm tin trong dân chúng.
Duy Hương