Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ra chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Văn bản nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và bộ, ngành đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các chương trình môn học, hoạt động giáo dục và rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, sắp xếp cơ sở đào tạo giáo viên.
Tuy nhiên, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình. Việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu là việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh cần nhiều thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, lấy ý kiến, tuyên truyền rộng rãi trong xã hội. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh thành với Bộ Giáo dục chưa thực sự hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo các nghị quyết của Quốc hội; phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ môn học ở các lớp phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi.
Các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới cần được khuyến khích. Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sử dụng trong nhà trường.
Bộ cần xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn; phát triển các khóa, tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin cần được áp dụng trong đào tạo, bồi dưỡng quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước.
Triển khai kế hoạch đổi mới phù hợp điều kiện địa phương
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức triển khai kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo kế hoạch của Bộ Giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương.
Các địa phương cần tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung đội ngũ và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trên cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có, các tỉnh thành cần sắp xếp để sử dụng hiệu quả; xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Bố trí ngân sách cho chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Các tỉnh thành cần bố trí ngân sách, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ chương trình, đề án, dự án; huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Hàng năm, địa phương cần kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện gửi Bộ Giáo dục để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục bố trí, cân đối vốn đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các chương trình, đề án nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho địa phương theo lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề hàng năm để chuẩn bị điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cơ sở vật chất theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bảo đảm phù hợp với phân cấp và khả năng cân đối ngân sách nhà nước.
Tháng 7/2017, Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chương trình mới được chia thành hai giai đoạn là giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Các môn học được thiết kế theo hướng giảm tải, tăng tính ứng dụng thực tiễn.
Theo kế hoạch, năm học 2018-2019 bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Do chưa chuẩn bị kịp nên tháng 11/2017 Chính phủ đề xuất và được Quốc hội đồng ý áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm một năm, ở cấp THCS 2 năm và ở cấp THPT 3 năm.
Cụ thể, năm học 2019-2020 thực hiện chương trình mới với lớp 1; năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 2 và 6; năm học 2021-2022 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2022-2023 với lớp 4, 8 và 11; năm học 2023-2024 với lớp 5, 9 và 12.
Tháng 1/2018, Bộ Giáo dục công bố dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến.