Chương trình dự kiến sẽ được bắt đầu triển khai trên cả nước từ năm học 2019-2020 với lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2020-2021 với lớp 6 của bậc trung học cơ sở và từ năm học 2021-2022 với lớp 10 của bậc trung học phổ thông.
Dưới đây là một số điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành.
Sẽ có nhiều sách giáo khoaChương trình giáo dục hiện hành chỉ có một bộ sách giáo khoa chính thống trên toàn quốc từ lớp một đến lớp 12, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng và Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền phát hành.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thì các tổ chức, cá nhân có năng lực đều có thể tham gia viết sách giáo khoa. Việc lựa chọn sách nào sẽ do học sinh, phụ huynh, giáo viên quyết định. Các trường cũng ko phải chọn trọn một bộ mà họ có thể chọn nhiều sách từ các bộ khác nhau.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị thông tư quy định quy chuẩn tổ chức, cá nhân viết sách giáo khoa, quy trình biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách, tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định sách.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ vẫn soạn thảo một bộ sách giáo khoa nhằm đảm bảo chắc chắc việc có sách cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, bộ sách này không có tính pháp định bắt buộc sử dụng.
Ba năm giáo dục định hướng nghề nghiệp
Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển ba năm trung học cơ sở thành giai đoạn định hướng nghề nghiệp với nhiều đổi mới so với chương trình hiện tại.
Theo đó, ở bậc học này chỉ còn 5 môn học bắt buộc thay vì bắt buộc học tất cả 13 môn như hiện nay. Các môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Các môn học được lựa chọn chia thành ba nhóm. Nhóm khoa học xã hội gồm môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhóm khoa học tự nhiên gồm môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật. Học sinh chọn 5 môn trong số các môn được lựa chọn, mỗi nhóm ít nhất một môn.
Ngoài ra, bậc học này còn một số nội dung bắt buộc khác như hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, chuyên đề học tập bắt buộc (ba chuyên đề), chương trình giáo dục địa phương.
Xuất hiện thêm môn học mới: Hoạt động trải nghiệm
Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông là nội dung hoàn toàn mới lạ trong chương trình giáo dục phổ thông sắp được triển khai.
Nội dung cơ bản của chương tình này xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân học sinh với bản thân, giữa học sinh với người khác, cộng đồng và xã hội; giữa học sinh với môi trường; giữa học sinh với nghề nghiệp.
Nội dung này được triển khai qua bốn nhóm hoạt động chính: hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp. Học sinh dựa trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực giáo dục khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống dưới sự hướng dẫn và tổ chức của giáo viên.
Hoạt động này giúp hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù như năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thích ứng với những biến động trong cuộc sống và các kỹ năng sống khác./.