(Baonghean) - Trong số hàng chục nghìn ngư dân của tỉnh Nghệ An đang vươn khơi đánh bắt xa bờ, có những lao động là đảng viên. Họ được xem là những “hạt nhân đỏ” trong những chuyến ra khơi.
Ông Trần Trọng Thâm ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, năm nay 67 tuổi đời, với 45 năm tuổi đảng. Mặc dù tuổi cao, nhưng ông còn khỏe, vẫn vững vàng với những chuyến ra khơi cùng tổ hợp tàu của gia đình. Hơn 40 năm gắn bó với nghề đánh bắt, ông Thâm có nhiều kinh nghiệm trên ngư trường. Hơn thế, với những kiến thức, thông tin chính trị, kinh tế, xã hội lĩnh hội từ tổ chức đảng, ông thường xuyên phổ biến cho lao động trên tàu, qua đó, động viên mọi người hăng say bám biển vừa khai thác nguồn lợi, vừa bảo vệ ngư trường. Chính vì vậy, những chuyến đi biển, có ông trên tàu, anh em thuyền viên vững tin hơn. Tâm sự với chúng tôi, ông Thâm cho biết: “Những năm qua, trên vùng biển đánh cá chung, có những lúc Trung Quốc ngang nhiên cấm biển và có nhiều hoạt động gây cản trở ngư dân đánh bắt. Những lúc như vậy, tôi nắm bắt, nghiên cứu kỹ những thông tin liên quan để phổ biến cho anh em trên tàu và những tàu khác trong địa bàn, nhằm tăng cường mối đoàn kết, nâng cao cảnh giác bảo vệ lẫn nhau mỗi khi đánh bắt trên biển...”.
Với vai trò là người “ cầm trịch” nghề cá, ông Trần Văn Thấy - Chủ tịch Hội nghề cá xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đảng viên, cùng với các thành viên hội nghề cá của xã tích cực tuyên truyền cho hơn 2.000 thuyền viên trên 210 tàu đánh bắt xa bờ chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật trong nước và quốc tế khi lao động trên biển. Với 35 tuổi đảng, 60 tuổi đời, ông Thấy luôn kết nối tốt với các đơn vị, doanh nghiệp trên bờ làm tốt công tác hậu cần, dịch vụ nghề cá. Từ cung cấp nguyên liệu, ngư cụ đến tổ chức tiêu thu sản phẩm, tạo nền tảng vững chắc cho mỗi chuyến ra khơi. Nhờ vậy, đội tàu của xã Sơn Hải được đánh giá có tính tổ chức tốt và hiệu suất đánh bắt cao nhất tỉnh.
Theo thống kê của UBND xã, 6 tháng đầu năm 2014, trong khi sản lượng đánh bắt của toàn huyện Quỳnh Lưu giảm thì riêng xã Sơn Hải tăng 135%, đạt 1.610 tấn hải sản các loại. Ông Trần Văn Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Kết quả đó là phấn đấu chung của tất cả lao động đi tàu, nhưng chúng tôi đánh giá cao vai trò của Hội nghề cá. Đặc biệt, nhiều đảng viên là thuyền viên luôn vững vàng tư tưởng, gương mẫu trong sản xuất, động viên các lao động đoàn kết bám ngư trường. Từ tháng 4/2014, Trung đội Dân quân biển của xã được thành lập, trong đó có 7 đảng viên trẻ, khỏe nòng cốt trong đánh bắt và bảo vệ ngư dân, ngư trường…”.
