(Baonghean.vn) - 30 tuổi, đang ổn định với công việc ở thành phố lớn, Lê Thị Khởi quyết định về lập nghiệp ở miền quê nghèo xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên bằng một ý tưởng khá táo bạo. Đây cũng là ý tưởng vừa được Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ 50 triệu đồng từ Qũy hỗ trợ thanh niên lập nghiệp để khởi nghiệp.

Tuổi thơ…không êm đềm

Nơi khởi nghiệp của Khởi chính là ngôi nhà cấp 4, sát với đường tàu, quanh năm ồn ã. Trong gian nhà ấy, dường như không có nhiều tiếng cười khi chỉ có những người phụ nữ nương tựa vào nhau. Khởi là con duy nhất trong gia đình.

Khi sinh Khởi, mẹ của Khởi đã 37 tuổi, tật nguyền và là gái lỡ thì nên từ nhỏ đến lớn Khởi chưa từng biết bố mình là ai. Khởi chỉ biết, ngay khi mẹ sinh, cô bị tím tái và rơi vào tình trạng chết lâm sàng.

Sau khi được cấp cứu, tỉnh lại, Khởi được các bác sỹ đặt tên là Khởi Nghĩa, nghĩa là vùng dậy và chiến thắng. Sau này, đi làm giấy khai sinh, bác của Khởi rút ngắn lại tên bởi nghĩ rằng tên con gái là Khởi Nghĩa thì quá dài và nam tính…

images2084944_k1.jpgLê Thị Khởi với công việc thiết kế sách. Ảnh: Mỹ Hà

Mang cái tên đặc biệt nên cuộc đời của Khởi cũng khá lận đận. 18 tuổi, Khởi đã phải ra Hà Nội làm giúp việc dù rằng cô bé học khá và có năng khiếu về âm nhạc, thơ văn và sáng tác. Niềm đam mê này cũng giúp cho Khởi tự tin và mạnh dạn viết thư cho nhạc sỹ An Thuyên.

Sau đó, chính ông cũng tạo điều kiện cho Khởi vào học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thời gian đầu, Khởi theo học khoa âm nhạc, đúng với sở thích của mình. Nhưng rồi, sau đó, vì sức khỏe, cô chuyển sang khoa Biên kịch. 

Những người lao động bị khuyết tật đang làm việc tại cơ sở sản xuất của Khởi. Ảnh: Mỹ Hà

Tốt nghiệp, Khởi đã có gần hai năm rong ruổi theo các đoàn phim tư nhân với rất nhiều công việc “không tên” khác nhau. Nhưng rồi, sức khỏe của Khởi yếu dần và đến lúc này cô bé mới biết mình bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng.

Kể lại những ngày tháng khó khăn này, Khởi tâm sự: Khi nghe bác sỹ bảo cho ra viện về nhà chờ chết, em tuyệt vọng vô cùng vì nghĩ sao mình bất hạnh thế, sinh ra đã không có cha, nhà nghèo, đến lúc có thể kiếm được tiền để nuôi mẹ thì lại mang trọng bệnh. Nhưng rồi, sau đó em lại lạc quan và nghĩ rằng mình còn may mắn hơn nhiều người bởi em có mẹ…Nghị lực, cũng giúp Khởi vượt quá khó khăn, nhất là khi em được hỗ trợ toàn bộ chi phí để phẫu thuật.

Những cuốn sách tái chế

Được trở lại cuộc sống bình thường, Khởi bắt đầu thay đổi nhận thức và suy nghĩ nhiều hơn về ước mơ của mình. Đây cũng là lúc Khởi xây dựng ý tưởng về “khởi nghiệp” mà nguyên nhân đầu tiên là vì một “lời hứa”. Ngày còn làm ở Hà Nội, em vẫn thường hay nói chuyện qua điện thoại  với các em bị tật nguyền ở quê nhà. Các em nhỏ bị di chứng chất độc màu da cam nhưng có nhiều ước mơ, hoài bão; ước mơ lớn nhất của các em là có một công việc để tự nuôi sống mình.