Thống kê của huyện ủy Quỳnh Lưu, trên địa bàn huyện hiện có 26 đảng viên hàng ngày có mặt trên các đội tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ. Những đảng viên này luôn đi đầu, gương mẫu trong lao động, làm tốt công tác dân vận, xây dựng mối đoàn kết trong mỗi tàu và các đội tàu khi ra khơi. Những chuyến đi biển nếu gặp thời tiết không thuận hoặc quá trình đánh bắt gặp sự cố từ phía tàu Trung Quốc, các đảng viên phối hợp với các thuyền trưởng tích cực động viên anh em thuyền viên vững vàng ý chí, khôn khéo xử lý tình huống. Theo đánh giá của đồng chí Lê Thành Nhân - Phó Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu, “Những đảng viên trên tàu giống như những “chính trị viên”. Bởi vậy, cấp ủy, các chi bộ phải thường xuyên quan tâm, cung cấp kịp thời thông tin cho những đảng viên tham gia đánh bắt, để các đồng chí phát huy tốt trách nhiệm trong những chuyển biển dài ngày, cũng như cuộc sống, sinh hoạt ở địa phương…”. Huyện Quỳnh Lưu có 7 tàu công suất lớn được UBND tỉnh đưa vào đội tàu sẵn sàng cơ động tham gia đánh bắt hải sản ở các ngư trường trong nước, góp phần ngăn cản các tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Ở Thị xã Hoàng Mai, hiện có 45 đảng viên tham gia trên các đội tàu đánh bắt xa bờ. Riêng xã Quỳnh Lập có 31 đảng viên, trong đó có 18 đồng chí thuộc thế hệ 8X, bình quân tuổi đời của các đảng viên đang tham gia đánh bắt trên biển của xã Quỳnh Lập là 45 tuổi. Số lượng đảng viên trẻ chiếm phần lớn đã góp phần tích cực xây dựng lực lượng lao động trên biển của xã mạnh cả về số lượng, cũng như nhận thức, tư tưởng. Trong số những đảng viên trẻ, anh Nguyễn Quốc Hải, sinh năm 1990, được các thuyền viên ghi nhận về tính gương mẫu, nhiệt tình, sống gần gũi mọi người. Được kết nạp trong quân ngũ, trở về địa phương, anh Hải gắn bó với nghề biển.
Để vươn khơi xa, đầu năm 2014, anh cùng 12 thuyền viên khác, góp cổ phần và vay mượn, đóng tàu công suất 1.100 CV, trị giá 6 tỷ đồng. Đây là chiếc tàu đánh cá có công suất lớn nhất tỉnh (tính đến giữa năm 2014). Có tàu lớn, anh em phấn khởi, tự tin ra khơi. Hôm chúng tôi đến Quỳnh Lập, anh Hải đang cùng các thuyền viên chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. “Chúng tôi có sức khỏe, có tàu công suất lớn, không còn ngại chi sóng gió và cũng không sợ những tàu nước khác đe dọa. Anh em mong sẽ bắt được nhiều tôm cá, tăng thu nhập và nếu được hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi sẽ đóng những chiếc tàu lớn hơn nữa để vươn khơi đánh bắt và góp phần bảo vệ ngư trường…” - anh Hải chia sẻ và vẫy tay cho tàu nhổ neo hướng ra Biển Đông.
Xã Quỳnh Lập hiện có 225 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có 150 tàu công suất từ 160 CV trở lên. Đây là địa phương có đội tàu đánh bắt công suất lớn nhất tỉnh, đội ngũ lao động trẻ, năng động, đoàn kết. Đặc biệt, đầu năm 2014, có 4 chiếc tàu của xã đã vươn khơi đến vùng biển Hoàng Sa đánh bắt. Riêng đảng viên Phan Văn Hải, sinh năm 1975 đã hai lần trở về sau khi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa. Đồng chí Nguyễn Văn Thống - Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Anh Phan Văn Hải là một trong những đảng viên tiên phong, đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa. Chúng ta chưa nói đến năng suất đạt được, nhưng hành động đó khẳng định quyết tâm của ngư dân Việt Nam trong bảo vệ ngư trường và biển đảo quê hương”. Để “tiếp sức” cho các thuyền viên vững tâm vươn khơi, Đảng ủy xã Quỳnh Lập tăng cường cung cấp thông tin cho các đảng viên tham gia đánh bắt vào dịp “nghỉ trăng”. Từ đó, giao trách nhiệm cho các đảng viên tuyên truyền đến các thuyền viên, xây dựng mối đoàn kết bền chặt giữa các đội tàu của xã cũng như trong tỉnh và các địa phương khác để khai thác tiềm năng, nguồn lợi ngoài khơi, góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4.323 tàu, thuyền với hơn 20.000 lao động tham gia đánh bắt. Trong số đó, có 2/3 tàu thuyền công suất lớn, có khả năng đánh bắt xa bờ. Lâu nay, các đội tàu và lao động trên biển đóng góp tích cực vào cơ cấu kinh tế của các địa phương ven biển. Quá trình đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã đồng hành, chăm lo tốt công tác hậu cần nghề cá, tạo thuận lợi cho các thuyền viên mỗi khi ra khơi. Đặc biệt, việc chú trọng bồi dưỡng, kết nạp những thuyền viên ưu tú vào đảng là cơ sở quan trọng góp phần triển khai có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá X) và Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam”. Phát huy những kết quả đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở những địa phương ven biển, tiếp tục phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng đảng viên trên những đội tàu đánh bắt xa bờ, làm “hạt nhân” vững chắc trên biển. Đây được xem là nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài để khai thác tốt tiềm năng hải sản, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Nguyên Sơn