Khát khao như vậy, nên dù đã bước sang tuổi 30, có một công việc quản lý khá ổn định ở Hà Nội, Khởi vẫn quyết định làm lại từ đầu bằng dự án “Sản xuất sách giáo dục, sách truyện dành cho thiếu thi từ 2 đến 10 tuổi từ vật liệu tái chế bằng phương pháp thủ công”.

Đây là ý tưởng được Khởi manh nha từ năm 2013 khi em đang làm việc tại một trường mầm non Quốc tế. Nhưng phải đến năm 2017, em mới bắt tay vào thực hiện sau khi đạt giải Nhất phần thuyết trình tại Hội nghị YSEALY do Đại sứ quán Mỹ tổ chức.

Những cuốn sách do Khởi lên ý tưởng và hoàn thiện. Ảnh: MH

Chia sẻ về kế hoạch của mình, Khởi cho biết: Em muốn sản xuất ra một dòng sản phẩm sách đặc biệt với những cuốn sách được làm bằng phương pháp thủ công. Thông qua cuốn sách này, những đứa trẻ có thể tư duy và nhận thức được giá trị nhân văn cao cả được gửi gắm trong từng cuốn sách và nâng cao ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong việc bảo vệ môi trường.

Khi bắt đầu thực hiện ý tưởng, trong tay Khởi chỉ có vỏn vẹn gần 100 triệu đồng là tiền bán một phần đất vườn của gia đình. Số tiền này, Khởi dùng để mua máy in màu, máy xách tay và nguyên vật liệu. Khởi cũng không quên “lời hứa” ngày trước, nên lao động trong cơ sở của Khởi đều là người kém may mắn, trong đó có 2 người đang phải sống bằng tiền trợ cấp tàn tật. Hàng ngày, các anh đến và được Khởi chỉ dẫn để cắt, dán bìa sách. Riêng, việc trang trí trong các cuốn sách theo từng chủ đề, chủ điểm do Khởi trực tiếp thiết kế và trình bày.

Khởi (áo trắng) tham dự Hội nghị Thanh niên và tinh thần tích cực của công dân do Đại sứ quán Mỹ tổ chức. Ảnh: NVCC

Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện, Khởi tâm sự: Gần 5 năm ra trường, toàn bộ tiền tiết kiệm em chủ yếu dùng để chữa bệnh cho hai mẹ con. Vì vậy, khi thấy em bán đất để làm sách, nhiều người bảo em khùng, đầu tư cho một kế hoạch không có tương lai. Tuy nhiên, mẹ em  lại đặt trọn niềm tin vào em và đó là động lực để em không cho phép mình thất bại…

Một điều tích cực khác cũng giúp Khởi tự tin vào kế hoạch của mình đó là sự hỗ trợ từ bà con lối xóm và các tổ chức đoàn thể. Như tại thời điểm này, khi biết Khởi làm sách từ phế liệu nên mỗi khi có sách, báo và bìa cũ mọi người lại tập hợp để đem cho Khởi sử dụng. Nhiều người, tự nguyện xin làm cho Khởi dù biết mức lương chả đáng là bao…

Xưởng sản suất đơn giản của Khởi tại nhà riêng. Ảnh: Mỹ Hà

Qua hơn hai tháng đi vào sản xuất, những cuốn sách đầu tiên được cắt dán từ phế liệu đã hoàn thành với nhiều nội dung khác nhau. Đây cũng là cơ sở để mới đây Tỉnh đoàn Nghệ An hỗ trợ 50 triệu đồng từ Qũy hỗ trợ thanh niên lập nghiệp  giúp Khởi hoàn thành dự án của mình. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong vòng 1 năm với 20 đầu sách và khoảng 1000 bản. Sau khi hoàn thiện, Khởi sẽ tổ chức các cuộc triển lãm để giới thiệu, quảng bá và dự kiến những năm đầu tiên sẽ thông qua các tổ chức phi chính phủ để quảng bá tại nước ngoài./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN